Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cơ quan chức năng trả lời kiến nghị cử tri huyện Pác Nặm trước kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa IX

( Cập nhật lúc: 20/10/2017  )

 

1. Cử tri Triệu Văn Đô, thôn Nà Lại, xã Bằng Thành đề nghị tỉnh xem xét, có chế độ hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho cán bộ thú y xã như các chức danh không chuyên trách khác, vì hiện nay xã được giao quản lý đối tượng này nhưng không có chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Căn cứ khoản 2, Điều 5, Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y, nhân viên thú y xã được hưởng phụ cấp và chế độ bảo hiểm y tế theo quy định. Do địa phương chưa tổng hợp nhu cầu, xây dựng dự toán về chế độ bảo hiểm cho cán bộ thú y xã trình Sở Tài chính thẩm định báo cáo cấp có thẩm quyền xét duyệt. Để đảm bảo mối tương quan giữa các đối tượng, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Pác Nặm nghiên cứu, xây dựng dự toán kính phí gửi Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu và trình UBND tỉnh cấp kinh phí cho các đơn vị để hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định.

 

2. Cử tri Nông Xuân Hoàn, Bí thư Chi bộ thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan phản ánh: Trong thời gian vừa qua, một số tiểu thương trong và ngoài tỉnh khi buôn bán tại chợ trâu, bò xã Nghiên Loan mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng vẫn bị Đội liên ngành Công an kinh tế tỉnh xử phạt mà không ghi biên lai thu tiền. Cụ thể: Ngày 25/7/2017, anh Đào Văn Mài (quê quán ở tỉnh Cao Bằng) đến chợ để mua trâu, bò, anh Mài mua 06 con trâu đã có giấy tờ kiểm dịch của Trạm Thú y huyện Pác Nặm nhưng vẫn bị xử phạt 2.000.000 đồng. Đề nghị cho biết Đội liên ngành Công an kinh tế tỉnh xử phạt mà không ghi biên lai có đúng hay không? Nếu có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi bất chính thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Về nội dung của cử tri phản ánh, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan xác minh, làm rõ, báo cáo kết quả giải quyết và thông báo cho cử tri.

 

3. Cử tri Lê Văn Cừ, thôn Pác Giả, xã Nghiên Loan phản ánh: Hiện nay, tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên tuyến đường 258B còn diễn ra phổ biến, chưa được xử lý triệt để. Đề nghị cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ như đã nêu.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Tuyến ĐT.258B được UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải quản lý. Các lực lượng Tuần đường Hạt quản lý đường bộ 7 thuộc Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông Bắc Kạn và Tuần kiểm thuộc Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ Bắc Kạn đã trực tiếp tuần ra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn tuyến.

 

Sở Giao thông Vận tải thường xuyên chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ kết cầu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến đường được giao quản lý.

 

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

4. Cử tri Đặng Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan phản ánh: tại Thông tư số 02/2014/TT-BGDĐT ngày 08/02/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia có quy định điều kiện để công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia như: Diện tích sử dụng đất bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ đối với khu vực nông thôn và miền núi; Phòng sinh hoạt chung: Đảm bảo 1,5 - 1,8mcho một trẻ...việc quy định như vậy là chưa phù hợp đối với các trường mầm non ở khu vực miền núi do diện tích xây dựng hạn hẹp. Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉnh sửa cho phù hợp.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


a. Đối với diện tích sử dụng bình quân cho 1 trẻ:


Tại khoản 3, Điều 9 Thông tư số 02/2014/TT-BGDĐT ngày 08/02/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định: “Yêu cầu về thiết kế, xây dựng: Diện tích mặt bằng sử dụng của trường mầm non bình quân tối thiểu cho một trẻ theo quy định tại Điều lệ trường mầm non”.

 

Theo khoản 3, Điều 27 Điều lệ trường mầm non (Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BGDĐT ngày 24/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì “Diện tích khu đất xây dựng nhà trường, nhà trẻ gồm: Diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi. Diện tích sử dụng đất bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ đối với khu vực đồng bằng, trung du; 8m2 cho một trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã và núi cao. Đối với nơi khó khăn về đất đai, có thể thay thế diện tích sử dụng đất bằng diện tích sàn xây dựng và bảo đảm đủ diện tích theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm lập đề án báo cáo việc sử dụng diện tích thay thế và phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt”.

 

Như vậy, đối với tỉnh Bắc Kạn trong quá trình xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia diện tích sử dụng bình quân tối thiểu cho một trẻ được tính là 8 m2 (Bao gồm: Diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi; nếu trường nào có điểm trường thì cộng thêm diện tích của các điểm trường chia cho số học sinh toàn trường để tính diện tích bình quân cho một trẻ).

 

b. Đối với phòng sinh hoạt chung:


Tại khoản 4, Điều 9 Thông tư số 02/2014/TT-BGDĐT ngày 08/02/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định: “Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo: Phòng sinh hoạt chung: đảm bảo diện tích trung bình cho một trẻ theo quy định tại Điều lệ trường mầm non”.

 

Theo khoản 1, Điều 28 Điều lệ trường mầm non (Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BGDĐT ngày 24/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định: “Phòng sinh hoạt chung:Đảm bảo 1,5 - 1,8m2 cho một trẻ; đủ ánh sáng tự nhiên và thoáng; nền nhà láng xi măng, lát gạch màu sáng hoặc gỗ. Được phép sử dụng phòng sinh hoạt chung làm nơi ăn, ngủ cho trẻ mẫu giáo. Phòng sinh hoạt chung có các thiết bị sau: Bàn, ghế của trẻ đúng quy cách và đủ cho số trẻ trong lớp; Bàn, ghế, bảng cho giáo viên; Hệ thống tủ, kệ, giá đựng đồ chơi, đồ dùng, tài liệu; Hệ thống đèn, hệ thống quạt”.

 

Điều lệ trường mầm non cũng quy định số trẻ tối đa đối với một nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ/1 nhóm; Lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi: 25 trẻ/1 lớp.

 

Như vậy việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định phòng sinh hoạt chung phải đảm bảo 1,5-1,8 m2 cho một trẻ là phù hợp. Nếu không đủ diện tích trên thì việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ không đảm bảo, nguy cơ mất an toàn cao, việc phòng và chống các dịch bệnh sẽ rất khó khăn tại trường mầm non.

 

5. Cử tri Lục Văn Ban, thôn Bản Khúa, xã Bằng Thành đề nghị ngành điện lực trong quá trình chặt cây, phát quang hành lang an toàn lưới điện tại các thôn trên địa bàn xã cần thống kê đền bù để tránh thiệt thòi cho người dân.

 

Trả lời: UBND tỉnh trả lời tại Văn bản số 374/BC-UBND ngày 11/10/2017, như sau:


Qua kiểm tra hồ sơ, đoạn đường dây điện cử tri kiến nghị thuộc Dự án năng lượng nông thôn Việt Nam khu vực Miền Bắc giai đoạn 2, cấp điện cho xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm. Toàn bộ cây cối nằm trong hành lang an toàn lưới điện cao áp tại thời điểm hoàn thành công trình đóng điện đưa vào sử dụng đã được đền bù đầy đủ, có biên bản trả tiền đền bù lưu tại Điện lực Pác Nặm.

 

Theo quy định của pháp luật về an toàn điện, thì những cây có khả năng gây mất an toàn cho công trình điện, mà được trồng sau khi công trình điện đã triển khai thực hiện, thì không được đền bù.

 

Để đảm bảo an toàn công trình điện và an toàn cho chính người dân, đề nghị bà con nhân dân lựa chọn cây trồng trong hành lang an toàn lưới điện phù hợp, để vừa có hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo an toàn điện.