HĐND huyện Chợ Đồn giám sát việc thực hiện Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa và phát triển trâu bò sinh sản
( Cập nhật lúc:
14/06/2023
)
Từ ngày 30/5 đến ngày 13/6/2023, HĐND huyện Chợ Đồn tổ chức giám sát việc thực hiện Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa và phát triển trâu bò sinh sản, giai đoạn 2021 – 2025. Đoàn giám sát do bà Ma Thị Na, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện làm Trưởng đoàn. Đoàn giám sát trực tiếp tại các đơn vị Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, UBND các xã: Xuân Lạc, Phương Viên và giám sát gián tiếp qua báo cáo của UBND các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn huyện.
Đoàn Giám sát kiểm tra thực tế tại thôn Pù Lùng 2, xã Xuân Lạc
Qua giám sát cho thấy, trên cơ sở Nghị quyết của HĐND huyện, các Quyết định, kế hoạch của UBND huyện, các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các xã đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án. Qua hai năm thực hiện, Đề án đã hỗ trợ kinh phí cho 73 hộ tham gia, trong đó có 61 hộ chăn nuôi trâu, bò sinh sản, 12 hộ nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa. Đối với hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò sinh sản, với số lượng 137 con trâu, bò sinh sản được hỗ trợ ban đầu (gồm con 03 đực giống và 134 cái sinh sản), đến nay đã sinh sản được 78 con bê nghé, nâng tổng đàn lên 213 con. Đề án ban hành phù hợp với thực tế chăn nuôi phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững. Các hộ đều đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện khi tham gia Đề án, thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn.
Đoàn Giám sát kiểm tra thực tế tại thôn Bản Làn, xã Phương Viên
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế và được Đoàn giám sát chỉ ra tại các buổi giám sát như: công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trong việc tổ chức thực hiện Đề án đôi lúc chưa được thường xuyên; trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, các hộ đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo quy trình chăn nuôi, tuy nhiên một số hộ gặp phải những rủi ro khách quan, bất khả kháng; thị trường tiêu thụ, giá thịt hơi trâu, bò không ổn định, giảm so với các năm trước nên các hộ tham tham gia thực hiện vỗ béo trâu, bò, ngựa còn ít; diện tích chăn thả gia súc tại các xã, thị trấn ngày càng bị thu hẹp nên khó khăn trong phát triển tổng đàn…
Đoàn Giám sát làm việc với Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện
Tại các buổi làm việc, đoàn giám sát đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể xã hội từ huyện đến cơ sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai thực hiện Đề án; UBND các xã, thị trấn huy động sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện Đề án; tổ chức sơ kết đánh giá hiệu quả của Đề án so với các mục tiêu đề ra; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hộ tham gia thực hiện Đề án theo đúng quy định; hướng dẫn các hộ tham gia tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng tốt và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi đúng quy trình kỹ thuật…