Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận về Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

( Cập nhật lúc: 23/06/2023  )

Chiều 22/6/2023, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an  Tô Lâm , thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Quang cảnh phiên thảo luận

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đại biểu Đoàn Bắc Kạn) đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ Công an trong việc cấp căn cước công dân và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hồ sơ dự án Luật Căn cước đã được chuẩn bị công phu, đạt chất lượng cao.

 Góp ý về nội dung liên quan đến tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư vào căn cước công dân, đại biểu Thủy cơ bản tán thành với quy định có 24 nhóm thông tin của cư dân được tích hợp. Tuy nhiên, băn khoăn về việc trong dự thảo còn có quy định thu thập các thông tin khác của dân cư chia sẻ từ dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành, đại biểu đề nghị cần quy định rõ ràng hơn, vì dữ liệu chuyên ngành rất nhiều.

Về những thông tin của công dân được thu thập tích hợp tại Điều 10, đại biểu đề nghị quy định rõ những thông tin khác của công dân là thông tin gì, vì quy định còn chung chung và việc chia sẻ dữ liệu của công dân cần cân nhắc vì nó liên quan đến đời sống riêng tư của công dân.

Về các chủ thể được khai thác thông tin tại Điều 11, đề cập đến các chủ thể được khai thác thông tin từ dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đại biểu cho rằng, các thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư rất rộng và nhiều thông tin liên quan đến đời sống riêng tư như số điện thoại, nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây phiền phức cho người dân. Mặt khác, mỗi cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nên mục đích khai thác và phạm vi khai thác không giống nhau. Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về phạm vi khai thác và giao hết việc này cho Chính phủ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quy định ngay trong luật về phạm vi thông tin mà từng chủ thể được khai thác theo nguyên tắc bảo đảm phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng chủ thể, chỉ nên giao Chính phủ quy định về trình tự thủ tục của quá trình thu thập khai thác thông tin.

ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu góp ý đối với dự thảo Luật

Phát biểu góp ý đối với dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn đề nghị: Về nguyên tắc quản lý căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước Điều 4, dự thảo Luật quy định có 3 nguyên tắc về quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung nguyên tắc: “Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin theo quy định của pháp luật”. Bởi các cơ sở dữ liệu thông tin của công dân sẽ được số hóa, quản lý và lưu trữ bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đề nghị bổ sung nội hàm nguyên tắc: “Thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu, việc quản lý, khai thác, sử dụng phải đảm bảo đúng mục đích, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao” và lưu trữ lâu dài. Khoản 3 quy định nguyên tắc lưu trữ lâu dài đối với các thông tin, tài liệu của cá nhân được thu thập, cập nhật là chưa rõ ràng, cụ thể về thời gian lưu trữ. Quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, liên quan đến bí mật đời tư của mỗi cá nhân phải được xác định là tài sản của Nhà nước và cần được lưu giữ vĩnh viễn, đảm bảo an toàn và tại Điều 17 Luật Lưu trữ quy định về thời hạn bảo quản đối với từng loại tài liệu khác nhau tùy theo tính chất, giá trị của tài liệu. Do đó, để đảm tính thống nhất và rõ ràng khi thi hành Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về thời gian lưu trữ.

Về Quyền và nghĩa vụ về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 5) tại Khoản 4, để đảm bảo đầy đủ, thống nhất, đại biểu Huế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định về cách gọi tên đề nghị thống nhất sử dụng cụm từ “người mất năng lực hành vi dân sự”, vừa ngắn ngọn và đảm bảo tính thống nhất giữa các luật; đề nghị xem xét bổ sung đối tượng “Người chưa thành niên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” được thực hiện các quyền và nghĩa vụ thông qua người đại diện hợp pháp của mình.

Về quy định người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu tại khoản 2, Điều 20 dự thảo Luật, đại biểu Huế đề nghị cần đối chiếu với Luật Hộ tịch hiện hành, đồng thời đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ đối với người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước cho đầy đủ, đảm bảo căn cước được sử dụng đúng mục đích, an toàn...

Phát biểu làm rõ các ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết ý kiến của các đại biểu cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân cho phù hợp, bảo đảm hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ VI, tháng 11-2023.

Nguyễn Thêm, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP