Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội tiếp tục thảo luận kết quả phát triển KT-XH năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023

( Cập nhật lúc: 29/10/2022  )

Ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Trong phiên thảo luận, các đại biểu phát biểu sôi nổi, các nội dung phát biểu ngắn gọn, đi vào trọng tâm.


Quang cảnh phiên thảo luận ngày 28/10

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trước tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đồng hành vào cuộc của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực, những kết quả đạt được khá toàn diện, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách vượt so với dự toán. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tập trung chỉ đạo, bước đầu thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế như việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tiến độ đề ra; việc phân bổ, triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm; các văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành còn chưa rõ; các địa phương còn lúng túng trong việc phân cấp định mức, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Về điều hành kinh tế - xã hội, các ý kiến đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành quyết liệt, thận trọng, linh hoạt, triển khai tháo gỡ giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế, trong điều hành chính sách tài khóa tiền tệ, nhất là các biện pháp để kiểm soát và kiềm chế lạm phát. Có đại biểu đề nghị Chính phủ cương quyết điều chuyển vốn những nơi giải ngân chậm sang các nơi giải ngân tốt, thiếu vốn hoặc có hồ sơ đầy đủ, có chất lượng để kích thích cho các địa phương, bộ, ngành làm tốt công tác giải ngân gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội sáng ngày 28/10.

Về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia sang năm 2023.

Đối với Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương nghiên cứu có thể giải thể, hợp nhất những Quỹ hoạt động kém hiệu quả đúng theo tinh thần Nghị quyết 792 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời có thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Quỹ trong thu chi, tránh thất thoát, đề phòng tiêu cực. Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc quản lý tài sản công của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, Chính phủ kiểm tra, thanh tra, xử lý những bất cập, việc sử dụng tài sản công chưa hiệu quả để thu hồi, bán đấu giá tài sản, tăng thu ngân sách, có quy định chi tiết, rõ ràng về phân cấp quản lý tài sản thuộc trung ương và tài sản thuộc địa phương.

Các đại biểu cũng phân tích những khó khăn đối với vấn đề phát triển kinh tế miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng ATK như hạ tầng thiết yếu ở khu vực miền núi vẫn chưa được tập trung đầu tư đồng bộ và thiếu tính kết nối; điều kiện khí hậu và thời tiết cực đoan trong những năm gần đây làm cho hầu hết hạ tầng thiết yếu khu vực miền núi xuống cấp nhanh, hư hỏng nặng; tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao... Từ đó, các đại biểu đề nghị tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực miền núi, vùng sâu, khu vực biên giới, vùng ATK, nhất là giao thông, điện, viễn thông để mở đường, tạo điều kiện cho các chương trình, dự án phát huy hiệu quả, trong đó đặc biệt chú ý đầu tư hạ tầng về giao thông.

Vấn đề tăng lương cơ sở được các đại biểu quan tâm cho ý kiến. Các ý kiến đều cho rằng việc nâng lương cơ sở thực hiện từ năm 2023 là hết sức cần thiết và đề nghị điều chỉnh thời gian tăng lương sớm hơn dự kiến, thực hiện từ 01/01/2023.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm đến các vấn đề trong nhiều lĩnh vực như: xây dựng, quy hoạch, giáo dục, y tế, tôn giáo, khoa học công nghệ,…

Tại Phiên họp này, các thành viên Chính phủ tiếp tục giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Lục Thúy