Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phiên chất vấn “5 T”: Thực tế, thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm

( Cập nhật lúc: 11/08/2022  )

Ngày 10/8/2022, theo Chương trình phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đăng đàn trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách, các vị ĐBQH trong Đoàn và đại diện Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh cùng một số sở, ngành liên quan.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu Bắc Kạn

Trong phiên làm việc buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an liên quan đến các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ. Tại phiên chất vấn đã có 26 đại biểu chất vấn, 11 lượt đại biểu phát biểu tranh luận và 01 đại biểu gửi văn bản chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Công an. Các nội dung được đại biểu quan tâm chất vấn là việc đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu cá nhân; việc cấp căn cước công dân, hộ chiếu mới; công tác phòng, chống tội phạm, “tín dụng đen”, an ninh mạng...

Từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy - ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về vấn đề bảo vệ bí mật thông tin cá nhân. Đại biểu phản ánh, hiện nay nhiều thông tin cá nhân được rao bán dễ dàng trên các hội, nhóm, nền tảng mạng xã hội và không khó để truy cập vào các hội, nhóm này. Đại biểu đề nghị Bộ cho biết các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên, để người dân yên tâm về đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của mình không bị trôi nổi trên mạng xã hội.


 

 

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề được cử tri và ngành rất quan tâm. Hiện nay, việc lọ lọt dữ liệu, thông tin cá nhân không chỉ ở nước ta mà trên thế giới đều ở mức đáng báo động, trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và ý thức, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân chưa cao. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng đã đưa ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân (hiện Bộ đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân); theo lộ trình, dự kiến năm 2024 Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân; tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ, lọt, rao bán dữ liệu cá nhân và hiện nay Bộ Công an đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là lấy từ nguồn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như y tế có nguy cơ bị lộ, lọt...

Cùng tham gia trả lời chất vấn có Phó Thủ tướng Chính phủ Thường trực Phạm Bình Minh và Bộ trưởng các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Khoa học và công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải trình, trả lời một số câu hỏi liên quan đến lĩnh vực của ngành.

Buổi chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật đểdu lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; việc  triển  khai  các nhiệm vụ,  giải  pháp  kích  cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch; công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng  xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội. Tại phiên chất vấn đã có 19 đại biểu chất vấn, 17 lượt đại biểu tranh luận, bên cạnh đó còn nhiều đại biểu không kịp phát biểu chất vấn, tranh luận do thời gian có hạn.

Quan tâm đến việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng chiến khu Việt Bắc nơi lưu giữ hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK, từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hồ Thị Kim Ngân đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vai trò định hướng, giải pháp của Bộ và sự quan tâm của Bộ trưởng trong vấn đề quy hoạch, đầu tư nguồn lực cho bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK, trong đó có ATK - Chợ Đồn, Bắc Kạn gắn với phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, trải nghiệm với bề dày truyền thống  sử lịch hào hùng và một nền văn hóa đa dạng bản sắc các dân tộc.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Hồ Thị Kim Ngân chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Với câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc bảo quản, tu bổ các di tích lịch sử cách mạng là vấn đề luôn được Đảng, Chính phủ và Bộ quan tâm. Đối với ATK - Chợ Đồn, Bắc Kạn hiện Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch. Triển khai Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 và trên cơ sở đề nghị của địa phương, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, Bắc Kạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, đưa vào danh mục báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Sau khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định và có nguồn lực được phân bổ, địa phương sẽ triển khai tổ chức thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt này.

Tham gia trả lời chất vấn cùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phiên làm việc buổi chiều có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng các Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của Nhân dân, cử tri cả nước, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra. Chủ tịch Quốc hội đã tổng kết diễn biến của phiên chất vấn bằng 5 chữ T: “Thực tế, thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm” đối với cả đại biểu Quốc hội chất vấn và Chính phủ, cùng các Bộ, ngành trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi được ban hành; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết khi được ban hành./.

Triệu Tuyên
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP