Thảo luận các nội dung trình kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh khóa X
( Cập nhật lúc:
27/04/2022
)
Chiều 26/4, tiếp tục chương trình kỳ họp, 08 tổ đại biểu HĐND tỉnh chia thành 04 tổ thảo luận về các nội dung trình kỳ họp.
Đại biểu HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ
Các đồng chí: Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham gia tổ thảo luận số 01, gồm đại biểu HĐND 2 huyện Chợ Mới và Na Rì.
Đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tham gia tổ thảo luận số 03 gồm đại biểu HĐND huyện Bạch Thông và Ngân Sơn; đồng chí Nông Quang Nhất, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia tổ thảo luận số 02 gồm đại biểu HĐND thành phố Bắc Kạn và huyện Chợ Đồn.
Về cơ bản các đại biểu thống nhất với nội dung thẩm tra của các ban HĐND tỉnh và các báo cáo tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh.
Về dự thảo nghị quyết ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và hằng năm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đại biểu đề nghị xem xét lại phương pháp tính điểm cho phù hợp đối với Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đối với Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 về truyền thông: cần xem xét tỷ lệ phân bổ cho phù hợp, tránh tình trạng các địa phương không thực hiện được phải chuyển nguồn hằng năm; đối với Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10 về ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Đề nghị UBND tỉnh làm rõ việc phân bổ tỷ lệ 15% cho Ban Dân tộc tỉnh có đảm bảo cho Ban Dân tộc thực hiện nhiệm vụ không? (Tổ 1). Đề nghị xem xét, nâng tỷ lệ phân bổ từ 15% lên 20% cho Ban Dân tộc tỉnh; đẩy mạnh phân cấp việc thực hiện một số tiểu dự án về tập huấn, truyền thông, mua sắm cho cấp huyện thực hiện để tránh việc cấp tỉnh quá tải và đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn trung ương giao.
Đối với dự thảo Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đại biểu đề nghị cân nhắc việc đưa cây chè Trung du vào chính sách hỗ trợ; đối với chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế: Thực tế giám sát cho thấy mức hỗ trợ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP thấp (từ 1 - 4 triệu đông/sản phẩm), kinh phí không nhiều nên cơ bản các Tổ nhất trí không cần thiết phải có chính sách hỗ trợ. Đối với cấp giấy chứng nhận VietGap…do chi phí lớn, 12 tháng phải công nhận lại một lần, người tiêu dùng chưa quan tâm nhiểu,...trường hợp nếu phát sinh cần phải hỗ trợ có thể hỗ trợ bằng quyết định cá biệt của UBND tỉnh; đối với chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn sinh sản, đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở tính chu kỳ sinh sản của từng loài vật nuôi.
Đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đại biểu đề nghị làm rõ trường hợp giá dịch vụ xét nghiệm gộp nhỏ hơn hoặc bằng 5 que tại thực địa (78.800đ) lại thấp hơn so với trường hợp gộp tại phòng xét nghiệm (112.500đ)
Đối với dự thảo Nghị quyết phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đại biểu băn khoăn về một số chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu của Trung ương như: tỷ lệ nam nữ khám sức khỏe trước hôn nhân, tỷ lệ thanh niên sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật số phục vụ mục đích giao tiếp…và một số chỉ tiêu khác đã đảm bảo sát thực tế và phù hợp chưa? Giải pháp để đạt những chỉ tiêu này như thế nào?
Theo chương trình, sáng ngày 27/4, đại biểu thảo luận tại hội trường thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp.