1. Cử tri Hoàng Hữu Đức, UB MTTQVN xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới phản ánh: Tuyến đường tỉnh lộ 259: Đoạn từ Km12+220 đến Km13 +360 có 02 cống thoát nước của đường tỉnh lộ 259 chảy ra mương thủy lợi. Khi mưa to, nước, đất, đá, rác làm tắc mương và tràn xuống ruộng của nhân dân làm vùi lấp diện tích ruộng của nhân dân. Đề nghị xem xét, khắc phục.
Trả lời:
Tiếp nhận phản ánh của cử tri, Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường, tại lý trình Km13+220 và Km13+360/ĐT.259 có 02 cống thoát nước ngang, hạ lưu cống là mương thủy lợi khi trời mưa nước chảy tràn qua mương thủy lợi kèm theo rác thải chảy xuống ruộng. Để giải quyết tình trạng này đoàn kiểm tra đã thống nhất phương án xử lý như sau: Lắp đặt lưới chắn rác tại hố thu thượng lưu cống, xây nâng cao thành ngoài mương thủy lợi. Sau khi cân đối được nguồn kinh phí, Sở Giao thông Vận tải sẽ triển khai thực hiện.
2. Cử tri Ma Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Cư, huyện Chợ Mới đề nghị: Giải quyết dứt điểm việc bàn giao khu đất Vườn ươm thôn Đon Nhậu, xã Yên cư.
Trả lời:
Ngày 12/9/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1602/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý một số cơ sở nhà, đất Vườn ươm và cơ sở nhà, đất Trại giống cây trồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (trong đó có Vườn ươm Đon nhậu, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới). Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục để sớm điều chuyển Vườn ươm Đon nhậu, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới về địa phương quản lý theo phương án đã được phê duyệt tại Quyết định nêu trên.
3. Cử tri Khau Văn Quyết, Chủ tịch UBMTTQVN xã Yên Đĩnh: Hoàng Hữu Đức, UB MTTQVN xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới phản ánh: Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh tại Kế hoạch số 391/KH-UBND ngày 04/7/2019 của UBND tỉnh là chưa hợp lý vì nhiều cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Tày đã biết tiếng Tày và sinh sống, làm việc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đề nghị xem xét, điều chỉnh lại đối tượng cho phù hợp.
Trả lời:
Kế hoạch số 391/KH-UBND ngày 04/7/2019 của UBND tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 về việc phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số, tiếng dân tộc thiểu số theo nội dung Đề án” gồm: Đối tượng, phạm vi, mục tiêu, chương trình, hình thức… Với mục tiêu chung là nhằm nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc; kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân tộc, góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Trên cơ sở Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 391/KH-UBND ngày 04/7/2019 với nội dung chương trình bồi dưỡng nhằm mục tiêu cập nhật, nâng cao kiến thức về dân tộc thiểu số và kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số (không nhằm mục tiêu đào tạo, cấp chứng chỉ về tiếng dân tộc thiểu số). Do vậy, đối tượng bồi dưỡng tại Kế hoạch số 391/KH-UBND ngày 04/7/2019 của UBND tỉnh phù hợp với mục tiêu và nội dung của Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Cử tri Ma Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Cư; Phạm Minh Hải, Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Hân, huyện Chợ Mới phản ánh: Ngày 26/9/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1505/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án kiên cố hoá trường lớp học mầm non giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Yên Cư và xã Yên Hân trường mầm non chưa được xây dựng theo quyết định nêu trên. Đề nghị xem xét, triển khai thực hiện.
Trả lời:
Dự án kiên cố hoá trường lớp học mầm non, tiểu học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa huyện Chợ Mới được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 26/9/2017 (trong đó có các hạng mục đầu tư xây dựng các trường mầm non tại xã Yên Cư và xã Yên Hân.
Dự án kiên cố hoá trường lớp học mầm non giai đoạn 2016 – 2020 đã được UBND tỉnh giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2019 tại Quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 30/01/2019. Hiện nay, Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) đang thực hiện các thủ tục trình thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công – dự toán, dự kiến dự án khởi công trong tháng 11/2019.
5. Cử tri Ma Quang Đại, Chủ tịch UBMTTQVN xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới phản ánh một số vướng mắc trong quá trình thi công tuyến đường quốc lộ 3 mới như:
- Một số điểm cống trên địa bàn xã Quảng Chu khi trời mưa nước tập trung chảy vào cống và thoát ra đất nông nghiệp của người dân gây ảnh hưởng đến sản xuất và canh tác. Đề nghị có giải pháp khắc phục.
- Trong thời gian thi công tuyến đường quốc lộ 3 mới từ năm 2015 đến năm 2017, đơn vị thi công đã làm ảnh hưởng đến đập Nà Choọng, xã Quảng Chu. Do đó, đập không cung cấp được nước cho sản xuất nông nghiệp. Đề nghị xem xét hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2015-2017.
- Cống chui đường dân sinh vào xã Quảng Chu đoạn trên cây xăng Huấn Hoà 150m thiết kế thấp hơn hai bên đường nên khi trời mưa nước bị ứ đọng người dân không đi lại được. Đề nghị xem xét, khắc phục.
Trả lời: Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã đề nghị Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới xem xét trả lời và giải quyết, tuy nhiên hiện nay Công ty chưa có văn bản trả lời. Khi có văn bản trả lời của Công ty, UBND tỉnh sẽ thông tin tới cử tri được biết.
6. Cử tri xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới đề nghị xem xét công nhận hồ Minh Tân là di tích lịch sử và dựng Bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh, đồng thời cử tri đề nghị xác định lại danh tính các liệt sĩ trên, vì trong quá trình di chuyển hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông đã không ghi tên mà là Bia liệt sĩ vô danh.
Trả lời:
- Về việc xem xét công nhận hồ Minh Tân là di tích lịch sử: Căn cứ Quyết định số 1036/QĐ-UBND ngày 08/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, năm 2013, trong danh mục kiểm kê được phê duyệt không có di tích lịch sử hồ Minh Tân.
Theo quy định tại khoản 14, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (bổ sung khoản 4, Điều 33, Luật Di sản văn hóa) quy định “ít nhất 5 năm một lần, UBND tỉnh tổ chức rà soát và quyết định đưa ra khỏi danh mục kiểm kê di tích của địa phương....”. Tiếp nhận ý kiến cử tri, trong thời gian tới, khi được bố trí kinh phí thực hiện rà soát, kiểm kê các di tích trên địa bàn tỉnh (theo định kỳ 5 năm 1 lần), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức khảo sát, kiểm kê di tích, nếu hồ Minh Tân, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới đáp ứng được các tiêu chí theo quy định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích theo thẩm quyền để kịp thời trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
- Về dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại hồ Minh Tân:
Theo quy định hiện nay các công trình ghi công liệt sĩ không có loại công trình Bia tưởng niệm liệt sĩ. Việc xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ như Đài tưởng niệm liệt sĩ hoặc Nhà bia ghi tên liệt sĩ để đáp ứng nhu cầu thăm viếng của người dân, ghi nhận, tôn vinh công lao của những người đã hy sinh vì tổ quốc và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau là yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ phải phù hợp với quy hoạch của địa phương, đồng thời phải bố trí được mặt bằng để xây dựng và nguồn kinh phí để thực hiện.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND huyện Chợ Mới, xã Thanh Vận xem xét quy hoạch của địa phương, quỹ đất và khả năng bố trí kinh phí để thực hiện.
- Về xác định lại danh tính các liệt sĩ Thanh niên xung phong tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn:
Tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn có 13 mộ liệt sĩ TNXP được quy tập từ năm 1989 đều xác định được danh tính nhưng trong quá trình an táng đã làm mất thông tin. Theo đề nghị của thân nhân liệt sĩ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã xin ý kiến Cục Người có công về việc lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN xác định danh tính cho các liệt sĩ nêu trên.
Ngày 28/8/2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch số 1827/KH-LĐTBXH về lấy mẫu sinh phẩm phục vụ xác định ADN đối với 14 ngôi mộ liệt sĩ chưa biết thông tin hiện đang an táng tại khu C, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn, dự kiến tổ chức lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ vào tháng 10/2019. Khi có kết quả giám định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ.