Thực hiện quy định này, căn cứ khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đã ban hành Nghị quyết giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự án trên cơ sở tổng mức vốn đầu tư từng dự án. Theo dõi cho thấy, cơ bản HĐND cấp huyện quyết định chủ trương các dự án có tổng mức đầu tư từ 5 - 10 tỷ đồng/dự án trở lên, riêng HĐND thành phố Bắc Kạn phê duyệt chủ trương tất cả các dự án, không phụ thuộc tổng mức đầu tư, trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp của HĐND, UBND được quyết định chủ trương đầu tư dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng/dự án.
Theo dõi hoạt động thẩm tra và ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện qua một thời gian ngắn thực hiện thấy rằng: Hoạt động thẩm tra chủ trương đầu tư của một số Ban Kinh tế - Xã hội HĐND cấp huyện còn lúng túng, không bám sát nội dung của Luật Đầu tư công, không thẩm tra các nội dung theo Điều 18, báo cáo thẩm tra chủ yếu là sửa lỗi số liệu, câu chữ trong Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Do vậy, báo cáo thẩm tra không sâu, không cung cấp được nhiều thông tin cho đại biểu, hoạt động thẩm tra còn chiếu lệ, hình thức, từ đó ảnh hưởng đến vai trò “quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương”. Từ hoạt động thẩm tra cũng cho thấy việc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của một số cơ quan chuyên môn còn sơ sài, không đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư công.
Để việc quyết định chủ trương đầu tư đảm bảo đáp ứng yêu cầu đề ra, công tác lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cần phải có sự chủ động, vào cuộc sớm của cơ quan chuyên môn và UBND các cấp. Chủ trương đầu tư đề xuất phải xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu về công tác quản lý nhà nước của ngành, địa phương được giao nhiệm vụ quản lý và phải có đủ thời gian để chuẩn bị.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cần thiết phải được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định tại Khoản 5, Điều 40 Luật đầu tư công về trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, giúp cho cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư có thời gian, nguồn vốn chuẩn bị đầu tư lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của dự án theo quy định tại Khoản 2, Điều 15, tránh tình trạng Báo cáo đề xuất chủ trương không đầy đủ thông tin, thiếu nội dung, khó khăn cho Hội đồng thẩm định cũng như cơ quan thẩm tra trong quá trình xem xét Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Luật Đầu tư công là nội dung còn tương đối mới và một số nội dung đã được điều chỉnh, bổ sung. Việc thực hiện Luật Đầu tư công còn liên quan đến nhiều ngành luật như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Ngân sách nhà nước…Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư, rất cần thiết phải tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ công chức, đại biểu dân cử cấp huyện, cấp tỉnh về công tác lập, thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nói riêng cũng như Luật Đầu tư công nói chung./.