Quốc hội thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
( Cập nhật lúc:
11/06/2023
)
Sáng 09/6, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì phiên họp thảo luận tổ gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An, Bạc Liêu.
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 3 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An, Bạc Liêu
Trước đó, tại phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai, kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Tại phiên thảo luận đã có 09 đại biểu phát biểu với gần 50 ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và của các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lỷ dự thảo Luật; đồng tình với đánh giá của cơ quan thẩm tra.
Tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1 (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị cần quy định rõ hơn chính sách ưu tiên đất ở, đất sản xuất quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật để đảm bảo đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nội dung quy định của dự thảo Luật áp dụng đối với vùng đặc biệt khó khăn là chưa phù hợp, bó hẹp phạm vi áp dụng, theo đó đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng: Áp dụng với người dân sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Cũng liên quan đến quy định tại Điều 17, đại biểu đề nghị cần xem xét sửa đổi quy định tại khoản 3, khoản 4 cho phù hợp hơn, đảm bảo tính khả thi, theo đó nên sửa quy định này theo hướng: khung chính sách do Trung ương ban hành.
Về quy định đối với đất quốc phòng, an ninh, đại biểu Hoàng Văn Hữu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định đầy đủ hơn về khu vực, vị trí, diện tích đất QPAN tại khoản 3 Điều 64 để đảm bảo tính ràng buộc trong quá trình thực hiện; bổ sung quy định về trình tự thủ tục lấy ý kiến trước khi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lấy ý kiến để đảm bảo tính thống nhất chung theo quy định tại Điều 76, Điều 79 của dự thảo.
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận sôi nổi tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Quan tâm đến nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 60 dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hồ Thị Kim Ngân cho rằng quy định như dự thảo là chưa phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát và bám sát quy định của Luật Quy hoạch để đảm bảo tính thống nhất. Liên quan đến quy định về đất sử dụng đa mục đích tại Điều 216, đại biểu đề nghị cần được làm rõ thêm, vì tại khoản 1 quy định: “Đất sử dụng đa mục đích là đất được sử dụng kết hợp từ hai mục đích trở lên có thể phân định được ranh giới hoặc không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng” và điểm a khoản 3 quy định: “Việc sử dụng đất đa mục đích phải đáp ứng các yêu cầu sau: a) Không làm thay đổi mục đích sử dụng đất chính”. Như vậy trong trường hợp không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng thì khó xác định được “mục đích sử dụng chính” là gì? Mục đích sử dụng đất chính này căn cứ vào diện tích sử dụng lớn nhất hay căn cứ vào mức độ sử dụng thường xuyên nhất?
Về quy định chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS quy định tại Điều 17 dự thảo Luật, đại biểu Ngân thể hiện quan điểm đồng tình với nội dung của dự thảo Luật vì quy định này phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định chính sách ưu tiên về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với người Kinh sinh sống ở vùng đồng bào DTTS miền núi cho đầy đủ.
Cùng quan tâm đến quy định về đất sử dụng đa mục đích, đại biểu Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị cần xem xét bổ sung thêm loại “đất khai thác khoáng sản ngầm, hầm lò k sử dụng đất mặt kết hợp với hoạt động nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái”, để phát huy được toàn diện giá trị của đất và điều này cũng phù hợp với quy định tại điểm d khoản 2 Điều 203 của dự thảo. Liên quan đến điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Huân đề nghị cần xem xét mở rộng phạm vi chuyển đổi từ “trong phạm vi cấp huyện” thành “trong phạm vi cấp tỉnh” cho phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay. Về quy định thu hồi đất do vi phạm, đại biểu đề nghị bổ sung “làm mất tài sản trên đất” cho đầy đủ và điều này cũng phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 30 dự thảo.
Phát biểu góp ý đối với dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét nghiên cứu bổ sung một số nội dung như: cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật về “hỗ trợ khác” tại khoản 2 Điều 107, nhất là liên quan đến hỗ trợ chênh cao, chênh thấp hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết để có cơ sở thực hiện khi Luật được thi hành. Về quy định tại Điều 185, theo đại biểu cần làm rõ nội dung quy định đất rừng phòng hộ xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng đã bao gồm cả hoạt động trồng cây hằng năm, trồng cây dược liệu dưới tán rừng hay chưa để làm sao hoạt động giữ, phát triển, làm giàu rừng được tốt nhất nhưng đời sống của người dân cũng cần được nâng lên...
Theo chương trình, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể tại hội trường vào đợt 2 của kỳ họp này./.