Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quy chế làm việc của Thường trực HĐND tỉnh

( Cập nhật lúc: 08/09/2021  )

 

QUY CHẾ

Làm việc của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026

(Ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-TTHĐND ngày 31/8/2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh)

     

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Quy chế này quy định nguyên tắc, chế độ làm việc; quy trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, các thành viên của Thường trực HĐND tỉnh; mối quan hệ công tác của Thường trực HĐND tỉnh với các cơ quan, đơn vị có liên quan.

2. Thường trực HĐND tỉnh, các thành viên Thường trực HĐND tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác với Thường trực HĐND tỉnh chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2. Nguyên tắc, chế độ làm việc

1. Nguyên tắc làm việc

Các thành viên Thường trực HĐND tỉnh chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND tỉnh; chịu trách nhiệm cá nhân trước Thường trực HĐND tỉnh về nhiệm vụ, quyền hạn được Thường trực HĐND tỉnh phân công. Mọi hoạt động của Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và mỗi thành viên phải đảm bảo sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các thành viên Thường trực HĐND tỉnh là Trưởng các Ban Hội đồng nhân dân chủ động xử lý công việc theo phạm vi trách nhiệm, quyền hạn, thẩm quyền được phân công; chủ động, phối hợp giải quyết, trường hợp có ý kiến khác nhau thì báo cáo Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh theo lĩnh vực phân công phụ trách. Tham gia đầy đủ các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân.

2. Chế độ làm việc

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh hoạt động chủ yếu thông qua các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các cuộc họp giao ban của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

 

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND tỉnh

1. Thường trực HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 104, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

2. Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và các thành viên Thường trực HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 105, Điều 107 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

3. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh thay mặt Chủ tịch HĐND chỉ đạo, xử lý các công việc thường xuyên, hàng ngày của Thường trực HĐND tỉnh; thay mặt Chủ tịch HĐND tỉnh giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch khi Chủ tịch HĐND tỉnh vắng mặt hoặc ủy quyền. Giúp Chủ tịch HĐND tỉnh tổ chức, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh và phụ trách các lĩnh vực theo phân công.

4. Các Ủy viên thường trực là Trưởng các Ban HĐND tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, điều hành Ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 108, Điều 109, Điều 110, Điều 111 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được HĐND tỉnh giao.

Chương III

QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH

Điều 4. Phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh

1. Phiên họp Thường trực HĐND tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 106 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thường trực HĐND tỉnh họp thường kỳ mỗi tháng một lần vào ngày 26 hàng tháng (sau phiên họp Đảng đoàn HĐND tỉnh).  Phiên họp Thường trực HĐND tỉnh phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham dự. Nếu trùng vào thứ bảy, chủ nhật hoặc các ngày lễ, tết thì phiên họp được tổ chức vào ngày tiếp theo và có thông báo thời gian cụ thể.

Ngoài phiên họp thường kỳ, Thường trực HĐND tỉnh có thể họp đột xuất theo đề nghị của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Công tác chuẩn bị:

a) Các nội dung công việc xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh của UBND tỉnh và các đơn vị liên quan gửi qua Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trước ngày 20 hàng tháng.

b) Các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo lĩnh vực phụ trách có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, ban hành văn bản trình Thường trực HĐND tỉnh trước ngày tổ chức phiên họp là 02 ngày làm việc, trường hợp đặc biệt, đột xuất thì trình Thường trực HĐND tỉnh trước ngày tổ chức phiên họp là 01 ngày làm việc.

c) Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có trách nhiệm chuẩn bị giấy mời, chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ phiên họp Thường trực HĐND tỉnh; Dự thảo báo cáo hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh trong tháng; những nội dung cần giải quyết tại phiên họp; nhiệm vụ chủ yếu tháng sau...

3. Chủ tịch HĐND tỉnh quyết định các nội dung, chương trình và chủ tọa phiên họp. Trong trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh vắng mặt thì Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh hoặc Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa phiên họp theo sự ủy quyền của Chủ tịch HĐND tỉnh.

Trên cơ sở ý kiến phát biểu thảo luận của các Thành viên Thường trực HĐND và các thành phần tham dự phiên họp, Chủ tọa lấy biểu quyết theo từng nội dung trình tại phiên họp. Nội dung trình phiên họp chỉ được thông qua khi có quá nửa số thành viên có mặt biểu quyết tán thành.

4. Văn phòng có trách nhiệm tổ chức ghi biên bản phản ảnh diễn biến của phiên họp; tham mưu ban hành Báo cáo hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh trong tháng; thông báo kết luận phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh chậm nhất sau phiên họp 02 ngày.

5. Một số nội dung sau khi thảo luận mà chưa thống nhất thông qua, Trưởng Ban HĐND tỉnh, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu làm rõ; trình tự thực hiện áp dụng như giải quyết công việc giữa hai phiên họp Thường trực HĐND tỉnh quy định tại khoản 2 Điều 6 Quy chế này.

Điều 5. Họp giao ban của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Cuộc họp giao ban được tiến hành hàng tuần hoặc khi cần thiết theo yêu cầu của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nội dung cuộc họp giao ban gồm những vấn đề, công việc mà Chủ tịch, Phó Chủ tịch thấy cần hội ý, trao đổi tập thể.

Điều 6. Giải quyết công việc giữa hai phiên họp Thường trực HĐND tỉnh

1. Trong khoảng thời gian giữa hai phiên họp, nếu có nội dung phát sinh cần xử lý ngay, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh theo nhiệm vụ, quyền hạn được phân công phụ trách, xem xét, chỉ đạo Ban HĐND tỉnh hoặc Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh tham mưu giải quyết trong thời gian không quá 05 ngày làm việc.

2. Thường trực HĐND tỉnh xem xét văn bản của Ban HĐND tỉnh hoặc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tham mưu, tổ chức cho ý kiến bằng phiếu. Chậm nhất trong 02 ngày làm việc tính từ ngày nhận được tài liệu và phiếu biểu quyết, các thành viên Thường trực HĐND tỉnh phải có ý kiến biểu quyết (trường hợp đặc biệt, đối với những nội dung quan trọng, gấp thì thời hạn cho ý kiến biểu quyết là 01 ngày làm việc). Sau thời hạn trên mà thành viên Thường trực HĐND không có ý kiến thì coi như biểu quyết đồng ý và chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung lấy ý kiến biểu quyết.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có trách nhiệm tổng hợp kết quả phiếu biểu quyết, trình Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phụ trách lĩnh vực quyết định, ký ban hành (có mẫu phiếu biểu quyết, báo cáo tổng hợp kèm theo).

Trong trường hợp có ý kiến chưa thống nhất thì Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh báo cáo Chủ tịch HĐND tỉnh để chỉ đạo giải quyết.

Điều 7. Các hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh

Hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh thực hiện theo các điều quy định tại Mục 2, Chương III Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 và Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tại Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Chương IV

    QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH

Điều 8. Đối với UBND tỉnh

Thường trực HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh trong việc chuẩn bị dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp HĐND tỉnh, phiên họp Thường trực HĐND tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh trong thời gian giữa hai kỳ họp.

Điều 9. Đối với Uỷ ban MTTQVN tỉnh

Thường trực HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh trong việc tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để báo cáo với HĐND tỉnh.

Điều 10. Đối với các Ban HĐND tỉnh

Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo, điều hoà, phối hợp chương trình hoạt động của các Ban HĐND tỉnh, tạo điều kiện và đôn đốc các Ban HĐND tỉnh hoạt động theo quy định của pháp luật; phân công các Ban HĐND tỉnh trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp HĐND tỉnh, thẩm tra các báo cáo, hồ sơ dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp hoặc giao các Ban HĐND thực hiện một số nội dung trong chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và báo cáo kết quả với Thường trực HĐND tỉnh.

Điều 11. Đối với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

1. Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật.

2. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có trách nhiệm bảo đảm điều kiện vật chất, tổ chức tham mưu, giúp việc và phục vụ hiệu quả các hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh theo quy định.

 

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Thường trực HĐND tỉnh, thành viên Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh Thường trực HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế./.

Tin cùng chuyên mục


ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP