Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhìn lại hoạt động của Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021

( Cập nhật lúc: 16/03/2021  )

Ban Dân tộc được HĐND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021 là cơ quan chuyên môn của HĐND tỉnh, được bầu tại kỳ họp thứ nhất (tháng 06/2016) gồm 05 thành viên, trong đó có 01 Trưởng ban, 01 Phó Trưởng ban và 03 thành viên. Trưởng ban và các Ủy viên hoạt động kiêm nhiệm, Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Quá trình hoạt động đến tháng 3/2021, Ban còn 03 thành viên (do Trưởng ban đã nghỉ chế độ hưu trí, 01 Ủy viên Ban chuyển công tác khác).


Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách cho giáo viên và học sinh tại Trường PTDTNT Pác Nặm

Trong nhiệm kỳ, Ban Dân tộc HĐND tỉnh cơ bản đã hoàn thành tốt chương trình hoạt động theo kế hoạch đề ra. Trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm của nhiệm kỳ khóa trước, hoạt động của Ban có những đổi mới nhất định, nhất là trong công tác thẩm tra, giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Trong quá trình hoạt động, Ban luôn bám sát đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và cấp ủy cùng cấp, các Nghị quyết của HĐND tỉnh, chương trình hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, của Ban, chịu sự điều hoà, phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, đồng thời giữ mối quan hệ phối hợp với các Ban HĐND tỉnh và các cơ quan liên quan để thuận lợi cho hoạt động của Ban.

Trong công tác chuẩn bị kỳ họp HĐND, Ban thẩm tra theo phân công của Thường trực HĐND tỉnh, kết quả đã thẩm tra được 41 báo cáo, trong đó có 17 báo cáo thẩm tra chuyên đề. Công tác thẩm tra thực hiện đảm bảo đúng quy trình theo quy định. Đối với các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết chuyên đề được phân công thẩm tra, cơ bản đều được Ban tiến hành khảo sát thu thập thông tin phục vụ cho công tác thẩm tra, góp phần nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra, các báo cáo thẩm tra của Ban được đại biểu quan tâm thảo luận, đánh giá cao và được UBND tỉnh tiếp thu.

Ban đã tổ chức 07 cuộc giám sát chuyên đề, 21 cuộc khảo sát, trong đó có 04 cuộc khảo sát chuyên đề. Kết thúc các đợt giám sát đều kịp thời ban hành báo cáo gửi đến Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các địa phương, ngành có liên quan. Qua giám sát, khảo sát đã chuyển 105 kiến nghị đến UBND tỉnh và các cơ quan liên quan xem xét giải quyết theo quy định (72 kiến nghị qua giám sát và 33 kiến nghị qua khảo sát).   

Trên cơ sở hoạt động giám sát, khảo sát và tiếp xúc cử tri, Ban đều tổng hợp, lựa chọn ý kiến chất vấn gửi Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến cơ quan liên quan xem xét, trả lời chất vấn bằng văn bản hoặc chất vấn trực tiếp tại kỳ họp. Hầu hết tại các kỳ họp thường kỳ, đa số thành viên Ban có ý kiến chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, từ đó góp phần nâng chất lượng hoạt động của đại biểu cũng như của Ban.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ban còn một số hạn chế nhất định, cụ thể: Chưa tổ chức họp ít nhất mỗi quý một lần để kiểm điểm việc thực hiện chương trình công tác Ban, bàn công tác tháng, quý và phân công các nhiệm vụ cho các thành viên Ban, các thành viên Ban chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên không bố trí được thời gian để tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban.  

Để hoạt động của Ban Dân tộc HĐND tỉnh nói riêng và hoạt động của các Ban HĐND tỉnh nói chung có hiệu quả trong thời gian tới, các đại biểu HĐND tỉnh tham gia thành viên Ban cần có chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực của Ban. Luôn tâm huyết và nâng cao trách nhiệm với vai trò là người đại biểu dân cử; đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các văn bản hướng dẫn; tăng cường phối hợp theo lĩnh vực từ tỉnh đến cơ sở để thu thập thông tin phục vụ cho hoạt động của Ban đảm bảo kịp thời và hiệu quả nhất; giữ mối liên hệ chặt chẽ với Thường trực HĐND, các Ban HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ./.

Huy Nhân, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP