Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cơ quan chức năng trả lời kiến nghị cử tri huyện Chợ Đồn trước kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa IX

( Cập nhật lúc: 17/07/2018  )

1. Cử tri Hà Thị Mưu, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn kiến nghị: Năm 2015, trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú mở 02 lớp K12, K13 đào tạo hệ trung cấp khuyến nông lâm nghiệp (địa điểm mở tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Đồn), trong đó có một số cán bộ, công chức xã Yên Thịnh tham gia học tập. Hiện nay, các học viên đã được cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp nhưng lại không đủ điều kiện về bằng chuyên môn theo quy định; theo đó, trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú tiếp tục mở lớp chuyển đổi bằng cho học viên (khai giảng tháng 5/2018). Đề nghị cho biết bằng chuyển đổi có giá trị như bằng chuyên môn do các trường khác trong và ngoài tỉnh đào tạo không.

Trả lời: Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tám, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015, theo đó đã có sự thay đổi về loại hình đào tạo và quy định về văn bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, hiện nay Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, chế độ chính sách cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Do vậy, việc chuyển đổi bằng cho học viên từ bằng Trung cấp nghề sang bằng Trung cấp chuyên môn theo Luật giáo dục nghề nghiệp sẽ có hướng dẫn của liên bộ sau.

2. Cử tri Đào Ngọc Thịnh, giám đốc Hợp tác xã Dũng Phúc, thôn Nà Dài, xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn: Đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh trong phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới tạo việc làm ổn định cho các xã viên.

Trả lời: Thực hiện Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã và Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã triển khai các chính sách như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; Chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm; Chính sách tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình, phát triển kinh tế - xã hội; Chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX; Chính sách hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; Chính sách ưu đãi về tín dụng; Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; Chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho cán bộ HTX; Chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí. Các chính sách này sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho hợp tác xã.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn có Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của HĐND tỉnh Bắc Kạn quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020.

3. Cử tri Lường Xuân Hạ, thôn Nà Pját, xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn phản ánh: Ông tham gia công tác thôn Nà Pját và UBND xã Yên Thịnh liên tục từ năm 1997 đến nay, từ chức danh Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Nà Pját đến chức danh chuyên trách dân số - kế hoạch hoá gia đình xã Yên Thịnh. Đề nghị cho biết với thời gian công tác như trên ngoài chế độ phụ cấp hàng tháng thì ông có được hưởng chế độ gì khác không.

Trả lời: Ngày 29/4/2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2014/NQ-HĐND quy định chức danh, số lượng và chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố, tổ nhân dân, tiểu khu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, ngoài chế độ phụ cấp hằng tháng, Nghị quyết còn quy định những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố còn được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế bằng 3% mức lương cơ sở.

4. Cử tri Triệu Tài Hà, thôn Khuổi Lịa, xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn phản ánh: Hiện nay, các hộ nghèo được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất góp phần xoá đói giảm nghèo với mức lãi xuất là 0,65%/tháng. Đề nghị cho biết còn nguồn vốn nào khác cho các hộ nghèo vay vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất của Ngân hàng chính sách xã hội để tạo điều kiện cho người dân vay vốn không?

Trả lời:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn Ngân hàng Chính sách xã hội hiện đang thực hiện 7 chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, cụ thể:

- Cho vay hộ nghèo (theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ): Mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, lãi suất hiện hành 0,55%/tháng.

- Cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ: Mức cho vay tối đa 25 triệu đồng/hộ, lãi suất hiện hành 0,25%/tháng.

- Cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2015-2020: Mức cho vay tối đa: Đối với trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, mức cho vay tối đa 15 triệu đồng/ha; đối với phát triển chăn nuôi, mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, lãi suất hiện hành 0,1%/tháng.

- Cho vay đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ: Mức cho vay tối đa không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ (hiện nay là mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo là 50 triệu đồng/hộ); lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ (hiện nay lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 0,55%/tháng, như vậy lãi suất cho vay đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 33 hiện nay là 0,275%/tháng).

- Cho vay công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004, Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg ngày 03/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ: Mức cho vay tối đa 6 triệu đồng/công trình/hộ, lãi suất 0,75%/tháng.

- Cho vay xuất khẩu lao động theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020: Mức cho vay: Người lao động thuộc các hộ nghèo tại huyện nghèo mức vay theo nhu cầu, tối đa bằng các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo từng thị trường; lãi suất: Người lao động thuộc các hộ nghèo tại huyện nghèo được vay với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động (lãi suất cho vay đối với hộ nghèo hiện hành là 0,55%/tháng, như vậy lãi suất cho vay đối với hộ nghèo thuộc huyện nghèo vay vốn đi xuất khẩu lao động hiện hành là 0,275%/tháng).

- Cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ: Người lao động thuộc hộ nghèo mức vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; lãi suất: Bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo từng thời kỳ do Chính phủ quy định (lãi suất hộ nghèo hiện hành là 0,55%/tháng).

Xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các dân tộc và các nhóm dân cư. Thực hiện chủ trương trên, ngành Ngân hàng, trong đó nòng cốt là Ngân hàng Chính sách xã hội, đã và đang thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện đời sống, nhất là các hộ nghèo ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Cử tri Ma Văn Côn, thôn Bản Cưa, xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn phản ánh: Bà Ma Thị Hợi, thôn Bản Cưa, xã Phong Huân có thẻ BHYT thân nhân công an (con rể là Triệu Văn Định đang công tác tại Trại Tạm giam - Công an tỉnh). Tháng 01/2018, Bà đã trả thẻ BHYT thân nhân công an để được hưởng chế độ thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn. Tuy nhiên, đến nay Công an tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa báo giảm thẻ BHYT nên bà Hợi chưa được hưởng BHYT cho người dân tộc sinh sống ở vùng khó khăn. Đề nghị đơn vị có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Trả lời:

Tháng 01/2018, Công an tỉnh nhận được danh sách đề nghị báo giảm thẻ BHYT của đơn vị Trại tạm giam, trong đó có tên bà Ma Thị Hợi, cư trú tại thôn Bản Cưa, xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn. Tuy nhiên tại thời điểm tiếp nhận danh sách báo giảm của đơn vị Trại tạm giam trùng với thời gian Công an tỉnh đang cấp phát thẻ BHYT cho thân nhân cán bộ chiến sỹ (hơn 2000 thẻ) và tổng hợp danh sách tăng, giảm thẻ BHYT của thân nhân, do số lượng hồ sơ nhiều, lại thực hiện vào dịp cận tết Nguyên đán năm 2018 nên trong quá trình tổng hợp đã sơ suất làm thất lạc hồ sơ đề nghị báo giảm thẻ BHYT của bà Ma Thị Hợi (Công an tỉnh đã kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ để xảy ra sự việc trên theo quy định). Ngày 29/6/2018, Công an tỉnh Bắc Kạn đã lập danh sách điều chỉnh giảm thẻ BHYT trường hợp bà Ma Thị Hợi gửi BHXH tỉnh để thực hiện giảm thẻ theo quy định. Ngày 09/7/2018, BHXH huyện Chợ Đồn đã nhận được Danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho Bà Ma Thị Hợi theo đối tượng người dân tộc thiểu số do UBND xã Phong Huân chuyển đến và đã thực hiện cấp thẻ BHYT cho bà Ma Thị Hợi theo quy định.