Năm 2024, toàn tỉnh triển khai thực hiện 377 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, bao gồm: 112 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và 265 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, gồm:
- Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị: 112 dự án, trong đó Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 66 dự án, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 30 dự án, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 16 dự án.
- Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng: 265 dự án, trong đó Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 122 dự án, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 143 dự án, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 0 dự án.
Thu hoạch khoai tây trồng theo hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm của HTX Nam Cường, huyện Chợ Đồn
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình mục tiêu quốc gia đã được các địa phương tích cực triển khai thực hiện, đem lại giá trị cho sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, việc duy trì và tổ chức triển khai thực hiện các dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn chậm, một số số dự án không thực hiện duy trì việc liên kết sau khi kết thúc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; việc tiếp tục duy trì thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng sau khi được nhà nước hỗ trợ còn gặp khó khăn, nhiều hộ dân, tổ nhóm cộng đồng chưa hiểu về chính sách và mục đích hỗ trợ dẫn đến việc không tiếp tục tự thực hiện các nội dung sau khi nhà nước đã hỗ trợ; UBDN tỉnh đã ban hành Quyết định số 1528/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 hướng dẫn thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên qua giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy quy định tại điểm c khoản 2 Mục III Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 1528/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 của UBND tỉnh quy định: “c) Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia là hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ sinh sống tại xã ĐBKK, thôn ĐBKK; trong đó ưu tiên nguồn lực thực hiện dự án, mô hình có trên 70% người dân tham gia là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo.” là chưa đảm bảo thống nhất theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Qua giám sát cho thấy, nhiều dự án được phê duyệt chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia theo quy định, do đó hiện nay một số dự án đang tạm dừng thực hiện để chờ hướng dẫn của UBND tỉnh.
Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên ngày 13/12/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-UBND về việc Ban hành hướng dẫn thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025. Quyết định này thay thế các Quyết định, Công văn của UBND tỉnh: Số 1528/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025; số 7444/UBND-NNTNMT ngày 06/11/2023 về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung tại Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 1528/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn; số 668/QĐ-UBND ngày 19/4/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 1528/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn, trong đó lưu ý một số nội dung sau:
1. Cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì cấp tỉnh thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh là cơ quan phối hợp thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. UBND cấp huyện có trách nhiệm giao đơn vị chủ trì, phối hợp cấp huyện thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. Các cơ quan, đơn vị được giao vốn thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.
2. Nguyên tắc quản lý hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia
- Nguyên tắc chung: Các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình (gọi chung là dự án) phát triển sản xuất phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia dự án là đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện dự án có trên 70% người dân tham gia dự án là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
- Nguyên tắc riêng từng chương trình:
+ Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Thực hiện các nguyên tắc quy định tại Điều 3, Điều 17 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT và khoản 7 Điều 1 Thông tư số 02/2023/TT-UBDT; Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thực hiện tại địa bàn các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó ưu tiên các xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thực hiện tại địa bàn các xã, thôn ĐBKK thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện dự án có trên 70% người dân tham gia dự án là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo; Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ưu tiên hộ nghèo là người dân tộc thiểu số; hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động. Ưu tiên dự án do nhóm hộ, tổ hợp tác có trên 50% số thành viên là phụ nữ đề xuất; Các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), Hợp tác xã (HTX) tham gia vào dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị phải có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số; Hỗ trợ phát triển sản xuất có chu kỳ đủ dài để đảm bảo tính ổn định, hiệu quả, duy trì bền vững và khả năng nhân rộng của mô hình, dự án nhưng thời gian hỗ trợ không quá 05 năm, không vượt quá thời hạn thực hiện giai đoạn I của Chương trình đến hết năm 2025.
+ Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: Thực hiện các nguyên tắc quy định tại Điều 4 Thông tư số 03/2024/TT-BLĐTBXH; Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-BNNPTNT; Các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên địa bàn tỉnh, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo; trong đó ưu tiên nguồn lực thực hiện dự án, mô hình có trên 70% người dân tham gia là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
3. Về xác định giá hoặc thẩm định giá Nhà nước trong việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ:
- Chủ dự án (chủ trì liên kết/cộng đồng dân cư) được giao trực tiếp mua sắm hàng hóa, dịch vụ: Chủ dự án mua sắm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo phù hợp với giá cả thị trường, không cao hơn giá của cơ quan được giao vốn thông báo. Giá do cơ quan được giao vốn thông báo được xác định trên cơ sở giá của hàng hóa, dịch vụ cùng loại được mua bán trên địa bàn thực hiện dự án, trường hợp tại địa bàn thực hiện dự án chưa có hàng hóa, dịch vụ cùng loại được mua bán thì cơ quan được giao vốn tham chiếu giá bán hàng hóa, dịch vụ cùng loại trên địa bàn tỉnh để thông báo (ít nhất khảo sát tại 03 địa điểm mua, bán hàng); hoặc cơ quan được giao vốn xác định giá theo kết quả thẩm định giá của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ thẩm định giá. Trường hợp pháp luật có liên quan quy định phải thẩm định giá của Nhà nước làm căn cứ thực hiện thì cơ quan được giao vốn phải thành lập Hội đồng thẩm định giá theo quy định tại Điều 59, Điều 60 và khoản 2 Điều 74 Luật Giá năm 2023 để thực hiện thẩm định giá của Nhà nước theo quy định.
- Cơ quan được giao vốn trực tiếp mua sắm hàng hóa, dịch vụ: Cơ quan được giao vốn xác định giá gói thầu để phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu căn cứ Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ và quy định tại pháp luật có liên quan để thực hiện theo đúng quy định, trong đó đơn vị thực hiện mua sắm có thể thuê doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định trước khi phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp pháp luật có liên quan quy định phải thẩm định giá của Nhà nước làm căn cứ thực hiện thì cơ quan được giao vốn phải thành lập Hội đồng thẩm định giá theo quy định tại Điều 59, Điều 60 và khoản 2 Điều 74 Luật Giá năm 2023 để thực hiện thẩm định giá của Nhà nước theo quy định.
- Thẩm định giá Nhà nước hoặc xác định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện dự án phát triển sản xuất được thực hiện trước hoặc sau thời điểm dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Cơ quan được giao vốn thông báo giá sau thời điểm dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Trường hợp giá trị mua sắm hàng hóa, dịch vụ thực tế (trên cơ sở giá do cơ quan được giao vốn thông báo) thay đổi so với giá trị tại thời điểm phê duyệt dự án, làm thay đổi tổng giá trị toàn bộ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thì đơn vị được giao vốn phải rà soát, xác định lại tỷ lệ phần ngân sách nhà nước hỗ trợ trong tổng giá trị dự án đảm bảo đúng theo mức hỗ trợ quy định, trong đó:
+ Trường hợp sau khi thông báo giá, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ được phê duyệt tại dự án không đảm bảo mua sắm số lượng hàng hóa đã được phê duyệt (quy mô giảm), cơ quan được giao vốn báo cáo cơ quan chủ trì dự án cấp tỉnh, huyện; cơ quan chủ trì dự án cấp tỉnh, huyện báo cáo Hội đồng thẩm định xem xét, thẩm định (có thể giữ nguyên quy mô ban đầu và bổ sung thêm kinh phí nhưng không được vượt tỷ lệ phần ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định hoặc giảm quy mô và giữ nguyên mức hỗ trợ kinh phí ban đầu) và trình phê duyệt lại dự án theo quy định.
+ Trường hợp sau khi thông báo giá, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ được phê duyệt tại dự án có thể mua sắm số lượng hàng hóa lớn hơn mức đã được phê duyệt (quy mô tăng):
- Nếu cơ quan được giao vốn muốn tăng số lượng hàng hóa tương ứng với mức ngân sách nhà nước hỗ trợ đã phê duyệt thì phải báo cáo cơ quan chủ trì dự án cấp tỉnh, huyện; cơ quan chủ trì dự án cấp tỉnh, huyện báo cáo Hội đồng thẩm định xem xét, trường hợp Hội đồng thẩm định nhất trí cho tăng quy mô dự án thì tiến hành thẩm định, trình phê duyệt lại dự án theo quy định, trường hợp không nhất trí thì thông báo nêu rõ lý do cho cơ quan được giao vốn biết; theo đó cơ quan được giao vốn thực hiện theo quy mô đã được phê duyệt (không phê duyệt lại dự án), phần kinh phí giảm sẽ trả lại ngân sách nhà nước theo quy định.
- Nếu cơ quan được giao vốn không có nhu cầu tăng quy mô dự án thì triển khai thực hiện theo đúng quy mô đã được phê duyệt (không phê duyệt lại dự án), phần kinh phí giảm sẽ trả lại ngân sách nhà nước theo quy định.
4. Về nội dung, mức chi xây dựng và quản lý dự án
Chi xây dựng và quản lý dự án, mô hình, kế hoạch, phương án sản xuất thực hiện như sau:
- Chi phí lựa chọn dự án, mô hình, kế hoạch, phương án (bao gồm chi phí khảo sát, đánh giá; thành lập hội đồng lựa chọn dự án, mô hình; lựa chọn đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ; tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ; thẩm định giá trong phương án mua sắm vật tư, hàng hóa, dịch vụ) được tính trong kinh phí thực hiện dự án, mô hình, kế hoạch, phương án hoặc kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện dự án, mô hình, kế hoạch, phương án không vượt quá 5% tổng kinh phí được giao để thực hiện dự án, mô hình, kế hoạch, phương án. Nội dung và mức chi thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. Quyết định này hướng dẫn một số nội dung, mức chi cụ thể như sau:
+ Chi lập và xây dựng, họp hội đồng thẩm định lựa chọn dự án, mô hình, kế hoạch, phương án: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐND ngày 28/3/2024 của HĐND tỉnh Bắc Kạn;
+ Chi khảo sát, xác định, lựa chọn địa bàn thực hiện, đối tượng tham gia dự án, mô hình, kế hoạch, phương án: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016.
- Chi triển khai, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017.
- Chi khác về quản lý dự án, kế hoạch, phương án, mô hình (nếu có): Mức chi thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và theo thực tế phát sinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, kế hoạch, phương án, mô hình quyết định.