Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận tại tổ về bốn vấn đề quan trọng lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội

( Cập nhật lúc: 10/06/2020  )

 

 

Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng những thành tựu phát triển kinh tế xã hội năm 2019, đặc biệt là thành tựu về phòng chống dịch thời gian qua thể hiện sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị đã góp phần khoanh vùng, dập dịch thành công; đồng thời đã góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế và đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội khác. Đại biểu Nguyễn Xuân Cường đề cập tới những khó khăn thách thức đối với ngành nông nghiệp trong những tháng đầu năm sau đại dịch Covid-19, cùng với ảnh hưởng của thiên tai như hạn hán, mưa đá; dịch tả lợn Châu Phi khiến giá lợn tăng cao…Song Bộ đã sớm dự báo tình hình để chỉ đạo quyết liệt và đạt những thành tựu khả quan như tổng sản lượng lương thực vụ xuân đạt cao, xuất khẩu nông sản tăng so với cùng kỳ năm trước…Trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục cùng các địa phương triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, bà Phương Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị Chính phủ cần đánh giá làm rõ nguyên nhân đối với 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đạt và vượt trong Báo cáo bổ sung tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Về tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2020, bà Thanh cho rằng, sau đại dịch Covid-19, Chính phủ đã có các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh tuy nhiên có những nội dung còn chỉ đạo chậm. Việc phê duyệt quy hoạch tỉnh hiện nay Chính phủ mới phê duyệt phương án để các địa phương lập quy hoạch, theo lộ trình quý III năm 2021 Chính phủ mới phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng. Do vậy chưa đủ căn cứ để xác định mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong thời điểm các địa phương đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội Đảng hiện nay. Bên cạnh đó, bà Thanh đề nghị các Bộ ngành trung ương tăng cường cơ chế phối hợp với địa phương trong công tác thanh tra chuyên ngành, để tránh trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra tại địa phương. Đồng tình với sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên bà Thanh cho rằng qua rà soát Chương trình MTQG XDNTM và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với Chương trình mới cho thấy có 06/10 dự án sự trùng lặp về nội dung chỉ có 04 dự án là đề xuất nội dung đầu tư, hỗ trợ mới. Đề nghị rà soát, loại bỏ các nội dung dự án trùng lặp nếu tiếp tục thực hiện 02 Chương trình hoặc tích hợp các nội dung chính sách phù hợp để hoàn thiện Chương trình này. Bà Thanh đề nghị xem xét lại tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình như dự thảo là rất thấp khi chia bình quân cho các dự án, tiểu dự án trong thời gian 5 năm như vậy sẽ không đảm bảo các mục tiêu đề ra.

 

Tại phiên thảo luận, bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho rằng, mặc dù vùng đồng bào DTTS&MN luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư và đã đạt được một số thành tựu to lớn, nhưng hiện nay vùng DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do cơ chế quản lý, điều hành còn bất cập đó là: Thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách dân tộc nhưng không có nguồn lực riêng để thực hiện dẫn đến một số chính sách được ban hành nhưng không được phân bổ vốn, vốn giao không đảm bảo theo Đề án; có chính sách đến cuối giai đoạn mới được cấp kinh phí... do vậy nhiều đề án, chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra. Thứ hai, việc thực hiện các chính sách dân tộc nhiều địa phương gặp khó khăn sau khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính do các Bộ, ngành chưa thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách nên đến nay có chính sách chưa triển khai được. Thứ ba, năm 2020 là năm cuối thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 và theo quy định thì các xã, thôn khi được phê duyệt đã hoàn thành Chương trình 135 thì năm tiếp theo sẽ không thuộc diện đầu tư hỗ trợ của Chương trình, tuy nhiên đến giữa tháng 12/2019 Thủ tướng mới có quyết định phê duyệt thôn, xã hoàn thành chương trình cho một số tỉnh, trong khi trước đó Trung ương đã thông báo vốn và tỉnh đã phân bổ vốn năm 2020 nhưng chưa có cơ sở để triển khai nên phải tạm dừng chờ hướng dẫn.  Qua đó, bà Triệu Thị Thu Phương đề nghị Chính phủ xem xét, tập trung chỉ đạo một số giải pháp: Đề nghị dành nguồn lực riêng để thực hiện công tác dân tộc; khi ban hành chính sách cần xác định nguồn lực thực hiện, nhất là việc ưu tiên nguồn lực cho các tỉnh nghèo, huyện nghèo; đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện tại các thôn, xã đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đến hết năm 2020; đề nghị giao vốn theo phân kỳ, giao ngay từ những năm đầu tránh trường hợp dồn vào năm cuối của giai đoạn; đồng thời cần có sự chỉ đạo kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa hỗ trợ vay vốn ưu đãi với NSNN hỗ trợ cho không. Do ảnh hưởng của dịch covid và thực hiện sáp nhập thôn, xã đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân để các địa phương được sử dụng nguồn vốn đầu tư được phân bổ theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt, không làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đề nghị sớm ban hành quyết định tiêu chí phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025; đồng thời cần sớm xây dựng và ban hành tiêu chí xác định chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các địa bàn đặc biệt khó khăn./.

Thu Thương, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh