Bà Ngân cho rằng năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 cũng là năm tập trung hoàn thành các chỉ tiêu của giai đoạn chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội thế giới và trong nước, đại biểu thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ về những kết quả đã làm được trong giai đoạn khó khăn cũng như những nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ nhất, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả quan trọng.
Năm 2020 là năm cuối hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia. Để thực hiện thành công, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/01/2020 đã chỉ rõ: “Phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu, đề xuất các chính sách cho giai đoạn tiếp theo”.
Thời điểm diễn ra phiên thảo luận này, là thời điểm mà các Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững bước vào giai đoạn nước rút, còn chưa đầy 7 tháng để hoàn thành Chương trình.
Do vậy, các yếu tố tác động đến việc thực hiện hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm tác động tích cực và tiêu cực đều phải được nghiên cứu; những hạn chế cần khắc phục phải được chỉ ra để kịp thời có biện pháp tháo gỡ, chẳng hạn như: Kết quả xây dựng nông thôn mới một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung và còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền; giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo cần được tiếp tục tăng cường, trong vận hành Chương trình, việc giải ngân chậm vẫn diễn ra; việc phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đều có hệ số ưu tiên cho tất cả các xã, do đó không tập trung được nguồn lực cho xã đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch của địa phương...
Mặt khác, với nguồn vốn đầu tư lớn, được giao dồn vào năm cuối của giai đoạn, như việc giao vốn đầu tư trung hạn thực hiện CTMTQG XDNTM, có địa phương đến hết năm 2019 nguồn vốn thực hiện chương trình mới được giao là hơn 50%, năm 2020 được giao số còn lại chiếm hơn 40% tổng vốn giai đoạn 5 năm.
Từ những vấn đề nêu trên, để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia, bà Ngân kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện các giải pháp sau:
Một là, cần có những đánh giá toàn diện mức độ tác động của đại dịch Covid-19 đến việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình, từ đó, cùng với các giải pháp chung, có những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn trực tiếp liên quan trong quá trình thực hiện.
Hai là, bên cạnh việc triển khai nguồn vốn từ ngân sách được dồn vào năm cuối giai đoạn, nhiều xã vùng sâu, vùng xa không bố trí được mặt bằng, việc huy động sự đóng góp của người dân trong bối cảnh người dân vừa phải chịu tác động từ đại dịch Covid-19 lại càng trở nên khó khăn hơn. Do vậy, để các địa phương tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ trung ương và thực hiện một cách có hiệu quả nguồn lực này. Kiến nghị, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2020 đến hết tháng 6/2021.
Ba là, trong quá trình lập kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cần xem xét xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phù hợp để địa phương chủ động phân bổ đáp ứng việc thực hiện mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Đối với Đề án đặc thù “Xây dựng nông thôn mới các xã CT229, xã còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và các xã khó khăn đạt từ 5 tiêu chí nông thôn mới trở xuống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 465/QĐ-TTg ngày 02/5/2018. Tuy nhiên, việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Đề án rất khó, do không đủ nguồn lực triển khai các nội dung. Đề nghị Chính phủ xem xét cho phép tiếp tục thực hiện Đề án đặc thù tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn 2021-2025 và giao các Bộ ngành liên quan cân đối, bố trí đủ nguồn lực để tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Đề án.
Thứ hai, trong tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (tại Chỉ thị số 18/CT-TTg). Theo đó Thủ tướng yêu cầu, dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm và Chương trình hành động phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và các quy hoạch theo quy định của pháp luật, định hướng phát triển của đất nước, của ngành mình, của cấp mình.
Tuy nhiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và các quy hoạch khác đang được xây dựng, dự kiến trình thông qua trong năm 2021. Như vậy là chậm hơn so với tiến độ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 và chậm hơn tiến độ xây dựng báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu giải quyết.
Bà Ngân đề nghị cùng với những yêu cầu trong xây dựng quy hoạch, thì Chính phủ cần có sự chỉ đạo đối với các ngành, địa phương trong quá trình xây dựng và hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tăng cường công tác phối hợp, kịp thời cập nhật, điểu chỉnh đảm bảo việc xây dựng kế hoạch được đồng bộ, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển và tình hình thực tiễn tại địa phương. Bên cạnh đó, để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, đối với những nhiệm vụ thực hiện có tính giai đoạn, việc kế thừa, phát triển phải được tính toán hết sức cụ thể, trong đó việc tiếp tục thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phải được đặc biệt quan tâm, trên cơ sở đó kịp thời có định hướng, để các địa phương có sự chủ động trong việc xây dựng và hoàn thiện kế hoạch.
Cuối phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Nội dung quan trọng này sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến trong cả ngày 15-6./.