Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vì lợi ích của cử tri và nhân dân

( Cập nhật lúc: 04/01/2018  )

Hình thức thực thi quyền lực của nhân dân bằng dân chủ đại diện là một bước phát triển quan trọng. Để thiết chế chính trị này trở thành giá trị cốt lõi của nền dân chủ, đòi hỏi đại biểu dân cử phải luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu, đặc biệt phải có dũng khí, trách nhiệm đến cùng, vì lợi ích của cử tri và nhân dân. 

Hiến pháp nước ta qua các thời kỳ lịch sử đều khẳng định nhất quán: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của Nhà nước. Sự khẳng định đó là thành quả của quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc ta.

Đại biểu phải luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu, phải có dũng khí,
trách nhiệm đến cùng với những vấn đề cửi tri kiến nghị (
Ảnh: Khánh Duy)

Việc nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực của mình là hình thức lý tưởng. Tuy vậy, trong những điều kiện lịch sử nhất định, hiệu quả của hình thức này có hạn chế vì phụ thuộc chủ yếu vào trình độ dân trí, quyết định theo đa số, nguy cơ xâm phạm quyền, lợi chính đáng của số ít. Hình thức thực thi quyền lực của nhân dân bằng dân chủ đại diện là một bước phát triển quan trọng. Nhân dân lựa chọn những công dân ưu tú thuộc mọi thành phần, giai cấp, dân tộc… bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình là Quốc hội, HĐND các cấp. Đây là một thiết chế chính trị ưu việt, nổi trội nhưng không phải không có hạn chế. Để thiết chế chính trị này trở thành giá trị cốt lõi của nền dân chủ, đòi hỏi đại biểu dân cử phải luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu, đặc biệt phải có dũng khí, trách nhiệm đến cùng, vì lợi ích của cử tri và nhân dân.

Hoạt động ngày càng hiệu quả 

Nhân dân dõi theo, phấn khởi và tin tưởng nhận thấy Quốc hội, HĐND các cấp đang hoạt động ngày càng hiệu quả. Ý chí, tiếng nói, nguyện vọng, các quan điểm của nhân dân “hiện diện” rõ hơn trong chu trình hoạch định các chính sách của quốc gia. Trách nhiệm chính trị của đại biểu trước nhân dân cũng được xác lập ngày càng cao thông qua việc thực hiện lời hứa, các hình thức giám sát, biểu quyết trên nghị trường, tiếng nói trên các diễn đàn chính trị địa phương và quốc gia… Những vấn đề nhân dân bức xúc, quan tâm như: Phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, chính sách đất đai, an sinh xã hội, các dự án phát triển hạ tầng giao thông… được đại biểu Quốc hội, HĐND thẳng thắn đặt lên bàn nghị sự, tranh luận, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp hiệu quả.

Bên cạnh những mặt tích cực, không ít vấn đề thuộc về các mối quan hệ với nhân dân chúng ta cũng cần nhìn lại, thấy rõ để tiến lên phía trước. Đó là những giá trị chân chính, cốt lõi của công việc mà mỗi người đại biểu nhân dân phải làm và hướng tới.

Phục vụ lợi ích của nhân dân

Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tư tưởng và quan điểm gần dân, quyền lực chính trị thuộc về nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân là cốt lõi và xuyên suốt trong thể chế Nhà nước ta từ khi thành lập đến nay. Nhân dân “ủy thác”, trao một phần quyền lực của mình cho Nhà nước, nhưng làm thế nào để dân trao quyền mà không mất quyền, các cơ quan nhà nước được giao quyền mà không tiếm quyền của dân; làm thế nào để quyền lực nhân dân không bị tha hóa… là những vấn đề cốt tử đặt ra cho sự tồn vong của Nhà nước và chế độ.

Trước hết, người đại biểu nhân dân - tên gọi trìu mến biểu thị sự tin cậy mà nhân dân dành cho đại biểu dân cử đã phản ánh sinh động giá trị của nền dân chủ. Người đại biểu không chỉ làm tròn trách nhiệm, quyền hạn pháp luật quy định mà còn phải tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn và phát huy những phẩm chất cách mạng, giá trị cá nhân, giá trị nghề nghiệp, giá trị của tổ chức quyền lực nhân dân và giá trị của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhân dân luôn đòi người đại biểu dân cử phải coi việc thực thi đầy đủ quyền lực dân trao là sứ mệnh và nghĩa vụ cao cả; đồng thời, tham gia vào đời sống chính trị ở cấp độ cao nhất của sự liêm chính để góp phần duy trì niềm tin của công chúng vào chế độ.

Thứ hai, trách nhiệm của đại biểu dân cử với cử tri và nhân dân phải được thể hiện thành hành động cụ thể trong thực hành dân chủ ở cơ sở; tạo ra những điều kiện cần thiết để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Muốn vậy, đại biểu phải liên hệ thường xuyên, mật thiết với nhân dân, chủ động cải tiến các hình thức thực thi vai trò đại diện, đổi mới cách thức TXCT trước và sau mỗi kỳ họp, phải lắng nghe, hỏi ý kiến để biết cử tri cần gì, muốn nghe gì; làm sao để dân dám nói, dám bày tỏ quan điểm, chính kiến, tranh luận để tìm ra chân lý… Được như vậy sẽ khắc phục được thói áp đặt, quan liêu, mệnh lệnh, xa dân hay sự nghi ngờ, thiếu niềm tin của dân.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng, tin vào dân chúng, đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. “Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì ta cũng cứ nhắm mắt theo”. Đại biểu dân cử phải am tường pháp luật, có óc thực tiễn, kỹ năng truyên truyền, giải thích cho dân hiểu rõ chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc đang làm; phải luôn có suy nghĩ “vì ai mà làm, đối ai phụ trách”, phải “sát quần chúng, hợp quần chúng”, tích cực “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”.

Thứ ba, phải thể hiện bản lĩnh chính trị, luôn hành động để quyền lực nhân dân không bị tha hóa dưới mọi hình thức. Hạn chế và ngăn chặn nguy cơ tha hóa quyền lực nhà nước là việc làm không dễ nhưng cũng không phải là không thể đối với các đại biểu dân cử trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” hiện nay do Đảng ta chủ xướng và lãnh đạo. Cần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát, vừa để giúp cho việc lãnh đạo đúng đắn, vừa để phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, uốn nắn, đề xuất, kiến nghị xử lý theo pháp luật các biểu hiện khác nhau về sắc thái và mức độ (dù là nhỏ nhất) của sự tha hóa quyền lực gây ra hậu quả xấu cho xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, như: Lạm quyền, tiếm quyền, sự tùy tiện, bất lực, vô cảm, vô trách nhiệm, tham quyền cố vị, nạn kiêu binh, quan liêu, xa dân…

Mặt khác, phải minh bạch và xử lý nghiêm các biểu hiện lợi dụng giám sát, thanh tra, kiểm tra để vụ lợi, tiêu cực; khắc phục tình trạng cho rằng vì quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát… làm ảnh hưởng thời gian và hiệu quả làm việc của cấp dưới để lấy cớ che giấu khuyết điểm, vi phạm, xem nhẹ công tác này.

ThS. Nguyễn Vân Hậu
Thu Sa (sưu tầm)
daibieunhandan.vn
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP