Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cơ quan chức năng trả lời kiến nghị cử tri huyện thành phố Bắc Kạn trước kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa IX

( Cập nhật lúc: 24/07/2019  )

1. Cử tri Nguyễn Thị Tuệ, tổ 13, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Hiện nay, trên mặt hồ có rất nhiều rác thải ảnh hưởng đến mỹ quan khu du lịch và nguy cơ gây ô nhiễm mặt hồ. Đề nghị có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường ở Hồ Ba Bể.

Trả lời:

Tiếp nhận phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác tại khu vực hồ Ba Bể, nhất là rác trên mặt hồ sau các đợt mưa lũ (Công văn số 3643/UBND-KT ngày 04/7/2019).

2. Cử tri Nguyễn Thị Tuệ, tổ 13, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới sử dụng được 3 năm nhưng đến nay thiết bị vệ sinh đã xuống cấp, tường mốc. Đề nghị sửa chữa các thiết bị, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vệ sinh.

Trả lời:

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn (BVĐK) tiếp nhận cơ sở mới và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 12/2016; Tuy nhiên do Dự án đầu tư xây dựng BVĐK tỉnh mới hoàn thiện và bàn giao các công trình thuộc danh mục đầu tư thuộc giai đoạn 1 (trong đó hợp phần các khu nhà điều trị nội trú chỉ mới được đầu tư xây dựng xong và bàn giao 01 khu nhà điều trị nội trú với quy mô 250 giường bệnh). Nhưng trong thực tế BVĐK tỉnh đang được giao 500 giường kế hoạch và thực tế số giường thực kê tại bệnh viện là 780 giường. Do vậy, BVĐK tỉnh  đang phải sử dụng khu nhà Trung tâm kỹ thuật cao để phục vụ cho hoạt động điều trị nội trú (không phù hợp với công năng thiết kế ban đầu), từ đó dẫn đến tình trạng thiếu khu vệ sinh để phục vụ người bệnh.

Hơn nữa, sau hơn 02 năm sử dụng không tránh khỏi một số hạng mục bắt đầu xuống cấp đặc biệt là công trình vệ sinh. Trước thực trạng trên, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tổ chức khảo sát lập kế hoạch triển khai các bước cải tạo, sửa chữa theo đúng quy định; Bên cạnh đó đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo công tác vệ sinh trong và ngoài bệnh viện.

Để khắc phục tồn tại trên, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo BVĐK tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai sửa chữa các hạng mục công trình đã xuống cấp theo kế hoạch; Đồng thời tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo tốt nhất công tác vệ sinh tại các khoa, phòng trong toàn bệnh viện (trong khả năng cho phép về sửa đổi công năng và nguồn kinh phí).

3. Cử tri Đỗ Đức Lại, Bí thư chi bộ tổ 17, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Tại Hướng dẫn số 282/HD-UBND ngày 22/5/2019 của UBND tỉnh hướng dẫn xét tặng Huy hiệu Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Bắc Kạn ghi: “Đối với các cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được tặng Huy hiệu không có tên trong danh sách đề nghị tặng Huy hiệu của cơ quan, đơn vị, địa phương (do nghỉ hưu, chuyển công tác ra khỏi địa phương …) thì các cá nhân này chủ động liên hệ với cơ quan, đơn vị, địa phương đã từng công tác để được làm thủ tục tặng Huy hiệu” sẽ gây khó khăn cho người đã nghỉ hưu lâu năm. Đề nghị nghiên cứu giao cho cấp xã là đầu mối tổng hợp các trường hợp nghỉ hưu.

Trả lời:

Để thực hiện Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND ngày 10/12/2018 của HĐND tỉnh quy định về việc tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Bắc Kạn”, ngày 22/5/2019, UBND tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 282/HD-UBND về xét tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Bắc Kạn”, trong đó có hướng dẫn: “Đối với người đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi địa bàn tỉnh, hồ sơ đề nghị tặng Huy hiệu do cơ quan quản lý cán bộ trước khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác xem xét, hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền” .

Như vậy, đối với người đã nghỉ hưu thì cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước khi nghỉ hưu có trách nhiệm rà soát, liên hệ với cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để lập hồ sơ đề nghị tặng Huy hiệu. Vì theo quy định việc quản lý hồ sơ cá nhân (hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức) của người nghỉ hưu do cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước khi nghỉ hưu, quản lý và lưu trữ và chỉ có cơ quan, đơn vị này mới có đủ căn cứ để thẩm định, xác nhận về thời gian công tác, thành tích của người đã nghỉ hưu. Đối với UBND cấp xã do không quản lý hồ sơ của người đã nghỉ hưu nên không thể làm đầu mối để lập hồ sơ và trình tặng Huy hiệu cho người đã nghỉ hưu (không có căn cứ để thẩm định về thời gian công tác, thành tích của người đã nghỉ hưu).

Tại Khoản 2, Mục III của Hướng dẫn số 282/HD-UBND có nội dung: “2. Đối với các cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được tặng Huy hiệu không có tên trong danh sách đề nghị tặng Huy hiệu của cơ quan, đơn vị, địa phương (do nghỉ hưu, chuyển công tác ra khỏi địa phương …) thì các cá nhân này chủ động liên hệ với cơ quan, đơn vị, địa phương đã từng công tác để được làm thủ tục tặng Huy hiệu.”

  Với nội dung này nhằm mục đích hướng dẫn trong trường hợp cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập hồ sơ của người đã nghỉ hưu để đề nghị tặng Huy hiệu, vì lý do nào đó, bỏ sót đối tượng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được tặng Huy hiệu, thì người nghỉ hưu xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được tặng Huy hiệu phải liên hệ với cơ quan đã công tác trước khi nghỉ hưu để được lập hồ sơ tặng Huy hiệu.

4. Cử tri Đỗ Đức Lại, Bí thư chi bộ tổ 17; cử tri Nguyễn Hữu Minh, tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Về phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố theo Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 17/7/2018 của HĐND tỉnh: Đề nghị xem xét nâng mức phụ cấp cho chức danh Trưởng ban Công tác Mặt trận vì hiện nay chức danh này quy định rất thấp (0,18) và phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản (hiện nay, phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản không tăng nhưng lại kiêm thêm công việc của cộng tác viên dân số là chưa phù hợp).

Trả lời:

Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, ngày 17/7/2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND tỉnh (trong đó quy định mức phụ cấp cho chức danh Trưởng ban công tác mặt trận và nhân viên y tế thôn bản), trong quá trình xây dựng Nghị quyết các cơ quan chức năng và HĐND tỉnh đã nghiên cứu, xem xét, cân đối nguồn ngân sách để chi trả cho các đối tượng, tuy nhiên do nguồn ngân sách Trung ương khoán theo Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày  08/4/2013 của Chính phủ và nguồn ngân sách bổ sung của tỉnh còn hạn chế, chỉ đảm bảo việc chi trả mức phụ cấp và phụ cấp kiêm nhiệm như hiện nay. Do đó, đề nghị các cử tri chia sẻ khó khăn với địa phương.

5. Cử tri Trần Kim Trung, Tổ 2, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn phản ánh việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn: Tuy đã có 3 văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh và Sở Tài chính nhưng vẫn có nội dung chưa rõ, còn rườm rà trong việc quyết toán kinh phí (quy định từng tổ chức Hội hàng tháng phải lập biểu, trong khi mức khoán chỉ có 150.000đ/tổ chức Hội); mức phụ cấp của Trưởng ban Công tác Mặt trận thấp (mới gần bằng ¼ mức phụ cấp của Bí thư chi bộ) là chưa tương xứng với tính chất công việc. Cử tri đề nghị:

- Xem xét nâng mức phụ cấp của Trưởng ban Công tác Mặt trận bằng 2/3 mức phụ cấp của Bí thư chi bộ.

- Sớm có hướng dẫn thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố để kịp thời phục vụ cho công tác nhân sự chuẩn bị tổ chức Đại hội chi bộ thôn, tổ nhiệm kỳ mới theo hướng dễ nhớ, dễ hiểu, tránh phải hướng dẫn nhiều lần như các Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND.

- Đề nghị xem xét tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND hoặc tổ chức Hội thảo để các thôn, tổ có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm của các địa phương bạn, nghe phổ biến kinh nghiệm hay của các tỉnh bạn (nếu có).

Trả lời:

Đối với việc cử tri phản ánh còn rườm rà trong việc quyết toán kinh phí:

Tại khoản 2, Điều 2 Nghị quyết 13/2018/NQ-HĐND ngày 17/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức khoán chi hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn là 150.000 đồng/tổ chức/tháng. Như vậy, khoản kinh phí này là kinh phí hoạt động chung của tổ chức hội ở thôn, không phải phụ cấp cho chức danh cụ thể nào nên không thể phát trực tiếp cho các chức danh khi không có nhiệm vụ thực tế phát sinh.

Tại Hướng dẫn số 283/HD-UBND ngày 22/5/2019 của UBND tỉnh đã hướng dẫn hàng tháng khi phát sinh các nhiệm vụ, các tổ chức hội ở thôn lập Biểu xác định kinh phí thực hiện nhiệm vụ (chỉ lập đủ chi phí cho các nhiệm vụ, không lập hết 150.000 đồng nếu chi phí cho các nhiệm vụ thực tế thấp hơn) chuyển cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp xác nhận và chuyển UBND cấp xã duyệt chi (không yêu cầu phải có hóa đơn). Việc lập các chi phí trên Biểu chỉ mất một trang giấy, phát sinh chi phí nào thì kê chi phí đó vào Biểu, không rườm rà, cũng không mất nhiều thời gian, mỗi tháng chỉ lập một lần.

Bên cạnh đó, ngày 23, 24/5/2019, Sở Tài chính đã tổ chức tập huấn cho chủ tài khoản và kế toán cấp xã chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính, trong đó có hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến việc thực hiện chi khoản kinh phí khoán cho các tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Tiếp thu ý kiến tại Hội nghị tập huấn, Sở Tài chính tiếp tục hướng dẫn về phương pháp lập Biểu tại Công văn số 751/STC-QLNS ngày 27/5/2019. Cụ thể hướng dẫn Biểu xác định kinh phí thực hiện nhiệm vụ có thể lập theo hàng tháng hoặc hai tháng trở lên đến hết năm ngân sách, đồng thời đã có ví dụ minh họa.

Như vậy, UBND tỉnh và Sở Tài chính đã hướng dẫn các tổ chức hội ở thôn thực hiện chi khoản kinh phí hoạt động (150.000 đồng/tổ chức hội/tháng) đơn giản nhất là chỉ lập Biểu xác định kinh phí thực hiện nhiệm vụ, không phải có hóa đơn, theo đó đã giảm nhiều thủ tục cho các tổ chức hội.

Đối với các kiến nghị của cử tri:

Kiến nghị thứ nhất: Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, ngày 17/7/2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND tỉnh (trong đó quy định mức phụ cấp cho chức danh Trưởng ban công tác mặt trận và nhân viên y tế thôn bản), trong quá trình xây dựng Nghị quyết các cơ quan chức năng và HĐND tỉnh đã nghiên cứu, xem xét, cân đối nguồn ngân sách để chi trả cho các đối tượng, tuy nhiên do nguồn ngân sách Trung ương khoán theo Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày  08/4/2013 của Chính phủ và nguồn ngân sách bổ sung của tỉnh còn hạn chế, chỉ đảm bảo việc chi trả mức phụ cấp và phụ cấp kiêm nhiệm như hiện nay. Do đó, đề nghị các cử tri chia sẻ khó khăn với địa phương.

Kiến nghị thứ hai: Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, ngay sau khi có Thông tư hướng dẫn, Sở Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các quy định.

Kiến nghị thứ ba: Đối với nội dung này, UBND tỉnh (Sở Nội vụ) xin được tiếp thu và có kiến nghị với HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND tỉnh, còn đối với việc học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn, do điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn chế, nên thời điểm hiện nay tỉnh chưa thể tổ chức đi học tập kinh nghiệm được.