Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

( Cập nhật lúc: 20/05/2025  )

Sáng ngày 16/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ 11 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

     

           Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận có 18 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 2 đại biểu Quốc hội tranh luận. Tham gia tranh luận tại phiên thảo luận đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (Đoàn ĐBQH Bắc Kạn) nêu ý kiến vào khoản 4 và khoản 6 Điều 5 đại biểu cho rằng việc không áp dụng hồi tố các quy định bất lợi và nguyên tắc suy đoán vô tội đã được luật hóa đầy đủ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Đây là các nguyên tắc áp dụng chung cho mọi tổ chức, cá nhân, không riêng doanh nghiệp, do đó không cần thiết đưa vào nghị quyết mới để tránh trùng lặp và làm giảm tính đặc thù của văn bản. Đối với khoản 7 liên quan đến biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản trong quá trình điều tra, đại biểu bày tỏ không đồng tình với quy định tại dự thảo, nhận định nội dung này chưa vượt trội so với các điều khoản hiện hành tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Thay vào đó, đại biểu đề xuất cho phép áp dụng các cơ chế linh hoạt theo Nghị quyết 164/2024/QH15 của Quốc hội đặc biệt là trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tham gia tranh luận tại hội trường

Đáng chú ý, đại biểu nghị bổ sung hai giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp: Cho phép doanh nghiệp đặt tiền bảo đảm để được giải tỏa tài sản bị phong tỏa, giúp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; Cho phép chủ sở hữu tiếp tục quản lý, khai thác tài sản theo quy định, tránh tình trạng tài sản bị "đóng băng", gây lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét vận dụng thêm 5 biện pháp của Nghị quyết 164 vào nghị quyết đặc thù dành cho khu vực kinh tế tư nhân, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Nguyễn Thêm- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP