Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7
( Cập nhật lúc:
25/03/2025
)
Sáng nay (25/3), tại Phòng Thăng Long, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7.
Đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham dự Hội nghị cùng với các đại biểu Quốc hội chuyên trách của các cơ quan của Quốc hội và 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này, các đại biểu sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 9 dự thảo Luật sẽ trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV gồm: Luật Nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Công nghiệp, công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn kỹ thuật.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ họp khoảng 2 tháng (dự kiến khai mạc đầu tháng 5/2025), trong đó Quốc hội xem xét thông qua 11 luật và cho ý kiến vào 16 luật mới, đồng thời bổ sung việc sửa đổi Hiến pháp và sửa rất nhiều luật liên quan. Trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ nghỉ 2-3 tuần để lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp.
Về các dự án luật thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là các dự án luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống, trong đó có những luật rất quan trọng, tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp, có dự án luật tác động thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số trong nước, có các dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội và các vị đại biểu Quốc hội như Luật Nhà giáo, Luật Việc làm (sửa đổi)…
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận, phân tích kỹ các vấn đề mới trên tinh thần cập nhật những chỉ đạo, chủ trương mới của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các điều kiện cụ thể đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời đồng bộ với các luật mới được ban hành và các luật trong hệ thống pháp luật hiện hành theo chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật với yêu cầu luật cần ngắn gọn, súc tích, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.