HĐND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 được cử tri toàn tỉnh bầu ra vào ngày 22/5/2016, gồm 50 đại biểu, đủ số lượng theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Với vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, HĐND tỉnh đã luôn chủ động, sáng tạo, đổi mới hoạt động, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật; xem xét, quyết định nhiều chủ trương, biện pháp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Các nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh ban hành đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn; cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, phù hợp với điều kiện của địa phương, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh tổ chức 20 kỳ họp, gồm 13 kỳ họp thường lệ, 06 kỳ họp chuyên đề, 01 kỳ họp bất thường; ban hành 278 nghị quyết, trong đó có 98 nghị quyết quy phạm pháp luật.
Các Nghị quyết HĐND ban hành đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo luật định. Các nghị quyết đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành các cơ chế, chính sách của địa phương, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Các nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, về quy hoạch, chương trình, đề án phát triển ngành, lĩnh vực… là những định hướng lớn cho các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn triển khai trong cả giai đoạn. Đặc biệt, là các nghị quyết xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương với các giải pháp cụ thể đã góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng, khai thác tiềm năng, thế mạnh, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cụ thể như: Việc ban hành các chính sách trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được HĐND tỉnh quan tâm, thực hiện trong suốt nhiệm kỳ góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân; như Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020 (sửa đổi bổ sung bằng Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của HĐND tỉnh) và Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đã góp phần khuyến khích người dân tham gia liên doanh, liên kết, hình thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng được các sản phẩm có thương hiệu của tỉnh Bắc Kạn. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 234 Hợp tác xã được thành lập, có 140 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên; tỉnh Bắc Kạn là tỉnh đứng thứ 2 trong cả nước về thực hiện Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm và đã có sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đang báo cáo trước cử tri về kết quả hoạt động của HĐND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2016-2021
Hằng năm, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh, dự toán phân bổ ngân sách. Đến nay, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng và an ninh đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhiều chương trình, dự án đầu tư đã mang lại hiệu quả rõ nét như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng thời hỗ trợ đầu tư giải quyết các nhu cầu cấp thiết của xã hội.
Các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành liên quan đến xây dựng chính quyền địa phương đã góp phần hoàn thiện thể chế trên cơ sở quy định của pháp luật và thẩm quyền được giao. Các chính sách do HĐND tỉnh ban hành tập trung chủ yếu vào các nội dung: Cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế; quy định một số cơ chế chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố… đã góp phần tinh gọn bộ máy; giảm bớt được số lượng đơn vị hành chính nhất là cấp xã; giảm bớt các đầu mối trong từng cơ quan, đơn vị; khắc phục sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan, đơn vị và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, tiết kiệm các nguồn lực của địa phương; đến nay đã sắp xếp, giảm 14 xã, thị trấn, 111 thôn, tổ dân phố trên toàn tỉnh.
Trong nhiệm kỳ, các nghị quyết về lĩnh vực văn hóa - xã hội, dân tộc được ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; việc quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế đã kịp thời giải quyết những khó khăn trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; sau 02 năm thực hiện Nghị quyết về việc hỗ trợ tăng thêm ngoài mức hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế quy định tại Nghị định số 146/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, ủ, đến nay toàn tỉnh đã có 24.254 đối tượng được thụ hưởng chính sách với tổng kinh phí hỗ trợ là 1, 673 tỷ đồng. Tính đến năm 2020, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đã đạt trên 98%, vượt kế hoạch đề ra; việc quy định mức quà tặng nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Tết Nguyên đán hằng năm đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ là một trong những chính sách thể hiện sự tri ân, quan tâm, chia sẻ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ...
Phát huy hiệu quả chức năng giám sát, HĐND tỉnh đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, hoạt động giám sát được HĐND tỉnh tổ chức thực hiện theo quy định.
Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh luôn dành thời gian thỏa đáng để HĐND tỉnh xem xét các báo cáo hoạt động của Thường trực, các Ban HĐND, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đối với 375 báo cáo, đề án, tờ trình dự thảo Nghị quyết trình tại các kỳ họp.
Thực hiện Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội “Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn”, năm 2018, HĐND tỉnh đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm theo quy định đối với 28 người giữ chức vụ do HĐND bầu. Kết quả không có người được lấy phiếu tín nhiệm nào có quá nửa tổng số đại biểu HĐND tỉnh đánh giá tín nhiệm thấp, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND được chuẩn bị chu đáo, có sự đổi mới theo hướng “hỏi nhanh - đáp gọn” “rõ nội dung - rõ trách nhiệm”, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh đã tổ chức thực hiện 08 phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thường lệ, chất vấn Chủ tịch và 24 lượt thành viên UBND tỉnh; nội dung chất vấn tập trung những vấn đề bức xúc, được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Các cơ quan chức năng trả lời nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, đề xuất được các giải pháp khắc phục những bất cập đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước và thực tiễn đời sống ở cơ sở.
Giữa hai kỳ họp, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Nghị quyết về Chương trình giám sát hàng năm. Những nội dung trong giám sát chuyên đề đều là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng và trúng vấn đề cử tri quan tâm, không né tránh những vấn đề nhạy cảm, phức tạp như về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư...
Hoạt động giám sát việc giải quyết ý kiến kiến nghị cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp triển khai theo luật định. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành 09 báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp HĐND tỉnh, trong đó đã có những kiến nghị cụ thể đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tích cực giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Hoạt động giải trình, chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND là hình thức giám sát mới, nhiệm kỳ 2016 - 2021 Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 03 phiên giải trình về các nội dung: Việc thực hiện thủ tục hành chính trong công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư và tình hình thực hiện các dự án không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay; tình hình thực hiện Nghị quyết số 25/2018 về nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh; đối với nội dung thu hồi kinh phí do thanh toán vượt giá trị quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được duyệt; Tình hình thu hồi số kinh phí ngân sách tỉnh cho vay từ những năm 2002 trở về trước (Đến nay đã thu hồi được 2.140/12.763 triệu đồng, đạt 16,7%); thu hồi vốn thanh toán vượt giá trị quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản (Đến nay đã thu hồi được 18/28 tỷ đồng, đạt 64% tổng số vốn phải thu hồi); giải trình các vấn đề liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay; công tác triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Sau phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành kết luận đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan liên quan giải quyết những vướng mắc, nổi cộm.
Các quyết sách của HĐND tỉnh góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Công tác thông tin, dân nguyện được tăng cường góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao niềm tin của cử tri và Nhân dân với chính quyền địa phương nhất là trong hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề, khảo sát các vụ việc theo ý kiến kiến nghị cử tri và đơn thư của công dân.
Trong nhiệm kỳ qua, ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thường lệ hằng năm, Thường trực HĐND tỉn đã tổ chức 03 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về các nội dung như: Công tác triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã với cử tri là đại diện các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở thôn, tổ dân phố, tổ nhân dân, tiểu khu trên địa bàn tỉnh; tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Các ý kiến kiến nghị sau các cuộc tiếp xúc cử tri đã được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, gửi đến UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan để xem xét, giải quyết; đồng thời làm cơ sở cho việc xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh bảo đảm tính đồng thuận, khả thi.
Công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo được Thường trực HĐND tỉnh nghiêm túc thực hiện, trong nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với UBND và Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tiếp công dân thường kỳ vào ngày 25 hằng tháng; đã tiếp 34 lượt công dân, tiếp nhận 36 vụ việc
Trong nhiệm kỳ, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh tiếp nhận và xử lý 428 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đảm bảo không bỏ sót đơn, kịp thời trả lời công dân hoặc chuyển đến đúng cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm xem xét, giải quyết.
Đối với những đơn thư, ý kiến kiến nghị cử tri hoặc vấn đề nổi cộm, có tính chất phức tạp, Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban HĐND tỉnh tổ chức khảo sát cụ thể để nắm thông tin liên quan và kiến nghị hướng giải quyết dứt điểm. Đến nay, phần lớn các ý kiến kiến nghị đều đã được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Trong quan hệ phối hợp công tác, Thường trực HĐND tỉnh luôn thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác với UBND, UBMTTQVN cùng cấp. Các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp được các Ban HĐND tỉnh và cơ quan soạn thảo của UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ ngay từ khâu đề nghị xây dựng, soạn thảo và xây dựng nghị quyết. Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét đối với 424 ý kiến góp ý, phản biện xã hội của Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh trong quá trình thẩm tra hồ sơ dự thảo nghị quyết để đảm bảo tính sát thực và phù hợp, làm cơ sở cho việc ban hành nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao.
Công tác phối hợp tiếp xúc cử tri được thực hiện theo kế hoạch. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức 24 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, tổng hợp 980 ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. UBND tỉnh cử lãnh đạo hoặc thành viên UBND tỉnh tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc để kịp thời thông tin, giải đáp các ý kiến kiến nghị của cử tri; nhiều ý kiến đã được giải quyết ngay tại buổi tiếp xúc cử tri.
Trong nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã cho ý kiến đối với 435 văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh để giải quyết các nhiệm vụ phát sinh trong năm tại địa phương và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND; hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi công tác chưa được thực hiện thường xuyên; chưa có chế tài cụ thể đối với trách nhiệm các cơ quan chức năng trong việc chậm giải quyết các kiến nghị sau giám sát và các ý kiến, kiến nghị của cử tri; hoạt động chất vấn, giải trình giữa hai kỳ họp chưa được thực hiện nhiều; chất lượng một số báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp chưa cao; việc gửi một số báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh đến Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đôi lúc còn chưa đảm bảo về thời gian theo quy định...
Phát huy những kết quả đạt được, tiếp nối những thành tựu đang có, hy vọng rằng, cuộc bầu cử đại biểu HĐND tỉnh tới đây sẽ bầu ra được những người đại biểu HĐND tỉnh thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân để góp phần đưa tỉnh Bắc Kạn sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực./.