ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
( Cập nhật lúc:
12/06/2020
)
Tại phiên thảo luận, bà Hồ Thị Kim Ngân, Giám đốc Sở Tư pháp, ĐBQH tỉnh tham gia đóng góp ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thứ nhất, về hoãn, miễn giảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật quy định việc hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức khi có đơn đề nghị và đáp ứng được đủ 02 điều kiện về mức tiền phạt và có khó khăn về kinh tế. Quy định như trong dự thảo Luật thì biện pháp “hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” là tiền đề để áp dụng biện pháp miễn, giảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chỉ áp dụng biện pháp hoãn, giảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi có khó khăn đặc biệt về kinh tế mà nguyên nhân do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn.Theo thống kê của Bộ Tư pháp (từ năm 2014-2018) tổng số vụ việc vi phạm hành chính bị xử phạt là 38.493.927 vụ, thi hành là 25.608.822; chưa thi hành là 1.502.625; cưỡng chế thi hành là 14.909.000 vụ. Tuy nhiên, có những trường hợp người dân vi phạm nhưng lại không có khả năng thi hành quyết định xử phạt do khó khăn về kinh tế nhưng lại không xuất phát từ nguyên nhân như trong dự thảo Luật quy định đó là thiên tai, thảm họa, dịch bệnh mà nguyên nhân xuất phát người dân thuộc hộ gia đình nghèo, không có khả năng thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Dẫn đến, quyết định xử phạt vi phạm hành chính không thi hành được và cũng không cưỡng chế thi hành từ đó cũng là nguyên nhân dân đến khó khăn trong theo dõi việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, bà Ngân đề nghị làm rõ thêm thời điểm để áp dụng giữa hoãn, miễn giảm và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; không áp dung biện pháp “hoãn thi hành” để làm tiền đề áp dụng biện pháp “miễn, giảm” thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ hai, về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (Điều 126), đại biểu Ngân cho rằngdự thảo luật quy định người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo biện pháp ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng biện pháp tịch thu.Trường hợp tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạn, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp; người vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước. Đối với tang vật, phương tiện là tài sản đảm bảo thì trả cho bên nhận đảm bảo.
Với quy định của dự thảo luật, vấn đề đặt ra: Thời điểm để thực hiện trả tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạn, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính? (1) Trả sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay (2) trả ngay sau khi phát hiện hành vi vi phạm, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện việc xác minh xác định được tang vật, phương tiện bị tạm giữ bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép. Nếu trả theo trường hợp (2) dẫn đến việc áp dụng biện pháp nộp một khoản tiền tương đương là rất khó có thể thực hiện được và trên thực tiễn việc áp dụng “nộp một khoản tiền tương đương” không khả thi. Do đó, bà Ngân đề nghị đối với nội dung này cần có quy định cơ chế chặt chẽ và cụ thể để đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm hành chính của người vi phạm như: phải thực hiện việc bảo lãnh hoặc ký cược, ký quỹ của người nhận tài sản do bị sử dụng trái pháp luật của người vi phạm.
Mặt khác, khoản 4 Điều 126 quy định về xử lý tang vật, phương tiện quá thời hạn tạm giữ. Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng làm rõ hơn việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc quy định này nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay về tang vật, phương tiện tạm giữ nhưng chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, người vi phạm không đến nhận lại tang vật, phương tiện vi phạm, dẫn đến quá tải các kho cất giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Do vậy, bà Ngân đề nghị quy định cụ thể hơn nữa việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ để đảm bảo quyền tài sản, trách nhiệm của chủ sở hữu, người quản lýtài sản đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
Thứ ba, về quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính:Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định Điều 17 về xây dựng cơ sở giữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; theo đó, CSDL quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được xây dựng tập trung, thống nhất, dùng chung trên toàn quốc và nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về xử lý vi phạm hành chính đang ở giai đoạn nào, điều này chưa được thể hiện rõ nét trong báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp và Tờ trình của Chính phủ. Vấn đề đặt ra nguyên nhân do đâu? đề nghị trong dự thảo luật bổ sung thêm quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, đồng thời làm rõ nội dung về đảm bảo nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, tại Điều 17 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, để thực hiện tốt và có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, các địa phương đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật thông qua cơ chế phối hợp và giao cho cơ quan tư pháp tham mưu, là đầu mối trong quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Và tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) giao cho Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh xây dựng báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 19/2020/NĐ-CP giao Sở Tư pháp, Phòng tư pháp trình UBND cùng cấp ban hành Quyết định kiểm tra liên ngành.Vấn đề thực tiễn đặt ra vai trò của cơ quan tư pháp trong tham mưu UBND các cấp công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong luật xử lý vi phạm hành chính, trong khi nhiệm vụ này cơ quan tư pháp đang triển khai thực hiện. Do đó, để đảm bảo “chính danh” trong tham mưu UBND cùng cấp về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, bà Ngân đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của cơ quan tư pháp tại khoản 5 Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính./.