Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cơ quan chức năng trả lời kiến nghị cử tri huyện Pác Nặm trước kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa IX

( Cập nhật lúc: 24/07/2019  )

1. Cử tri Chu Đức Vọng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm đề nghị: Đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Bộc Bố - Giáo Hiệu để thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân.

Trả lời:

Dự án Đường cứu hộ, cứu nạn vùng sạt lở, lũ quét huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt tại Quyết định số 451/QĐ-UBND ngày 16/3/2010 với quy mô xây dựng 11,035 km đường cấp IV miền núi, tổng mức đầu tư là 229,97 tỷ đồng. Tuy nhiên do thiếu hụt nguồn vốn, UBND tỉnh đã điều chỉnh phân kỳ đầu tư dự án thành 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng từ Km0+617,47 – Km5+00 và các khối lượng đã thi công đến điểm dừng kỹ thuật; giai đoạn 2 gồm các khối lượng còn lại theo quyết định phê duyệt ban đầu. Giai đoạn 1 của dự án đã được hoàn thành, giai đoạn 2 không bố trí được vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Đến ngày 15/3/2019, UBND tỉnh có văn bản số 1265/UBND-KTTCKT ngày 15/3/2019 về việc dừng thực hiện dự án Đường cứu hộ, cứu nạn vùng sạt lở, lũ quét huyện Pác Nặm.

Hiện nay, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

2. Cử tri Hoàng Văn Thức, Chủ tịch UBMTTQVN xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm đề nghị: Đầu tư lắp hệ thống điện lưới quốc gia cho các thôn và một số khu dân cư trên địa bàn xã hiện nay chưa có điện.

Trả lời:

Đối với kiến nghị cử tri, các thôn Khuổi Mạn, Phia Đăm, Nà Cà, Khuổi Luông và Khuổi Khỉ thuộc xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm đã có trong danh sách dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020 kèm theo Quyết định số 3131/QĐ-BCT ngày 27/7/2016 của Bộ Công Thương. Khi dự án được Trung ương cấp vốn, tỉnh sẽ khẩn trương triển khai thực hiện.

3. Cử tri Dương Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Bộc Bố, huyện Pác Nặm phản ánh: Hiện nay việc mua sắm tập trung gây khó khăn, bị động cho cơ sở, như việc mua sắm bàn ghế học sinh, máy tính…phải chờ rất lâu, không đảm bảo kịp thời có bàn ghế cho học sinh sử dụng ngay từ đầu năm học hoặc không có máy tính để làm việc. Đề nghị xem xét cho các cơ sở, tổ chức chủ động quyết định việc mua sắm tập trung đối với các thiết bị dưới 50.000.000 đồng để kịp thời phục vụ các hoạt động của nhà trường.

Trả lời: Với đề nghị xem xét cho các cơ sở, tổ chức chủ động quyết định việc mua sắm tập trung đối với các thiết bị dưới 50.000.000 đồng để kịp thời phục vụ các hoạt động của nhà trường: Tổ chức thực hiện việc mua sắm tập trung được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Chương VI, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Tại khoản 3 Điều 31, Luật Quản lý sử dụng tài sản công quy định “Phương thức mua sắm tập trung được áp dụng bắt buộc đối với tài sản thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu”. Như vậy không có quy định về số lượng hoặc mức giá thuộc danh mục mua sắm tập trung từ bao nhiêu thì phải đăng ký mua sắm tập trung, do đó trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung thì phải lập kế hoạch mua sắm theo quy định.

- Với ý kiến về việc thực hiện mua sắm tập trung phải chờ lâu, không đảm bảo kịp thời: Khoản 1, Điều 74, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định: “Căn cứ văn bản phân bổ dự toán của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lập kế hoạch đăng ký mua sắm tập trung, gửi cơ quan quản lý cấp trên (sau đây gọi là đầu mối đăng ký mua sắm tập trung) để tổng hợp gửi đơn vị mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh trước ngày 31/01 hàng năm”.

Trong thời gian qua các đơn vị gửi đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung về đơn vị mua sắm tập trung không đúng hạn theo quy định nêu trên dẫn đến việc triển khai mua sắm tập trung bị chậm tiến độ. Để đảm bảo tiến độ mua sắm tập trung đáp ứng nhu cầu của các đơn vị, Sở Tài chính sẽ chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị mua sắm tập trung triển khai thực hiện việc mua sắm tập trung theo đúng quy định, đồng thời để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập trung đề nghị đơn vị chủ động thực hiện đăng ký gửi UBND huyện tổng hợp để gửi đơn vị mua sắm tập trung trước 31/01 hằng năm. Trong quá trình thực hiện, trường hợp trong năm có phát sinh nhu cầu mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung đề nghị đăng ký kịp thời gửi về UBND huyện để tổng hợp gửi đơn vị mua sắm tập trung theo quy định. Trong trường hợp phát sinh nhu cầu mua sắm dưới 130%, đơn vị mua sắm tập trung căn cứ hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và thỏa thuận khung đã ký kết để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh cho phép ký kết phụ lục thỏa thuận khung để thực hiện theo giá đã được ký kết.