6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh thành lập mới được 38 Hợp tác xã
( Cập nhật lúc:
12/08/2024
)
Tính đến thời điểm 30/6/2024, toàn tỉnh đã có 38 Hợp tác xã thành lập mới, đạt 109% kế hoạch. Trên địa bàn tỉnh có 443 Hợp tác xã, tổng vốn điều lệ 707,3 tỷ đồng và 4.220 thành viên.
Sản phẩm OCOP 4 sao Bí xanh thơm của HTX Yến Dương, huyện Ba Bể
Theo Quyết định 2338/QĐ-UBND ngày 10/12/2024 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024, tỉnh có chỉ tiêu thành lập mới 35 Hợp tác xã trong năm 2024. Tính đến thời điểm 30/6/2024, toàn tỉnh đã có 38 Hợp tác xã thành lập mới, đạt 109% kế hoạch. Trên địa bàn tỉnh có 443 Hợp tác xã, tổng vốn điều lệ 707,3 tỷ đồng và 4.220 thành viên. Trong đó: Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: 327 Hợp tác xã chiếm 73% tổng số Hợp tác xã. Tổng số thành viên 2.850 người, thu nhập bình quân ước đạt 5,0-5,5 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp: 116 Hợp tác xã chiếm 27% tổng số Hợp tác xã. Tổng số thành viên 1.370 người người; thu nhập bình quân ước đạt 5,2-5,7 triệu đồng/người/tháng. Số Hợp tác xã đang hoạt động: 322 Hợp tác xã, chiếm 85,6%, số Hợp tác xã ngừng hoạt động và đề nghị giải thể: 54 Hợp tác xã, chiếm 14,4%, số Hợp tác xã giải thể: 09 Hợp tác xã. Doanh thu bình quân của 01 Hợp tác xã trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 800 triệu đồng/01 Hợp tác xã, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong Hợp tác xã đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Nộp ngân sách ước đạt 35.365 triệu đồng.
Toàn tỉnh có 655 tổ hợp tác (THT) với hơn 2.000 thành viên, trong đó có 609 THT nông nghiệp (chiếm 93%) và 56 THT phi nông nghiệp (chiếm 7%). Các THT thành lập mới, tổ chức, hoạt động ổn định. Hoạt động của các THT hướng đến mục đích hỗ trợ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm về giống, kỹ thuật, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, số lượng THT biến động liên tục do chủ yếu được thành lập mang tính thời vụ, liên kết không bền. Doanh thu bình quân của THT ước đạt 40 triệu đồng/THT/năm.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 02 Liên hiệp Hợp tác xã (01 Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp và 01 Liên hiệp Hợp tác xã thương mại) với 13 thành viên Hợp tác xã. Các thành viên Liên hiệp Hợp tác xã đã phát huy được vai trò trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các Hợp tác xã thành viên trong Liên hiệp Hợp tác xã. Các thành viên liên kết với khoảng 1.000 hộ dân, hợp tác giữa các Hợp tác xã thành viên hỗ trợ nhau tài chính, nguồn nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm chéo, sử dụng dịch vụ của nhau, hỗ trợ nhau hồ sơ và xây dựng các dự án liên kết chuỗi. Sản phẩm thành viên Liên hiệp Hợp tác xã phong phú, đa dạng đã có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao (Miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan) và 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (bí thơm của Hợp tác xã Yến Dương) và 23 sản phẩm của các thành viên trong Liên hiệp đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Qua đó, các Liên hiệp Hợp tác xã đã thực hiện tốt công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các thành viên trong Liên hiệp Hợp tác xã, đồng thời quảng bá tiềm năng nông nghiệp, du lịch, văn hóa cộng đồng để trải nghiệm, giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh. Việc duy trì và phát triển các Liên hiệp Hợp tác xã đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các kết quả về số lượng, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của người lao động tại các hợp tác xã đều tăng hơn so với năm trước. Một số hợp tác xã đã đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững; tạo ra các sản phẩm có giá trị mang đặc trưng của tỉnh, góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều mô hình kinh tế kiểu mới gắn với sự phát triển của chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa rộng. Nhận thức của cán bộ đảng viên và về kinh tế tập thể, hợp tác xã chuyển biến tích cực. Trình độ cán bộ quản lý Hợp tác xã ngày càng tăng. Nhận thức của người dân nói chung, của thành viên Hợp tác xã nói riêng về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị ngày càng được nâng cao; đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao nhận được sự quan tâm, chú trọng, từng bước nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩn, thu nhập.
Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động tại nhiều hợp tác xã còn thấp. Một số Hợp tác xã hoạt động không đảm bảo theo Luật Hợp tác xã. Việc giải thể các Hợp tác xã hoạt động yếu kém, ngừng hoạt động (tự nguyện và bắt buộc) chưa được thực hiện kịp thời, triệt để. Đội ngũ cán bộ quản lý Hợp tác xã chưa đồng đều, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, trình độ quản lý còn hạn chế nên còn gặp khó khăn trong công tác quản trị, điều hành sản xuất, chuyển đổi số, tiếp cận các nguồn thông tin, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. Năng lực cạnh tranh của nhiều Hợp tác xã còn thấp, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thiếu bền vững. Ít Hợp tác xã được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Các Hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn trong công tác huy động, tiếp cận nguồn vốn. Nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của một số cấp ủy, chính quyền, một số bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ. Công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa được quan tâm đúng mức; tại các địa phương, cán bộ phụ trách lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên công tác kiểm tra, hướng dẫn chưa được thực hiện thường xuyên./.