Thủ tướng Chính phủ phân công đơn vị chủ trì soạn thảo các dự án Luật
( Cập nhật lúc:
13/07/2022
)
Căn cứ Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 06/7/2022 về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành chủ trì soạn thảo các dự án Luật được điều chỉnh trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 gồm 07 dự án Luật: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự án Luật Phòng thủ dân sự; Dự án Luật Giá (sửa đổi); Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Thủ tướng cũng giao cơ quan chủ trì soạn thảo và thời hạn trình các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 gồm 7 dự án Luật: Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các dự án luật phải trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng quy định; tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp đã được giao tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Văn bản số 301/TTg-PL ngày 06/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng thể chế, pháp luật và các Nghị quyết của Chính phủ; coi việc hoàn thành Chương trình là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.