Năm 2024 được UBND tỉnh xác định là “Năm hành động vì sự hài lòng của người dân”; do vậy công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, theo đó các nhiệm vụ CCHC được triển khai thực hiện và hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Các văn bản được ban hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Năm 2024, HĐND, UBND tỉnh ban hành 46 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), UBND cấp huyện ban hành 12 quyết định QPPL. Việc xây dựng, ban hành văn bản đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và pháp luật có liên quan. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, thực hiện tự kiểm tra các văn bản QPPL của UBND tỉnh ban hành trong năm 2024; kiểm tra theo thẩm quyền 12/12 văn bản QPPL do UBND cấp huyện ban hành. Qua kiểm tra cho thấy các văn bản QPPL của UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố được ban hành cơ bản đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, thống nhất và phù hợp. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương tỉnh đã thực hiện tự kiểm tra văn bản QPPL của UBND tỉnh đối với các lĩnh vực như: Xây dựng; Giao thông Vận tải; Thông tin và Truyền thông; Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế; Tài chính; Quốc phòng; Công an; Thanh tra Chính phủ;… và báo cáo kết quả tự kiểm tra theo quy định.
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được đẩy mạnh, thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC để kiến nghị đơn giản hóa
Công tác thống kê, công bố TTHC và danh mục TTHC được tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên, kịp thời. Căn cứ kế hoạch của tỉnh, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch rà soát độc lập của từng cơ quan, đơn vị và tổ chức thực hiện theo kế hoạch đề ra. Kết quả: 197/197 TTHC được rà soát, đánh giá; có 91/101 TTHC có phương án kiến nghị đáp ứng yêu cầu, đạt 46,2%. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện rà soát, đánh giá TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; theo đó, toàn tỉnh đã thực hiện rà soát 431/447 TTHC. Qua rà soát có 145/431 TTHC, đạt 33,64 % có kiến nghị, phương án đơn giản hóa đáp ứng yêu cầu rà soát.
Đồng thời, tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, nổi bật như: Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn thực hiện các mô hình “30 phút tăng thêm vì dân” (thực hiện vào 30 phút đầu giờ hoặc 30 phút cuối giờ của buổi sáng hoặc buổi chiều ngày làm việc trong tuần, áp dụng 1-2 lần/tuần) và mô hình “Sáng thứ Bảy vì dân” (lựa chọn lĩnh vực phù hợp để thực hiện vào 1-2 ngày thứ Bảy trong tháng). 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Bộ máy các cơ quan, đơn vị tiếp tục được rà soát sắp xếp
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tỉnh thường xuyên rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Đến nay, 20/20 cơ quan chuyên môn và tương đương cấp tỉnh, 88/88 phòng chuyên môn cấp huyện đã hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quy định. Số lượng lãnh đạo cấp sở, ngành và UBND cấp huyện; lãnh đạo các phòng ban chuyên môn thuộc các sở, ngành và UBND cấp huyện bảo đảm không vượt quá số lượng quy định của Chính phủ.
Việc quản lý và sử dụng biên chế công chức và số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong các ĐVSNCL thuộc UBND tỉnh được thực hiện theo đúng quy định văn bản hiện hành và số biên chế sử dụng không vượt quá số biên chế Trung ương giao. Năm 2024, đã thực hiện tinh giản biên chế 29 công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện (03 công chức; 25 viên chức; 01 nhân viên). HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-HĐND về việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trến địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024, theo đó, tỉnh còn 939 thôn, tổ dân phố.
Cải cách chế độ công vụ được quan tâm thực hiện
Đến nay, tỷ lệ cơ quan hành chính bố trí công chức phù hợp với vị trí việc làm đạt 90%, tỷ lệ ĐVSNCL bố trí viên chức phù hợp với vị trí việc làm đạt 85%; 100% cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính được UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về kỷ luật, kỷ cương hành chính, các quy định về văn hóa công vụ, về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
Cơ chế tự chủ về tài chính được duy trì thực hiện tại các cơ quan, đơn vị
UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ bản nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các công trình, dự án; tăng cường kiểm tra từng địa phương, chủ đầu tư và từng dự án; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương (bao gồm cả các đơn vị quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc) đều xây dựng và ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, đơn vị. Hiện nay, 100% các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tự chủ tài chính.
Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được đẩy mạnh
Mạng lưới viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt 4 cấp, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tiếp tục duy trì hiệu quả, hoạt động ổn định phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được kết nối đến LGSP để kết nối đến các hệ thống thông tin quốc gia và hệ thống có liên quan của các Bộ, ngành theo quy định. Đến nay, trên 95% các hệ thống thông tin của tỉnh đã được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin. Triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin đã được phê duyệt cấp độ. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện gán nhãn tín nhiệm mạng đối với 100% Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước sau khi được đánh giá bảo đảm an toàn thông tin. Tiếp tục duy trì, triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh năm 2024 từ nguồn kinh phí được cấp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.