Đề xuất một số giải pháp của cá nhân về hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND tỉnh nơi đại biểu ứng cử
( Cập nhật lúc:
30/08/2022
)
Điều 2 Luật Tiếp công dân 2013 quy định tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.
Quang cảnh một buổi tiếp công dân tại UBND thành phố Bắc Kạn
Xuất phát từ quy định này, việc tiếp công dân là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền, đặc biệt là đối với các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử các cấp. Thông qua việc tiếp công dân sẽ tăng cường và củng cố thêm niềm tin, mối liên hệ giữa nhân dân và đại biểu dân cử.
Nhận thức rõ tầm quan trọng về trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc tiếp công dân, để hoạt động tiếp công dân có nề nếp, hiệu quả, ngay đầu nhiệm kỳ Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng Quy chế hoạt động HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026. Trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh trong các hoạt động tiếp công dân như: Đại biểu HĐND tỉnh thực hiện việc tiếp công dân cùng thời gian với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tại địa phương nơi đại biểu ứng cử. Việc tiếp công dân của đại biểu HĐND tỉnh tại địa phương nơi đại biểu ứng cử được thực hiện ít nhất mỗi quý 01 lần. HĐND tỉnh sắp xếp để các đại biểu HĐND tỉnh đang công tác tại cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố Bắc Kạn và đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thành phố Bắc Kạn tiếp công dân cùng ngày với Chủ tịch HĐND tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh.
Trên cơ sở Quy chế hoạt động HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành văn bản gửi các vị đại biểu HĐND tỉnh về việc tiếp công dân của đại biểu HĐND tỉnh tại địa phương nơi đại biểu ứng cử. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh chủ động nắm thông tin về lịch tiếp công dân của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tại địa phương nơi đại biểu ứng cử để phối hợp thực hiện việc tiếp công dân; bố trí, sắp xếp thời gian thực hiện việc tiếp công dân cho phù hợp, đảm bảo thực hiện việc tiếp công dân ít nhất mỗi quý 01 lần; thông báo lịch tiếp công dân tại địa phương nơi đại biểu ứng cử với Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh để tổng hợp, theo dõi.
Qua kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 của HĐND tỉnh đã cho thấy, cơ bản các đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân theo lịch đã đăng ký hoặc theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 02 tổ đại biểu HĐND tỉnh là tổ đại biểu đơn vị thành phố Bắc Kạn và tổ đại biểu đơn vị Na Rì thực hiện hoạt động tiếp công dân với 07 lượt công dân đến kiến nghị, phản ánh. Từ kết quả trên cho thấy, số lượng đại biểu HĐND tỉnh tham gia tiếp công dân tại địa phương nơi đại biểu ứng cử là không nhiều; hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND tỉnh tại địa phương nơi đại biểu ứng cử chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Có thể kể đến các nguyên nhân như: Công tác thông tin, tuyên truyền lịch tiếp công dân của đại biểu HĐND tỉnh chưa sâu rộng; số lượt công dân đến gặp đại biểu HĐND tỉnh còn ít; có đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tiếp công dân theo lịch nhưng không có công dân đến để tiếp; người dân chưa hiểu rõ được vai trò, vị trí của người đại biểu Nhân dân để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng; đa số đại biểu HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công tác tiếp công dân còn hạn chế...
Để hoạt động tiếp công dân đạt được hiệu quả như mong muốn trong thời gian tới, cá nhân đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền để công dân hiểu rõ hơn về quyền, trách nhiệm của mình. Xây dựng kế hoạch cụ thể và thông báo rộng rãi để công dân biết.
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ đại biểu HĐND tỉnh trong việc tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp công dân. Đặc biệt là vai trò của Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh trong việc phối hợp với với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thông tin đến đại biểu HĐND tỉnh về công tác tiếp công dân (thời gian, địa điểm, thành phần tiếp công dân; nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân...), cung cấp các tài liệu có liên quan để đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt hoạt động tiếp công dân.
Ba là, đại biểu HĐND tỉnh cần duy trì và thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân; đổi mới các hình thức tiếp công dân; tăng cường các hoạt động thăm nắm tình hình dư luận xã hội.
Bốn là, tại các cuộc tiếp công dân, ngoài việc lắng nghe ý kiến của công dân, đại biểu HĐND tỉnh cần hướng dẫn, giải thích pháp luật để công dân hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật; kiến nghị của công dân cần được giải thích rõ ràng. Bên cạnh việc “ghi nhận” và chuyển kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đại biểu phải đeo bám, giám sát để đôn đốc cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời công dân.
Năm là, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho các đại biểu HĐND tỉnh trong hoạt động tiếp công dân; thường xuyên tổ chức, trao đổi, tập huấn, rút kinh nghiệm để giúp đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao./.