Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hoạt động giám sát năm 2023 của Đoàn ĐBQH tỉnh

( Cập nhật lúc: 05/01/2024  )

Năm 2023 là thời điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của đất nước, do đó hoạt động giám sát được Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh đặc biệt chú trọng nhằm rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật của Quốc hội đã ban hành gắn với sự phát triển của địa phương.

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về thực trạng ngại va chạm, né trách trong đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hiện nay

Theo đó, trên cơ sở Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tình hình thực tế của địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng và ban hành Chương trình hoạt động giám sát năm 2023 với 05 chuyên đề, gồm: (1) Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; (2) Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; (3) Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; (4) Giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; (5) Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa giai đoạn 2016 – 2023 trên địa bàn tỉnh.

Đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thăm Phòng đồ dùng, thiết bị thí nghiệm tại trường Trường Tiểu học và THCS Lạng San

Các chuyên đề giám sát năm 2023 có phạm vi, đối tượng rộng, với nhiều chính sách khác nhau, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, được dư luận xã hội và đông đảo cử tri quan tâm, đặc biệt là chuyên đề giám sát về các Chương trình mục tiêu Quốc gia, đã đặt ra nhiều thách thức đối với việc triển khai, tổ chức thực hiện của Đoàn để đảm bảo cả về nội dung, chất lượng và tiến độ theo kế hoạch.

Để các chuyên đề giám sát được triển khai toàn diện và đồng bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND và Ban thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức giám sát đối với các chuyên đề theo Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với mỗi chuyên đề giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã lựa chọn thời gian, các nội dung và đối tượng giám sát cụ thể để xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện và ban hành các báo cáo kết quả giám sát gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát theo quy định. Qua giám sát, Đoàn đã tổng hợp, gửi 91 kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền (trong đó có 57 kiến nghị gửi cơ quan trung ương và 34 kiến nghị gửi cơ quan địa phương). Nhiều kiến nghị sau giám sát đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và các đối tượng được thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân, như: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông... Đặc biệt là việc giải quyết những bất cập, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện các chính sách quan trọng mà Quốc hội, Chính phủ đã quyết nghị về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

 

Đoàn giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thăm mô hình nuôi dê tại thôn Nà Muồng, xã Giáo Hiệu, huyện Ba Bể.

Bên cạnh đó, các vị ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực phát huy quyền giám sát tối cao trong việc đề xuất các vấn đề chất vấn và tham gia 07 lượt chất vấn trực tiếp trong Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong các phiên chất vấn tại các Kỳ họp của Quốc hội đối với Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ và gửi 03 ý kiến chất vấn bằng văn bản đến các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan.

Hoạt động chất vấn của ĐBQH trong Đoàn được cử tri ghi nhận và đánh giá cao. Các vấn đề được đại biểu chất vấn đã phản ánh đúng những vấn đề thời sự, những hạn chế, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật, trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, được đông đảo cử tri quan tâm như: Cơ hội việc làm cho lao động nữ ngoài 40 tuổi bị mất việc làm, dẫn đến nguy cơ rút bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài; việc thực hiện Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú với học sinh, sinh viên; các giải pháp để khắc phục tai nạn do xe kinh doanh vận tải gây ra; việc phân cấp cho các địa phương trong việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư; về mức hỗ trợ khoán quản lý, bảo vệ rừng đặc thù với những địa phương có tỷ lệ độ che phủ rừng cao, để khắc phục tình trạng tỷ lệ rừng càng cao thì đời sống người dân càng khó khăn; việc chậm chi trả tiền khoán chăm sóc và bảo vệ rừng năm 2021 cho người dân ở địa phương có rừng; giải pháp tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong hoạt động thanh tra... Kết quả chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy tinh thần trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, theo đuổi vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm của các vị ĐBQH.

Cùng với hoạt động giám sát chuyên đề và chất vấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh còn tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động khảo sát, thu thập thông tin lấy ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và xem xét, xử lý đơn thư của công dân. Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội của Đoàn đã tham gia đầy đủ các hoạt động giám sát do Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội tổ chức khi được mời làm thành viên.

Có thể thấy, năm 2023 hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn ngày càng rõ trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo công khai, khách quan, nội dung giám sát, chất vấn tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc của cử tri và nhân dân, bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP