1. Cử tri Nguyễn Đình Huy, xã Bình Văn, huyện Chợ Mới đề nghị:
- Đầu tư nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 256, đoạn từ xã Như Cố đi qua các xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư, hiện nay tuyến đường xuống cấp, đặc biệt là đoạn đèo Bình Văn.
- Đề nghị cung cấp danh sách và hồ sơ liên quan của các hộ dân đã được đền bù liên quan đến hành lang giao thông tại xã Bình Văn.
Trả lời:
Đối với kiến nghị thứ nhất: Sở Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch cải tạo, sửa chữa trong năm 2019 bằng nguồn quỹ bảo trì đường bộ, cụ thể là sửa chữa nền, mặt đường và hệ thống thoát nước đoạn Km14+600 - Km21+256/ĐT256. Đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư tại Công văn số 1924/UBND-KTTCKT ngày 17/4/2019. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang tiến hành thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng.
- Đối với kiến nghị thứ hai: Các công trình sửa chữa định kỳ hằng năm trên các tuyến đường tỉnh nói chung và tuyến đường tỉnh 256 đoạn qua xã Bình Văn nói riêng đều sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, nguồn quỹ bảo trì đường bộ nên không có nội dung đền bù giải phóng mặt bằng. Do vậy, Sở Giao thông vận tải trả lời cử tri được biết.
2. Cử tri Hoàng Thị Loan, Thôn Nà Đeo, xã Nông Thịnh, huyện Chợ Mới đề nghị: Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi xem xét sửa chữa kênh mương thôn Nà Đeo, xã Nông Thịnh để đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất cho người dân.
Trả lời:
Tiếp nhận phản ánh của cử tri, Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã lập biên bản kiểm tra và có kế hoạch sửa chữa trong quý IV/2019.
3. Cử tri Hoàng Hữu Đức, Ủy ban MTTQVN xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới phản ánh: Mức giá hỗ trợ cho các hộ dân chăn nuôi có lợn bị dịch tả Châu Phi như hiện nay còn thấp, chưa bằng mức giá của thị trường. Đề nghị nâng mức hỗ trợ bằng hoặc cao hơn mức giá của thị trường để tránh tình trạng lợn bị dịch bệnh nhưng người dân vẫn giết mổ để bán ra thị trường gây khó khăn cho công tác dập dịch và kiểm soát dịch bệnh.
4. Cử tri Hà Văn Khanh, Ủy ban MTTQVN xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới phản ánh: Hiện nay, việc tính hỗ trợ cho các hộ dân chăn nuôi lợn bị dịch tả Châu Phi là căn cứ giá lợn trên thị trường theo từng thời điểm là không hợp lý. Đề nghị xem xét quy định một mức giá chung làm cơ sở để tính hỗ trợ cho người dân.
Trả lời:
Đối với các kiến nghị nêu tại mục 3, 4: Từ ngày 26/6/2019 trở về trước, căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07/3/2019 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2019, tỉnh đã có Công văn số 2750/UBND-KTTCKT ngày 23/5/2019, trong đó quy định mức hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy căn cứ theo giá lợn trên thị trường ở từng thời điểm:
- Đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với mức 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra.
- Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức 1,7 lần so với mức hỗ trợ lợn thịt tại thời điểm có dịch bệnh.
Giá lợn trên thị trường để làm căn cứ xác định hỗ trợ cho chủ vật nuôi nói trên được Sở Tài chính tổng hợp dựa trên thông báo giá lợn theo từng thời điểm do UBND các huyện, thành phố gửi đến.
Như vậy, việc hỗ trợ cho người dân từ ngày 26/6/2019 trở về trước theo định mức và giá thị trường ở từng thời điểm nêu trên được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngày 27/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 793/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trong đó nêu rõ, từ ngày 27/6/2019 đến ngày 31/12/2019, thực hiện hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy với mức hỗ trợ cụ thể, không còn phụ thuộc vào giá lợn trên thị trường theo từng thời điểm:
- Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi.
- Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi.
Mức hỗ trợ trên được thực hiện thống nhất trên cả nước, đồng thời, Trung ương cũng không quy định cho tỉnh chi trả cao hơn mức hỗ trợ tại Quyết định số 793/QĐ-TTg. Do đó, tỉnh cũng không có cơ sở bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh để nâng mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy bằng hoặc cao hơn mức giá của thị trường.
5. Cử tri Nông Đình Kiểm, Uỷ ban MTTQVN xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới phản ánh: Hiện nay tại địa phương số hộ có rừng tự nhiên là rất lớn và đã được giao khoán bảo vệ để hạn chế việc phá hoại rừng, nhưng đến nay chưa nhận được hỗ trợ của nhà nước. Đề nghị xem xét cấp kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân đã nhận giao khoán bảo vệ, chăm sóc rừng.
Trả lời:
Thực hiện Dự án bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011-2020 (nay đổi tên là Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2020), UBND các huyện đã tổ chức triển khai thực hiện các nội dung được phê duyệt của Dự án, trong đó có chỉ tiêu giao khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng.
Giai đoạn 2014-2018, huyện Chợ Mới có diện tích giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ 30.447,06 ha, trong đó: Giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ 28.026,01 ha; Khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên phòng hộ 2.421,05 ha. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản lý CTMTPTLNBV huyện Chợ Mới thì xã Thanh Mai không có diện tích rừng tự nhiên phòng hộ. Do vậy, giai đoạn 2014-2018 không thực hiện việc giao khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên phòng hộ tại xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới.
Tại Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới không có diện tích rừng tự nhiên phòng hộ, chỉ có diện tích rừng tự nhiên sản xuất. Vì vậy xã Thanh Mai không có chỉ tiêu giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng năm 2019.
Thực tế hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Chợ Mới nói riêng, số diện tích rừng cần giao khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên là rất lớn, nhưng do nguồn kinh phí hàng năm được Nhà nước cấp hạn chế, chỉ đáp ứng được một phần diện tích để giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với những diện tích rừng tự nhiên sản xuất chưa có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho người dân tham gia bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng.
Để hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên là rừng sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh được giao cho các hộ gia đình, cá nhân, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ gạo từ nguồn Dự trữ Quốc gia để hỗ trợ người dân ở các thôn đặc biệt khó khăn tại các xã, phường, thị trấn khu vực II, khu vực III tự nguyện tham gia bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất (tại Quyết định số 210/QĐ-UBND ngày 31/01/2019) và xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc hỗ trợ gạo từ nguồn Dự trữ Quốc gia để hỗ trợ người dân ở các thôn đặc biệt khó khăn tại các xã, phường, thị trấn khu vực II, khu vực III tự nguyện tham gia bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thì Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện.
6. Cử tri Triệu Văn Liều, Bí thư chi bộ thôn Nà Quang, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới phản ánh: Từ năm 2015 - 2018, người dân thôn được hỗ trợ kinh phí khi tham gia thực hiện Dự án khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn. Năm 2019 còn tiếp tục thực hiện Dự án khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn nữa không?
Trả lời:
Ngày 22/02/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 303/QĐ-UBND về việc cấp kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2019, trong đó UBND huyện Chợ Mới được cấp kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2019 (kinh phí khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên) để thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ với tổng diện tích theo kế hoạch giao là 6.600 ha, tương ứng với số tiền đã được cấp là 3.115,20 triệu đồng.
Để triển khai kế hoạch Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2019 (giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ) được kịp thời, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các Ban quản lý CTMTPTLNBV cơ sở chủ động rà soát diện tích, trạng thái, tiêu chí rừng tự nhiên cần giao khoán bảo vệ thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để tiến hành các bước lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật đảm bảo theo đúng quy định. Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ theo quy định sẽ tiếp tục tổ chức giao khoán trong năm 2019.
7. Cử tri Ma Quang Đại, Chủ tịch UBMTTQVN xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới phản ánh trên quốc lộ 3 đi qua địa phận xã Quảng Chu, nhiều đoạn có đường rẽ vào các thôn, xóm nhưng không có biển báo giảm tốc độ. Đề nghị lắp đặt biển báo giảm tốc độ để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông.
Trả lời:
Đối với kiến nghị của cử tri nêu, Ngày 01/7/2019, Sở Giao thông Vận tải đã có Công văn số 897/SGTVT-VP gửi Ban Quản lý dự án 3 và Chi cục Quản lý đường bộ I.4 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam trả lời ý kiến của cử tri. Sau khi có ý kiến, Sở Giao thông Vận tải, UBND tỉnh sẽ tổng hợp, thông tin tới cử tri được biết.
8. Cử tri Nông Văn Thừa, thôn Bản Rả, xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới phản ánh: Anh trai của ông là Nông Văn Tùy trước đây đã được công nhận là liệt sỹ và đã có tên trong Bia tưởng niệm liệt sỹ huyện Chợ Mới và thân nhân đã được hưởng chế độ thờ phúng liệt sỹ, nhưng đến năm 2014 gia đình bị cắt chế độ và không biết lý do bị cắt. Gia đình đã gửi ý kiến đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhưng đến nay chưa được trả lời. Đề nghị cơ quan chức năng xem xét sớm trả lời cho gia đình ông.
Trả lời:
Kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan liên quan từ sau kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa IX (tháng 8/2017). Theo đó, trên cơ sở phối hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong quá trình thẩm định, xác minh trường hợp của ông Nông Văn Tùy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã có các Công văn số: 1046/BCH-PCT ngày 21/5/2018 và số 1433/BCH-CT ngày 10/7/2018 gửi trực tiếp cử tri trả lời nội dung kiến nghị, theo đó:
Sau khi nhận được Công văn số 293/LĐTBXH-NCC ngày 13/3/2017 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ CHQS tỉnh đã tiến hành xem xét, thẩm định các hồ sơ đề nghị cấp giấy báo tử đối với 05 liệt sỹ (trong đó có trường hợp ông Nông Văn Tuỳ), căn cứ các quy định hiện hành thì cả 05 trường hợp đều không có đủ căn cứ để cấp lại giấy bảo tử để đề nghị công nhận liệt sỹ, vì:
- Liệt sỹ không có tên trong danh sách liệt sỹ được lưu trữ, quản lý tại Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn (theo hướng dẫn tại Công văn số 2520/CS-TBLS ngày 28/9/2016 của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị);
- Chưa có đầy đủ các yếu tố như: ngày, tháng, năm nhập ngũ; đơn vị khi hy sinh, nơi hy sinh, trường hợp hy sinh;
- Giấy báo tử không có số, chữ ký của người có thẩm quyền và không đóng dấu của cơ quan, đơn vị cấp giấy bảo tử. Vì vậy, không thể xác định được là quân nhân, công an nhân dân, du kích hay cán bộ dân chính đảng…(theo hướng dẫn tại Công văn số 2520/CS- TBLS ngày 28/9/2016 của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị).
Bộ CHQS tỉnh đã ban hành Công văn số 1721/BCH-PCT ngày 17/10/2017 trả lời Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, bàn giao 05 hồ sơ đề nghị cấp lại giấy báo tử đã nêu ở trên. Đồng thời kiến nghị Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn công tác liên ngành tiến hành xác minh, kết luận cụ thể đối với 05 trường hợp trên (theo Công văn số 3036/NCC-CS1 ngày 28/12/2016 của Cục Người có công - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) để Bộ CHQS tỉnh làm căn cứ xem xét cấp lại giấy báo tử theo quy định.
Trên cơ sở kết luận của Đoàn công tác liên ngành, Ông Nông Văn Tùy chưa đủ điều kiện để cấp lại Giấy báo tử do thiếu thông tin về đơn vị, cấp bậc, nơi hy sinh, trường hợp hy sinh. Xác định đây là trường hợp rất khó khăn trong việc xác minh, Bộ CHQS tỉnh đã có văn bản xin ý kiến của Cục Chính sách – Tổng cục Chính trị.
Trên cơ sở Công văn số 1565/CS-TBLS ngày 15/5/2018 của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trả lời về việc cấp lại Giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công đối với 05 trường hợp liệt sĩ (trong đó có ông Nông Văn Tùy): “05 trường hợp có tên trong văn bản đề nghị của Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn là những trường họp đã được công nhận liệt sĩ hoặc tử sĩ; được hưởng chế độ ưu đãi trước ngày 01/01/1995 nhưng đến nay gia đình các trường hợp này không còn Bằng “Tổ quốc ghi công”; không còn hồ sơ lưu trữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn. Theo quy định tại Điều 13, Thông tư số 16/2014/TT-BLDTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thẩm quyền và trách nhiệm đề nghị cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi. Vì vậy, đề nghị Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn kiểm tra danh sách liệt sĩ lưu trữ tại cơ quan, đơn vị, nếu có đủ căn cứ thì cấp lại Giấy báo tử, chuyển Sở LĐTBXH để giải quyết theo quy định. Trường hợp liệt sĩ không có tên trong danh sách lưu trữ tại Bộ CHQS tỉnh, nhưng biết rõ đơn vị khi hy sinh thì phối hợp với Sở LĐTBXH tỉnh có văn bản gửi cấp Sư đoàn và tương đương trở lên để xem xét, giải quyết. Đối với các trường hợp không rõ cấp bậc, chức vụ, đơn vị...thì không đủ điều kiện để kết luận người hy sinh là quân nhân, nên không thuộc thẩm quyền cấp Giấy báo tử của cơ quan, đơn vị Quân đội”.
Căn cứ nội dung Công văn nêu trên, đối với trường hợp liệt sĩ Nông Văn Tùy, hồ sơ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chuyển cho Bộ CHQS tỉnh đề nghị cấp lại Giấy báo tử không xác định được cấp bậc, đơn vị khi hy sinh, nơi hy sinh, trường hợp hy sinh. Hơn nữa trường hợp liệt sĩ Nông Văn Tùy không có danh sách, hồ sơ lưu trữ tại Bộ CHQS tỉnh.
Để có căn cứ cấp lại Giấy báo tử, tại Công văn trả lời cử tri, Bộ CHQS tỉnh đã đề nghị gia đình tiếp tục thu thập, cung cấp các thông tin còn thiếu như nêu ở trên. Nếu có đủ căn cứ, Bộ CHQS tỉnh sẽ cấp lại Giấy báo tử chuyển Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh để hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.
9. Cử tri Dương Quang Yến, Chủ tịch UBMTTQVN xã Như Cố, huyện Chợ Mới đề nghị: Xem xét điều chỉnh mức phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản, nên giữ nguyên mức phụ cấp như trước đây.
Trả lời:
Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, ngày 17/7/2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND tỉnh (trong đó quy định mức phụ cấp cho chức danh Trưởng ban công tác mặt trận và nhân viên y tế thôn bản), trong quá trình xây dựng Nghị quyết các cơ quan chức năng và HĐND tỉnh đã nghiên cứu, xem xét, cân đối nguồn ngân sách để chi trả cho các đối tượng, tuy nhiên do nguồn ngân sách Trung ương khoán theo Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ và nguồn ngân sách bổ sung của tỉnh còn hạn chế, chỉ đảm bảo việc chi trả mức phụ cấp và phụ cấp kiêm nhiệm như hiện nay. Do đó, đề nghị các cử tri chia sẻ khó khăn với địa phương.
10. Cử tri Vũ Luân, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới phản ánh:
- Thực hiện Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 17/7/2018 của HĐND tỉnh, từ 01/01/2019 các chi hội của các tổ chức được cấp kinh phí hoạt động, riêng chi Hội Khuyến học và chi hội Người Cao tuổi không được cấp kinh phí hoạt động, ảnh hưởng đến việc vận động xây dựng và tổ chức các hoạt động của Hội. Đề nghị xem xét, bố trí cấp kinh phí hoạt động cho chi Hội Khuyến học, chi Hội Người Cao tuổi ở các thôn, bản để các chi Hội có kinh phí hoạt động. Nếu không cấp kinh phí hoạt động, đề nghị giải thích cho cử tri rõ và hướng dẫn tổ chức hoạt động đối với các chi Hội.
- Đề nghị xem xét và chỉ đạo việc thực hiện chi trả chế độ thù lao cho người nghỉ hưu vừa giữ chức danh Chủ tịch Hội Người Cao tuổi vừa giữ chức danh Chủ tịch Hội Khuyến học cấp xã theo Quyết định số 30/QĐ-TTG ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội. Về việc xác định mức phụ cấp của Chủ tịch Hội người Cao tuổi, Sở Nội vụ đã có ý kiến tại Công văn số 500/SNV-XDCQ&CTTN ngày 02/4/2019, nhưng chưa có ý kiến về mức phụ cấp đối với Chủ tịch Hội Khuyến học, những người vừa đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội Người Cao tuổi vừa giữ chức danh Chủ tịch Hội Khuyến học.
Trả lời:
Đối với kiến nghị thứ nhất: Căn cứ tiết c, khoản 5, Điều 1, Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định: “c. Quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương…”. Do đó không có cơ sở để quy định mức khoán cho Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học (theo Điều 9, Hiến pháp năm 2013, Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học không phải là tổ chức chính trị - xã hội (02 hội này chỉ là Tổ chức xã hội)).
Đối với kiến nghị thứ hai: Ngày 01/6/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ các chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội. Ngày 02/01/2013, UBND tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 01/HD-UBND về việc tổ chức; quản lý, sử dụng biên chế; đảm bảo, hỗ trợ kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù và thù lao đối với cấp phó của các hội có tính chất đặc thù, trong nội dung hướng dẫn của UBND tỉnh đã quy định rõ mức thù lao của các đối tượng đã nghỉ hưu mà giữ các chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội đặc thù (trong đó có Chủ tịch Hội người cao tuổi, Chủ tịch Hội khuyến học cấp xã ) có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn thì được hưởng mức thù lao tối đa theo Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (không quá 1,5 lần so với mức lương tối thiểu chung). Do đó, các đối tượng đã nghỉ hưu mà giữ các chức danh lãnh đạo chuyên trách chính thức tại các hội đặc thù thì được hưởng mức phụ cấp là 1,5 lần so với mức lương tối thiểu chung nếu kiêm nhiệm thì được hưởng 60% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm theo Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày ngày 17/7/2018 của HĐND tỉnh.