Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường

( Cập nhật lúc: 17/09/2020  )

 

Đồng chí Phương Thị Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị


Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và dự kiến sẽ trình thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV tới đây. Tuy nhiên, đây là luật khó, phức tạp và đồng thời cũng có rất nhiều nội dung mới, quan điểm mới, khái niệm mới, cần sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. 

 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý kiến đề nghị bổ sung, thay đổi, làm rõ về giải thích từ ngữ, bố cục và đặc biệt là những nội dung còn vướng mắc, có nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo. Cụ thể: Theo đại biểu tại Điều 3, trong dự thảo luật sắp xếp thứ tự chưa hợp lý, như khoản 3 là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, khoản 16 là hạn ngạch phát thải khí nhà kính, đến khoản 20 mới giải thích khí nhà kính dẫn đến khi thực thi luật sẽ khó tra cứu.

 

Về nguyên tắc bảo vệ môi trường quy định tại Điều 4 đã đề cập đến tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường và khi gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, khắc phục, xử lý và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa đề cập đến nguyên tắc tổ chức, cá nhân có đóng góp nhiều cho bảo vệ môi trường lại không được hưởng lợi. Đại biểu dẫn chứng, Bắc Kạn là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, đóng góp lớn vào việc hấp thụ khí CO2 và bảo vệ môi sinh, tuy nhiên người dân trồng rừng, giữ rừng được hưởng lợi từ chi trả dịch vụ rừng rất nhỏ. Bên cạnh đó, việc phát triển lâm nghiệp đã hạn chế một phần đất nông nghiệp, trong khi việc cấp nguồn ngân sách hiện nay lại theo chỉ tiêu dân số nên đời sống của người dân còn khó khăn. Do vậy, dự thảo luật cần quy định rõ ràng, cụ thể để các tổ chức, cánhân thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường được hưởng lợi.

 

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với  các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ mà giao cho bộ thẩm định là không phù hợp và ít hiệu quả. Theo lý giải của đại biểu, việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chủ yếu liên quan đến chuyên môn lĩnh vực môi trường nên đề cơ quan chuyên môn thực hiện thẩm định (trừ dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh). Mặt khác, do các dự án đều thực hiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố nên các bộ, ngành không thể nắm bắt hết được các tác động của dự án đến địa phương ngay cả khi đã mời địa phương tham gia thẩm định….

 

Toàn bộ ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, cá nhân tại hội nghị đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tiếp thu, tổng hợp trình gửi Quốc hội vào kỳ họp tới phục vụ công tác xây dựng luật./.

Thu Thương, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh