Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực, phòng chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật”

( Cập nhật lúc: 06/08/2022  )

Ngày 05/8/2022, Ban Soạn thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật” của Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực, phòng chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật” tại Thành phố Đà Nẵng. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Soạn thảo chủ trì. Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách và đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tham dự hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo 

Dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật (sau đây gọi tắt lầ Dự thảo) gồm 17 Điều quy định về: phạm vi, đối tượng áp dụng; các nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; các hoạt động kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo đơn vị, người tham mưu, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; các hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực và trách nhiệm cuả các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; các quy định về xử lý hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực và các hành vi khác trong xây dựng pháp luật.

Trong 10 tham luận được trình bày tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất nhận định: Kiểm soát quyền lực là một trong những yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất của Nhà nước pháp quyền và hoạt động lập pháp của Quốc hội là một trong những hoạt động kiểm soát quyền lực Nhà nước. Đây cũng là chức năng chủ yếu, quan trọng nhất của cơ quan lập pháp. Các đại biểu đã tham góp nhiều ý kiến vào Dự thảo trong đó khẳng định tầm quan trọng của việc Bộ Chính trị ban hành Quy chế này và đề nghị cần làm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động lập pháp; nhận diện hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; các quy định và thực trạng kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật của các cơ quan của Đảng… Từ đó, kiến nghị các nội dung cần quy định trong Dự thảo như: Làm rõ khái niệm và quy định cụ thể các hoạt động được xác định là “quyền lực”, “kiểm soát quyền lực”, “lợi ích nhóm”, “tham nhũng, tiêu cực” trong công tác xây dựng pháp luật; các quy định xử lý đối với người đứng đầu, cán bộ, đảng viên có hành vi vi phạm...

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tham gia thảo luận tại Hội thảo

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định rõ việc xác định các hành vi và thời điểm xác lập hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị quy định tăng cường vai trò của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, người tham mưu, đề xuất; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Đảng; các hình thức kỷ luật của Đảng; bổ sung các quy định kiểm soát quyền lực cụ thể từ nội bộ thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Ái Vân