Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh họp thông qua báo cáo kết quả giám sát

( Cập nhật lúc: 07/05/2025  )

Chiều ngày 06/5/2025, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức họp xem xét thông qua kết quả giám sát công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể và di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng chí Đồng Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Ma Thị Mận, thành viên Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh tham gia góp ý dự thảo báo cáo

Qua giám sát cho thấy, trong những năm qua, hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể và di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện.

Trong giai đoạn 2021-2025, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, rà soát; một số phong tục tập quán, tín ngưỡng được nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy; trong đó có 04 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các giá trị văn hóa truyền thống như tín ngưỡng dân gian, hát then, đàn tính, nghề thủ công… được bảo tồn, phát huy. Đối với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh: Toàn tỉnh có 26 di tích đã được công nhận xếp hạng; trong đó có 01 di tích cấp Quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh. Nâng tổng số di tích được công nhận, xếp hạng lên 84 di tích, trong đó có 02 di tích Quốc gia đặc biệt, 08 di tích quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, dự thảo báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế đối với việc thất truyền, mai một các di sản văn hóa phi vật thể; chưa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các nghệ nhân, người truyền dạy cũng như kinh phí cho việc bồi dưỡng, luyện tập của những người thực hành; chưa có sự liên kết giữa các tour tuyến du lịch gắn với khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; còn có di tích lịch sử - văn hóa đã được công nhận nhưng chưa có bia di tích, chưa xác định được ranh giới và cắm mốc giới cụ thể; việc đầu tư, tôn tạo, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa và việc xây dựng các công trình phụ trợ tại các khu di tích chưa đáp ứng nhu cầu...

Tại cuộc họp, các thành phần tham dự cơ bản đồng thuận và nhất trí cao với dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Bên cạnh đó, còn có một số ý kiến tham gia đóng góp về nội dung như: Đề nghị đánh giá sâu về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể; bổ sung số liệu về việc đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ văn hóa chuyên ngành; rà soát một số bia di tích trên địa bàn để thống nhất trong tên gọi; bổ sung khó khăn của Bảo tàng tỉnh về cơ sở vật chất; làm rõ việc thực hiện kiểm kê di tích 5 năm/ lần; xem xét một số kiến nghị cụ thể cho phù hợp với chủ thể có thẩm quyền...

Một số ý kiến của các thành viên Ban Văn hóa – Xã hội đã được lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phòng chuyên môn giải đáp, làm rõ; một số ý kiến khác được tiếp thu để kiểm tra, xem xét cụ thể.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Đồng chí Đồng Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp, sớm cung cấp các thông tin, số liệu để bổ sung vào báo cáo; đồng thời chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp thu các ý kiến tham gia để điều chỉnh và hoàn thiện báo cáo đảm bảo đúng, sát thực tế./.

Thu Sa.
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP