Giám sát là nhiệm vụ trung tâm trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội
( Cập nhật lúc:
01/10/2021
)
Trong Thông báo kết luận số 02 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021) đối với kế hoạch và đề cương giám sát 4 chuyên đề thuộc Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh “giám sát là một nhiệm vụ trung tâm trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội”.
Theo đó, đối với các vấn đề chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Đoàn giám sát lưu ý: Thứ nhất, cần phải tạo sự thống nhất trong nhận thức của chủ thể giám sát, đối tượng giám sát về việc cần thiết phải nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan Quốc hội trong tình hình mới và phải đầu tư công sức, trí tuệ, tổ chức cách làm phù hợp, khoa học, hiệu quả, làm đến nơi, đến chốn, qua đó tạo được điểm nhấn, sự lan tỏa trong hoạt động giám sát của cả nhiệm kỳ. Thứ hai, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa giám sát toàn diện và giám sát trọng điểm, giữa nội dung với phương thức giám sát. Thứ ba, cần bố trí thời gian tiến hành các hoạt động phù hợp, hạn chế tối đa việc trùng thời điểm với các sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước. Thứ tư, xác định kế hoạch, đề cương báo cáo chi tiết cho từng chủ thể giám sát và đối tượng giám sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, trong đó phải bảo đảm đầy đủ 03 đề cương báo cáo dành cho khối địa phương: báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội (phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh) - cơ quan chủ trì giám sát tại địa phương; báo cáo của Hội đồng nhân dân - vừa là chủ thể giám sát, vừa là cơ quan chịu sự giám sát; báo cáo của Ủy ban nhân dân - cơ quan chịu sự giám sát...
Về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là chuyên đề giám sát được Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm với phạm vi rộng, phức tạp, yêu cầu rất cao. Do đó, đề nghị giới hạn phạm vi chuyên đề giám sát trong khu vực công bao gồm giám sát cả nhân lực, vật lực, tài lực. Đối với từng lĩnh vực, cần rà soát, lựa chọn, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trọng điểm như: Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của các Bộ, ngành, trung ương, địa phương, trong đó lưu ý giám sát chi tiết công tác quản lý, sử dụng biên chế và tinh giản biên chế của khối sự nghiệp; việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; việc sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp; việc quản lý sử dụng băng tần, kho số sim thẻ; quản lý cấp biển ô tô, biển xe máy; quản lý sử dụng trụ sở công vụ, sắp xếp lại nhà đất; mua sắm công, sử dụng quỹ nhà tái định cư, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội,…
Đối với chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, cần xác định rõ đây là giám sát việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh, nghị quyết khác có liên quan để từ đó chỉ ra các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phù hợp.
Về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cần đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính gắn với mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế; đánh giá tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước nói chung, tác động của việc sắp xếp đến tiết kiệm, giảm chi thường xuyên của ngân sách nhà nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở địa phương khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Còn về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần rà soát kỹ mục đích, yêu cầu để sau khi giám sát làm rõ được nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, nổi cộm, kéo dài, đông người; đồng thời, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về trách nhiệm, xác định thời hạn giải quyết các vụ việc phức tạp.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Đoàn giám sát tiếp thu, hoàn thiện Kế hoạch giám sát, các Đề cương báo cáo và khẩn trương ban hành trước ngày 30/9/2021 để triển khai thực hiện./.