Skip Ribbon Commands
Skip to main content

ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông và dự án Luật Cư trú

( Cập nhật lúc: 11/06/2020  )

 

 

Tại phiên thảo luận, bà Phương Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ sự băn khoăn đối với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vì tính dự báo trong huy động nguồn lực để xã hội hóa để đầu tư đoạn tuyến này chưa đầy đủ. Đối với những đoạn tuyến đầu tư công nhưng không thực hiện thu ngân sách nhà nước như đoạn tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, do quy định không được thu phí nên khi đường xuống cấp chờ từ ngân sách nhà nước để sửa là rất khó khăn. Bà Thanh đề nghị cần tính toán có thu phí để bảo dưỡng, nâng cấp và chia sẻ ngân sách nhà nước với các vùng khó khăn khi thực hiện đầu tư về hạ tầng. Đồng tình với dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, đại biểu Phương Thị Thanh cho rằng cần có cơ chế cho các quận, huyện của Thành phố Hà Nội hỗ trợ các huyện còn khó khăn của Thành phố cũng như khi Hà Nội hỗ trợ các địa phương cấp huyện, cấp xã ở các tỉnh thành khác còn khó khăn trên cả nước.

 

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về Dự án Luật Cư trú. Bà Hồ Thị Kim Ngân, Giám đốc Sở Tư pháp, ĐBQH tỉnh tham gia phát biểu ý kiến. Theo bà Ngân, thứ nhất, Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ năm 2016 đến nay mới có 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. Theo dự kiến của Bộ Công an, tháng 12/2020 sẽ hoàn thành cấp số định danh cho gần 80 triệu người, như vậy chỉ còn 7 tháng để thực hiện là rất gấp rút, trong khi cơ sở dữ liệu đòi hỏi sự chính xác, cần kiểm tra chặt chẽ thông tin để số định danh cấp cho từng cá nhân là không trùng lặp, ngoài ra do hạn chế về bố trí kinh phí nên việc triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn. Đề nghị Chính phủ cần có báo cáo cụ thể về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Căn cước công dân để đại biểu có thêm thông tin tham gia ý kiến đối với Luật Cư trú. Thứ hai,về việc đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố lớn: Hiện nay, thực hiện quy định về đăng ký thường trú, tạm trú của công dân, đối với tỉnh, thành phố lớn có điều kiện rất đặc thù như đối với Thủ đô ngoài quy định theo Luật Cư trú còn có Luật Thủ đô để hạn chế việc nhập cư, tuy nhiên với những điều kiện quy định tại hai Luật này không hạn chế được số người dân đến thành phố lớn nên không đảm bảo tính khả thi. Đại biểu Ngân băn khoăn đối với việc quản lý dân cư như thế nào và làm sao đảm bảo hài hòa giữa cơ sở hạ tầng, điều kiện thiết yếu khi người dân được thường trú tại các tỉnh thành phố lớn.

 

Cùng tham gia thảo luận về dự án Luật Cư trú, đại biểu Nguyễn Hồng Thái, Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 1, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị bổ sung một số quy định cấm tại Điều 9 dự thảo Luật nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Biên giới quốc gia hoặc bổ sung vào Điều 4 những nơi hạn chế cư trú như biên giới, hải đảo... Hiện nay có rất nhiều khu vực không có công an mà chỉ có quân đội, bộ đội biên phòng quản lý cư dân. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và cơ chế phối hợp giữa lực lượng công an và lực lượng biên phòng trong quản lý dân cư. Tại Chương VI, về trách nhiệm quản lý cư trú, đại biểu Thái đề nghị có Điều khoản quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an trong quản lý dân cư tại vùng vành đai biên giới, hải đảo và các khu vực trọng yếu về quân sự./.

Thu Thương, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh