Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thông qua Chương trình giám sát năm 2023

( Cập nhật lúc: 07/06/2022  )

Sáng 06/6, trong phiên họp toàn thể, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Trước đó, trong ngày khai mạc kỳ họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và đã thảo luận cho ý kiến về nội dung này. Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết với 88,18% số đại biểu tán thành.

Theo đó năm 2023, bên cạnh việc xem xét các báo cáo của Chính phủ, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, thứ 6 theo luật định, Quốc hội sẽ giám sát tối cao 02 chuyên đề sau: (1)Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; (2) Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Nghị quyết cũng nêu rõ: Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát; báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, làm cơ sở cho việc dự kiến chương trình giám sát của năm tiếp theo, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội và điều kiện, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật. Tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình giám sát, cần tăng cường đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết về nội dung giám sát theo yêu cầu; thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt các kiến nghị và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP