Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cơ quan chức năng trả lời kiến nghị cử tri thành phố Bắc Kạn trước kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa IX

( Cập nhật lúc: 20/10/2017  )

 

1. Cử tri Nguyễn Đức Nhâm, tổ 13, phường Sông Cầu đề nghị có hình thức khen thưởng động viên đối với cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố có nhiều năm công tác (10 năm đến 15 năm) tại địa phương.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Theo các quy định hiện hành của Luật Thi đua - Khen thưởng không quy định về việc khen thưởng cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ không chuyên trách ở cấp xã hoặc ở thôn, bản, tổ dân phố nói riêng đã có nhiều năm tham gia công tác. Do vậy, việc khen thưởng động viên cho cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố có nhiều năm công tác (từ 10 năm trở lên) như đề nghị của cử tri hiện nay chưa có quy định. Tuy nhiên, cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố khi có nhiều thành tích hoặc lập được thành tích xuất sắc trong công tác thì được các địa phương đề nghị khen thưởng bằng các hình thức như:

 

- Giấy khen của Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý chuyên môn thuộc lĩnh vực công tác;

 

- Bằng Khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ;

 

Về tiêu chuẩn, điều kiện để được khen thưởng theo các hình thức trên, thực hiện theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng và Quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ban hành kèm theo Quyết định số 2247/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

 

2. Cử tri Phạm Đức Thanh, tổ 11A; Cử tri Nông Viết Vĩ, Chủ tịch UBND phường Đức Xuân đề nghị chỉ đạo Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành suối Bắc Kạn thuộc Dự án Cấp nước và Vệ sinh thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn) hợp phần thoát nước.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Hạng mục Suối thị xã Bắc Kạn thuộc hợp phần thoát nước, dự án Cấp nước và Vệ sinh thị xã Bắc Kạn được xây dựng đi qua các phường: Phùng Chí Kiên, Đức Xuân, Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn. Nhà thầu công ty TNHH Econet Phần Lan đã thi công xong 390m/452m kè BTCT; 452m/567m công hộp BTCT và 76m/76m kè xây đá hộc ước tính đạt 80% tổng khối lượng xây dựng của hạng mục.

 

Ngày 06/9/2017, Sở Xây dựng đã tổ chức họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án với Tổng giám đốc công ty TNHH Econet Oy Phần Lan. Tại cuộc họp Nhà thầu đã cam kết huy động nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị để triển khai thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 12/2017.

 

3. Cử tri Lê Trí Phụ, tổ 11a, phường Sông Cầu phản ánh: Đối với dự án đường dọc tuyến đường từ ngã ba đường lên Tỉnh uỷ đến đường Nguyễn Văn Tố, hiện nay dọc tuyến đường từ ngã ba đường lên Tỉnh uỷ đến đường Nguyễn Văn Tố nhân dân đang xây dựng nhà ở không có giấy phép xây dựng tại khu dân cư tổ 14, phường Sông Cầu và tổ 19, phường Phùng Chí Kiên. Đề nghị xem xét, giải quyết.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Tuyến đường từ ngã ba Tỉnh ủy đến đường Nguyễn Văn Tố đi qua địa bàn tổ 14, phường Sông Cầu và tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn do Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Kạn làm chủ đầu tư (nay đã chuyển chủ đầu tư cho Ban QLDA tỉnh Bắc Kạn) hiện nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Dọc theo 2 bên tuyến đường theo dự án được duyệt là khu tái định cư.

 

Tại khu vực ngã ba đường nhánh nối sang đường Nguyễn Văn Tố chủ đầu tư đã phối hợp các đơn vị liên quan tạm giao đất cho một số hộ dân làm nhà ở. Hiện nay các hộ đã xây dựng nhà ở nhưng chưa có giấy phép xây dựng, nguyên nhân do còn vướng mắc về cơ chế chính sách nên chưa thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nên chưa có căn cứ cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Mặt khác có một số hộ thuộc diện GPMB của dự án đã tự ý xây dựng nhà ở. Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét, giải quyết theo quy định.

 

4. Cử tri Phạm Xuân Tùng, tổ 14, phường Sông Cầu:

 

a. Đề nghị cho biết tiến độ xây dựng dự án quy hoạch xây dựng khu dân cư phía sau đồi Tỉnh uỷ, giai đoạn 2014-2020.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


 Ngày 05/6/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 759/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư phía sau đồi Tỉnh ủy, giai đoạn 2014- 2020. Hiện nay Chủ đầu tư đang triển khai lập dự án.

 

b. Đề nghị cho biết việc Công ty cổ phần Bắc Hà chia lô, bán nền tại khu vực dự án quy hoạch xây dựng khu dân cư phía sau đồi Tỉnh uỷ, giai đoạn 2014-2020 có đúng không?

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Khu dân cư phía sau đồi Tỉnh ủy được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, giai đoạn 2014-2020 tại Quyết định số 759/QĐ-UBND ngày 05/6/2015. Theo đó, UBND tỉnh giao Công ty cổ phần Bắc Hà làm Chủ đầu tư lập Quy hoạch chi tiết và Dự án khu dân cư sau đồi Tỉnh ủy. Hiện nay, Chủ đầu tư đang tiến hành lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án trình thẩm định, phê duyệt theo quy định và Chủ đầu tư chưa chia lô, bán nền tại khu vực dự án. Nếu cử tri có thông tin chi tiết về hộ gia đình nào mua nền của Công ty cổ phần Bắc Hà xin thông báo cho các cơ quan nhà nước xem xét xử lý.

 

c. Hiện nay, việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư phía sau đồi Tỉnh uỷ, giai đoạn 2014-2020 chính quyền địa phương không được tham gia ý kiến, người dân không được biết. Đề nghị thực hiện việc công khai quy hoạch.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND thành phố thông tin chi tiết cho người dân biết về chủ trương quy hoạch chi tiết, đồng thời đôn đốc Chủ đầu tư thực hiện việc công bố quy hoạch sau khi dự án được phê duyệt theo quy định.

 

d. Tại Chứng chỉ quy hoạch số 10/2007/CCQH ngày 09/5/2017 của Sở Xây dựng cấp cho Văn phòng Tỉnh uỷ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường từ ngã ba đường lên Tỉnh uỷ đến đường Nguyễn Văn Tố quy định bề ngang tuyến đường rộng 15 m nhưng hiện nay thu hồi 80 m. Đề nghị được làm rõ.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Sở Xây dựng đã cấp Chứng chỉ Quy hoạch số 10/2007/CCQH ngày 09/5/2007 cho Văn phòng Tỉnh ủy (Chủ đầu tư) của Dự án đầu tư xây dựng công trình đường từ ngã ba đường lên Tỉnh ủy đến đường Nguyễn Văn Tố và hạ tầng kỹ thuật - Nhà công vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn, với diện tích đất cấp mới để xây dựng đường thoát hiểm và khu dân cư hai bên đường là 166.700m2 (mặt cắt ngang đường 15m, thu hồi vào mỗi bên đường thêm 32,5m để bạt mái ta-luy và xây dựng khu dân cư dọc hai bên đường, dự kiến chiều sâu lô đất là 20m còn trung bình khoảng 12,5m là mái ta-luy theo điều kiện địa hình của khu vực). Như vậy, đất dọc hai bên đường từ Tỉnh ủy đến đường Nguyễn Văn Tố tính từ tim đường ra mỗi bên là 40m, tổng cộng thu hồi toàn tuyến rộng là 80m.

 

5. Cử tri Hà Nghiêm Khuynh, tổ 18, phường Sông Cầu đề nghị có biện pháp xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra tình trạng khai thác chặt hạ gỗ nghiến trái phép tại Vườn quốc gia Ba Bể.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Vườn Quốc gia Ba Bể đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm, các Trạm Kiểm lâm thuộc Vườn khi để xảy ra các vụ việc khai thác, chặt phá rừng trái phép trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017. Đồng thời, xử lý kỷ luật đối với 02 viên chức thuộc Trạm Kiểm lâm Đầu Đẳng - PSlai (ông Đồng Minh Thắng, Trạm Trưởng và ông Nông Minh Đức, Kiểm lâm viên); phê bình, nhắc nhở đối với Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (ông Hoàng Văn Kiên và ông Hoàng Văn Chất). Đối với lãnh đạo Vườn Quốc gia Ba Bể, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và đề nghị xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo Vườn theo quy định với quan điểm xử lý nghiêm không bao che.

 

6. Cử tri Cao Thị Dinh, tổ 14, phường Sông Cầu đề nghị trước khi cắm mốc chia lô 2 bên đường để thực hiện dự án quy hoạch xây dựng khu dân cư phía sau đồi Tỉnh uỷ, giai đoạn 2014-2020 cần xây dựng tuyến đường để nhân dân vào khai thác, vận chuyển gỗ đối với những khu dân cư ở phía sau có rừng và ao.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ giao UBND thành phố Bắc Kạn chỉ đạo tổ chức thực hiện cho phù hợp.

 

7. Cử tri Trần Văn Du, tổ 13, phường Đức Xuân và cử tri Hà Thị Nhung, tổ 7A, phường Đức Xuân đề nghị sớm giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc giao đất tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư Bắc Sông Cầu.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Công trình Đường và đê bao chống lũ thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực Bắc Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn (gói thầu số 01, 02) đã thực hiện xong từ năm 2004 đến năm 2008. Tuy nhiên do hiện nay còn một số khó khăn vướng mắc về cơ chế giao đất, thu tiền sử dụng đất nên chưa thực hiện giao đất tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân.

 

Hiện nay, Thường trực Tỉnh ủy giao cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về cơ chế giao đất tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư Bắc Sông Cầu. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, UBND tỉnh sẽ tổ chức thực hiện theo chỉ đạo.

 

8. Cử tri Hà Thị Nguyện, thôn Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng phản ánh: Hiện nay, nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại cơ sở mới chảy theo tuyến mương mà bà con lấy nước cung cấp cho cánh đồng trồng lúa thôn Khuổi Thuổm gây ô nhiễm nguồn nước canh tác và ảnh hưởng đến các hộ dân đang sinh sống phía dưới bệnh viện. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư kiểm tra trong thiết kế công trình có hạng mục xây dựng tuyến mương xả nước thải từ Bệnh viện ra đến suối không? Nếu có thì đề nghị chủ đầu tư sớm đầu tư xây dựng; nếu chưa có đề nghị xem xét, bổ sung hạng mục này để không làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Hệ thống nước xả thải y tế của bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đều được thu gom bằng hệ thống cống ngầm dẫn về khu xử lý nước thải. Nước thải y tế sau khi được xử lý đạt các chỉ tiêu theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải y tế QCVN 28:2010/BTNMT thì mới thải ra môi trường theo quy định.


Trong thiết kế công trình có hạng mục cống xả nước thải từ bệnh viện ra đến suối thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và được thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt và đã đưa vào khai thác sử dụng.

 

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra cụ thể bảo đảm không gây ô nhiêm môi trường.

 

9. Cử tri Nông Hà Huyên, tổ 1A, phường Đức Xuân đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương phối hợp với UBND thành phố Bắc Kạn, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh sớm có quyết định trả lại đất cho các hộ dân nằm thuộc đối tượng GPMB công trình Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tại tổ 1A, Đức Xuân, nay đã được tỉnh chấp thuận điều chỉnh quy hoạch.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan, địa phương liên quan sớm thực hiện.

 

10. Cử tri Lê Trí Phụ, tổ 11a, phường Sông Cầu phản ánh: Hộ gia đình ông Hà Cát Xì và bà Bế Thị Đẹp (cả 02 ông bà đã qua đời) có biên bản họp gia đình về việc thừa kế tài sản đất và nhà ở của ông cha cho các con là bà Hà Thị Xoan, ông Hà Cát Hiếu, ông Hà Cát Đạm và bà Hà Thị Nghĩa đã có đủ chữ ký xác nhận của các thành viên trong gia đình, tổ dân phố và UBND phường nhưng khi nộp lên Phòng Công chứng - Sở Tư pháp, cán bộ chuyên môn yêu cầu phô tô giấy khai sinh và sổ hộ khẩu gốc từ khi ông Hà Cát Xì và bà Bế Thị Đẹp còn sống, trong khi các thành viên của gia đình đã cao tuổi (từ 50 đến 70 tuổi) nên không còn giữ giấy tờ này nữa. Đề nghị cho biết việc quy định thủ tục như vậy có đúng không? Và đề nghị hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục một cách thuận tiện nhất.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


1. Đối với yêu cầu phô tô Giấy khai sinh của những người thừa kế theo pháp luật (các con của người để lại di sản)

 

Theo hồ sơ và báo cáo của Phòng công chứng số 1, trước khi chết bà Bế Thị Đẹp và ông Hà Cát Xì (Hà Cát Xỳ, Hà Cát Sỳ) không để lại di chúc.

 

Căn cứ khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015:

 

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

 

a) Không có di chúc;

 

b) Di chúc không hợp pháp;

 

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

 

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.


Trường hợp trên, do người chết không để lại di chúc nên đây không phải là trường hợp thừa kế theo di chúc mà sẽ áp dụng quy định về thừa kế theo pháp luật. Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

 

Căn cứ Điều 57 Luật công chứng năm 2014:


“1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

 

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

 

2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

 

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

 

3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

 

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng”.

 

Như vậy, đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Vì vậy, để xác định người thừa kế theo pháp luật của bà Bế Thị Đẹp và ông Hà Cát Xì (Hà Cát Xỳ, Hà Cát Sỳ) bao gồm bà Hà Thị Xoan, ông Hà Cát Hiếu, ông Hà Cát Đạm và bà Hà Thị Nghĩa, Phòng công chứng số 1 đã yêu cầu những người yêu cầu công chứng cung cấp giấy tờ để chứng minh quan hệ với bà Bế Thị Đẹp và ông Hà Cát Xì (Hà Cát Xỳ, Hà Cát Sỳ).

 

Căn cứ quy định tại:

 

- Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014:


“1. Nội dung đăng ký khai sinh gồm:

 

a) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;

 

b) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;

 

c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

 

2. Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.

 

3. Nội dung đăng ký khai sinh quy định tại khoản 1 Điều này là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó”.

 

- Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch:

 

“1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

 

2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

 

3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh”.

 

Như vậy, Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân, trong đó thể hiện các nội dung về họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch của người được đăng ký khai sinh; họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh. Vì vậy, để chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản thì việc yêu cầu cung cấp Giấy khai sinh của những người thừa kế theo pháp luật (các con của người để lại di sản thừa kế) là phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Trên cơ sở hồ sơ của người yêu cầu công chứng và sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định, Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng ngày 18/8/2017.

 

2. Đối với việc yêu cầu phô tô sổ hộ khẩu gốc của ông Hà Cát Xì và bà Bế Thị Đẹp

 

Theo báo cáo của Phòng công chứng số 1 thì cán bộ của đơn vị không yêu cầu phô tô sổ hộ khẩu gốc từ khi ông Hà Cát Xì và bà Bế Thị Đẹp còn sống.

 

11. Cử tri Trần Văn Du, tổ 13, phường Đức Xuân đề nghị có giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


* Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế, ngành y tế cần phải tập trung vào 4 nội dung cơ bản sau:

 

- Về nguồn nhân lực: Đảm bảo đủ về số lượng và cân đối về cơ cấu nhân lực. Bảo đảm trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ.

 

- Về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế: Đảm bảo đáp ứng được việc triển khai thực hiện các dịch vụ y tế theo phân tuyến.

 

- Về cơ chế chính sách: Có chính sách đãi ngộ tương xứng đảm bảo khuyến khích cán bộ viên chức y tế trong học tập, công tác và yên tâm phục vụ. Đảm bảo các chính sách hỗ trợ cho người dân tiếp cận với các loại hình dịch vụ y tế.

 

- Ngoài ra, cần đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh một cách khoa học và hiệu quả.

 

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn tăng cường công tác phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

 

12. Cử tri Nguyễn Ngọc Luy, tổ 6, phường Đức Xuân đề nghị: có 3 kiến nghị như sau:

 

a. Hiện nay, việc nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh còn khá lớn, vậy, UBND tỉnh đã có biện pháp gì đối với các khoản tiền thuế nợ đọng trên? Đề nghị thông tin rộng rãi cho nhân dân biết.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Tổng số nợ thuế có khả năng thu đến ngày 31/8/2017 trên địa bàn tỉnh là 59.017 triệu đồng, của hơn 90 doanh nghiệp. Cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với 27 doanh nghiệp, với số tiền 31.165 triệu đồng; Chấp nhận không tính tiền chậm nộp đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ NSNN nhưng chưa được thanh toán theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính, đối với 18 doanh nghiệp với số tiền thuế nợ 26.636 triệu đồng.

 

Nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và khai thác khoáng sản, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác rất ít; Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng khó khăn, chậm tái cơ cấu chuyển đổi ngành nghề, sản xuất cầm chừng, nhiều doanh nghiệp không có việc làm đang dừng hoạt động; việc tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp khai khoáng vẫn gặp khó khăn do giá cả và thị trường; trong lĩnh vực XDCB mặc dù tiến độ giải ngân đạt khá, tuy nhiên nguồn vốn được giao hạn chế. Những khó khăn trên đã tác động đến tình hình tài chính của doanh nghiệp dẫn đến khó có khả năng nộp thuế đúng hạn đối với các khoản thuế phát sinh và thanh toán các khoản nợ thuế quá hạn. Từ những nguyên nhân trên, cơ quan thuế đã đề ra các giải pháp thu nợ thuế như sau:

 

* Đối với cơ quan thuế:

 

- Rà soát các khoản nợ thuế theo kê khai, nợ đọng thuế sau kết luận thanh tra, kiểm tra thuế, nợ thuế sau quyết toán thuế năm 2016, nợ theo kiến nghị của kiểm toán, phân tích, phân loại nợ thuế theo từng đối tượng nợ để có biện pháp xử lý đôn đốc thu đạt kết quả.

 

- Đôn đốc thu nộp kịp thời các khoản thuế, phí phát sinh theo kê khai theo tháng, quý của doanh nghiệp, số thuế lập bộ đối với hộ kinh doanh, các khoản thu từ đất như tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không để phát sinh nợ mới.

 

- Nắm bắt thông tin về các doanh nghiệp còn nợ thuế kịp thời, chính xác và kiên quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu thuế nợ theo quy định của pháp luật.

 

- Thông báo và đôn đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nộp đầy đủ thuế, phí; Tăng cường quản lý thu thuế xăng dầu thông qua biện pháp kẹp chì và ghi chỉ số công tơ để quản lý sản lượng xăng dầu tiêu thụ hàng tháng của doanh nghiệp.

 

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ về pháp luật thuế cho người nộp thuế nhất là các chính sách mới. Tập huấn chính sách thuế mới và hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế cho người nộp thuế.

 

- Phối hợp thường xuyên với cơ quan thông tin truyền thông của địa phương và trên trang web của Cục Thuế tuyên truyền về pháp luật thuế, công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các doanh nghiệp chây ỳ, có số nợ thuế lớn, kéo dài; các doanh nghiệp đã bị cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu nợ thuế nhưng chưa thu được tiền thuế nợ theo quy định của pháp luật.

 

- Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan trong công tác quản lý thu thuế, phí, trao đổi thông tin và xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản, xây dưng cơ bản…

 

* Đối với các ngành, địa phương.

 

- Các ngành, các cấp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thanh toán các khoản vốn đầu tư còn nợ đọng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo được nguồn thu lớn NSNN.

 

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với cơ quan thuế trong việc đôn đốc các khoản nợ tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không chấp hành nộp sẽ xem xét việc thu giấy phép khai thác, hoặc chấm dứt hợp đồng thuê đất, thu hồi đất.

 

- Sở Công Thương: Phối hợp các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là việc vận chuyển tiêu thụ khoáng sản, ngăn ngừa những hành vi kinh doanh trái pháp luật; tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường kinh doanh. Phối hợp với cơ quan thuế đôn đốc, theo dõi và xử lý vi phạm trong việc thực hiện nộp thuế của các doanh nghiệp khai khoáng.

 

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương  để tháo gỡ vướng mắc tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp cơ cấu, sắp xếp lại để sớm ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường kiểm tra xử lý doanh nghiệp vi phạm, không chấp hành đúng luật doanh nghiệp, pháp luật thuế. Phối hợp với cơ quan thuế trong thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi Giấy CNĐKDN, Giấy phép hoạt động. Rà soát các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn để bố trí nguồn vốn hợp lý; phối hợp trao đổi cung cấp thông tin về các nguồn vốn với cơ quan thuế để thuận lợi trong quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động XDCB.

 

- Kho bạc Nhà nước tỉnh: Phối hợp và chỉ đạo Kho bạc các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan thuế đôn đốc thu nộp thuế trước khi thanh toán vốn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XDCB.

 

- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh: Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin về tài khoản và nội dung giao dịch qua các tài khoản của doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan thuế. Phối hợp với cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế mở tại các Ngân hàng thương mại và phong tỏa tài khoản theo Quyết định cưỡng chế thu nợ thuế và lệnh thu NSNN của Cơ quan thuế. 

 

- Phối hợp với cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế mở tại các Ngân hàng thương mại và phong tỏa tài khoản theo Quyết định cưỡng chế thu nợ thuế và lệnh thu NSNN của Cơ quan thuế.

 

- Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án: Tập trung giải ngân vốn xây dựng cơ bản kịp thời, ưu tiên trả nợ cho các DN có công trình, dự án hoàn thành, nghiệm thu quyết toán nhưng còn nợ thuế lớn. Phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin về danh mục công trình, nguồn vốn, thời gian thanh toán đối với các doanh nghiệp xây dựng và phối hợp thực hiện Quyết định cưỡng chế thu nợ thuế theo quy định của pháp luật thuế.

 

b. Việc các Ngân hàng cho các doanh nghiệp tư nhân vay với số tiền lớn hơn so với tài sản thế chấp, nay doanh nghiệp tư nhân không có khả năng thanh toán trả nợ (như: món vay của ông Nguyễn Minh Đắc, tổ 4, phường Sông Cầu tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ngân hàng xử lý như thế nào để thu hồi tiền cho nhà nước; nếu gây thất thoát tiền vốn này thì ai là người chịu trách nhiệm?

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Ngân hàng thương mại là một loại hình tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, tuân theo Luật Các tổ chức tín dụng và các Luật khác có liên quan. Quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại được quy định tại Khoản 1, Điều 7, Luật Các tổ chức tín dụng: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

 

Trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại, việc thực hiện các quy định về bảo đảm đối với khoản vay được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 15 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng:

 

“1. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận. Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan.

 

2. Tổ chức tín dụng quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay”.

 

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, việc cho vay có tài sản bảo đảm hay không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo một phần là do các Ngân hàng thương mại tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Việc cho vay không thu được nợ, khách hàng không có khả năng thanh toán nợ, ngân hàng thương mại căn cứ vào nguyên nhân khách quan (thiên tai, địch họa, dịch bệnh, bão lũ...) hay nguyên nhân chủ quan (từ phía khách hàng hoặc từ phía ngân hàng) để xử lý trách nhiệm.

 

Trong trường hợp không thu được nợ từ khách hàng thì Ngân hàng thương mại sẽ tiến hành các biện pháp như: Khởi kiện khách hàng ra tòa án để yêu cầu khách hàng dùng các nguồn thu nhập hợp pháp khác thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc phát mại tài sản bảo đảm của khách hàng để thu hồi vốn vay, hoặc sử dụng quỹ dự phòng rủi ro đã trích theo quy định để bù đắp, hoặc yêu cầu cá nhân bồi thường thiệt hại nếu nguyên nhân do chủ quan của cá nhân gây ra.

 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, tại đơn vị không có khách hàng Nguyễn Minh Đắc; địa chỉ: tổ 4, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn.

 

c. Tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 15/2017/NQ-HĐND về tăng cường hiệu quả thực hiện chính sách phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; trong đó có giải pháp “Rà soát các dự án trồng rừng và diện tích đất rừng đã giao cho các tổ chức thực hiện để xem xét điều chỉnh quy mô dự án phù hợp khả năng thực hiện của các doanh nghiệp và điều kiện giao đất thực tế của địa phương. Kiên quyết thu hồi quyết định đầu tư các dự án trồng rừng và thu hồi đất đã giao cho doanh nghiệp để thực hiện dự án nhưng quá 02 năm chưa triển khai thực hiện nhằm đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả”. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp được cấp GCN đầu tư trồng rừng nhưng không thực hiện hoặc triển khai cầm chừng gây lãng phí tài nguyên đất và rừng tại các xã như: Cao Tân, An Thắng, Xuân La (huyện Pác Nặm); Bằng Vân, Cốc Đán (huyện Ngân Sơn); Hòa Mục, Tân Sơn, Cao Kỳ (huyện Chợ Mới). UBND tỉnh đã có chế tài gì để buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đúng cam kết khi xin đầu tư trồng rừng?

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến rà soát tình hình hoạt động của các dự án đầu tư trồng rừng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tiến hành đánh giá hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng; với những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng nhưng hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, cơ quan chức năng đã ban hành Quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, trong năm 2017 đã có 03 Quyết định chấm dứt hoạt động các dự án, cụ thể:

 

- Dự án trồng rừng và chăm sóc rừng tại huyện Chợ Mới của Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Đa Phương;

 

- Dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu tập trung tại xã Mỹ Phương và xã Chu Hương huyện Ba Bể của Công ty TNHH một thành viên XNK Thành Đạt Bắc Kạn;

 

- Dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu tập trung tại huyện Ba Bể, Na Rỳ, tỉnh Bắc Kạn của Công ty TNHH một thành viên Phát triển nông nghiệp nông thôn Miền núi;

 

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi rà soát và đánh giá tình hình hoạt động của các Dự án; đối với những Doanh nghiệp đã được cấp GCN đầu tư trồng rừng nhưng không thực hiện hoặc triển khai cầm chừng gây lãng phí tài nguyên đất, UBND tỉnh sẽ thu hồi dự án theo quy định.

 

13. Cử tri Nguyễn Văn Thành, tổ 12, phường Sông Cầu đề nghị:

 

- Quan tâm chú trọng đầu tư khai thác du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh, trong đó nghiên cứu liên kết đầu tư theo chuỗi từ Tân Trào - Định Hoá, Chợ Đồn, Hồ Ba Bể, Nà Tu, Chùa Bắc Kạn để đảm bảo phát huy có hiệu quả tiềm năng du lịch.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư khai thác và phát triển một số loại sản phẩm du lịch chính như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, du lịch về nguồn, du lịch văn hóa tâm linh...Song song với việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, các dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, khai thác chương trình du lịch về nguồn, về các điểm di tích lịch sử cách mạng như ATK Chợ Đồn, Đèo Giàng, Phủ Thông.      

 

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hướng dẫn các Công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh nghiên cứu liên kết đầu tư theo chuỗi từ Tân Trào - Định Hóa, Chợ Đồn, Hồ Ba Bể, Nà Tu, Chùa Bắc Kạn để đảm bảo phát huy có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh.

 

  - Bổ sung vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khu vực vườn hoa, cây xanh tại thành phố Bắc Kạn.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND thành phố Bắc Kạn nghiên cứu, tham mưu bổ sung quy hoạch khu vực vườn hoa cây xanh tại thành phố Bắc Kạn.