1. Cử tri Hoàng Thị Hoa, thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn; Đinh Thị Tuyết, Tổ trưởng Tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Hiện nay, do số lượng vắc xin phòng dại trên địa bàn tỉnh có hạn nên khi bị chó dại cắn, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên tiêm vắc xin phòng dại, còn người dân không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo phải đi các tỉnh khác (tỉnh Thái Nguyên) để tiêm vắc xin phòng dại. Đề nghị xem xét, khắc phục.
Trả lời:
Ý kiến cử tri nêu là đúng thực tế. Hiện nay, nguồn cung ứng vắc xin dại vẫn rất khó khăn đối với một số địa phương trong đó có tỉnh Bắc Kạn do phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu (sau khi nhập khẩu cũng phải có thời gian chờ kết quả kiểm định đạt yêu cầu thì mới phân phối, cung ứng cho khách hàng). Mặt khác, vắc xin dại được ưu tiên phân phối trước cho các tỉnh, thành phố làm đại lý chính thức cho nhà cung ứng vắc xin (Phòng tiêm SAFPO). Tỉnh Bắc Kạn chưa đủ điều kiện thành lập Phòng tiêm SAFPO nên thiếu hụt vắc xin.
Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn chủ động liên hệ trực tiếp với các nhà cung ứng vắc xin dại để mua vắc xin phục vụ nhân dân, tuy nhiên chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ số liều vắc xin dại so với nhu cầu ngày càng tăng (trong 10 tháng đầu năm 2019 tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận 2.254 trường hợp đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại, trong đó 01 trường hợp tử vong do không được tiêm phòng).
Hiện nay số liều vắc xin dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn rất ít, đơn vị ưu tiên phục vụ cho đối tượng cần tiêm trả mũi cho đủ 5 liều theo đúng phác đồ và cho đối tượng thuộc hộ nghèo theo Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐND ngày 03/4/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ chi phí tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đối tượng người nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Với các đối tượng không thuộc hai trường hợp trên sẽ được tư vấn, giải thích và giới thiệu đến một số cơ sở tiêm chủng khác ngoài tỉnh để được tiêm vắc xin dại (Thái Nguyên, Hà Nội).
Ngành Y tế hiện nay đang khuyến khích các cơ sở y tế (kể cả các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân) đầu tư đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và một số điều kiện khác để thành lập phòng tiêm chủng dịch vụ hoặc Phòng tiêm SAFPO (đại lý chính thức cho nhà cung ứng vắc xin) nhằm cung ứng đủ nhu cầu vắc xin, góp phần giảm tối đa chi phí và thời gian đi lại của nhân dân.
2. Cử tri Hà Sỹ Toàn, thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn phản ánh: Hiện nay, thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc huyện Chợ Đồn còn 09 hộ chưa có điện. Đề nghị cấp điện cho 09 hộ dân nêu trên.
Trả lời: 09 hộ dân thuộc thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn ở cách trung tâm xã khoảng 1,5km, cách xa lưới điện hiện có do vậy chưa được sử dụng điện và cũng chưa có trong danh mục Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 3131/QĐ-BCT ngày 27/7/2016 của Bộ Công Thương; tuy nhiên 09 hộ dân thôn Nà Pài đã có trong danh sách thống kê cấp điện nông thôn bằng năng lượng tái tạo của tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay các ngành chức năng của tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị Trung ương cấp vốn. Khi có vốn sẽ triển khai thực hiện.
3. Cử tri Ma Văn Thắng, thôn Pác Cộp, xã Yên Thượng, huyện Chợ Đồn phản ánh: Đường dây của 2 nhà mạng Viettel và Vinaphone kéo qua khu vực ruộng của hộ gia đình tại khu Nà Lìn thuộc thôn Nà Mền rất thấp, ảnh hưởng đến việc cày cấy của người dân. Đề nghị di dời hoặc có giải pháp khắc phục.
Trả lời:
UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty Viettel Bắc Kạn và Vinaphone Bắc Kạn kiểm tra, khắc phục theo kiến nghị của cử tri. Các đơn vị hiện nay đang tích cực khắc phục, Công ty Viettel sẽ thi công xong trong tháng 11/2019 và Công ty Vinaphone thi công xong trong tháng 12/2019.
4. Cử tri Lý Ngọc Quyến, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn đề nghị:
- Cần có giải pháp căn cơ để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp để tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
- Hiện nay, việc luân chuyển, điều động công tác đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch từ xã này sang xã khác chưa được thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh (như huyện Na Rì hiện nay chưa thực hiện luân chuyển công chức Tư pháp - Hộ tịch). Bên cạnh đó, cán bộ, công chức xã khi được luân chuyển chưa được hỗ trợ kinh phí như cấp huyện. Đề nghị việc luân chuyển, điều động công chức Tư pháp - Hộ tịch phải được thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh và có hỗ trợ kinh phí cho cán bộ được luân chuyển để yên tâm công tác.
Trả lời:
Ý kiến thứ nhất: Trong những năm gần đây, công tác cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tăng cường thu hút đầu tư luôn được Tỉnh uỷ, các cấp chính quyền tỉnh quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, số lượng dự án đăng ký đầu tư còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp quy mô lớn; chưa tạo được nhiều việc làm cho người lao động. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; tỉnh thiếu quỹ đất sạch để thu hút dự án đầu tư lớn.
Tiếp thu ý kiến của các cử tri, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, có trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; thực hiện đầy đủ các chính sách thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung thu hút đầu tư để tạo nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến thứ hai:
- Việc luân chuyển, điều động công chức Tư pháp - Hộ tịch được thực hiện theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tại Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 29/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về phân cấp quản lý công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã quy định việc điều động công chức cấp xã (trong đó có chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch) thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện. Căn cứ vào tình hình thực tế sử dụng công chức cấp xã của từng địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ thực hiện việc điều động công chức để đảm bảo mối tương quan giữa các xã, phường, thị trấn.
- Về đề nghị hỗ trợ kinh phí cho cán bộ được luân chuyển để yên tâm công tác: Ngày 19/02/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 813/UBND-TH gửi Bộ Nội vụ đề nghị xem xét, bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức cấp xã luân chuyển từ xã này sang xã khác. Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ sẽ hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện theo quy định.
5. Cử tri Hà Văn Tư, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn đề nghị: Tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.
Trả lời:
Hằng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. Trong chương trình các lớp tập huấn có nội dung tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình… Trong năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 02 lớp tập huấn triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại xã Văn Học, huyện Na Rì và phường Đức Xuân thành phố Bắc Kạn với hơn 100 người tham gia; tổ chức 05 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác gia đình, Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện, xã tại các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn và Pác Nặm với gần 390 học viên tham gia; in ấn và cấp phát 210 cuốn sổ tay Hỏi - Đáp về công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình cấp phát cho Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức Hội thi nấu ăn hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2019 với 5 đội đến từ các huyện, thành phố tham gia với hơn 50 thí sinh dự thi, hội thi đã thu hút hơn 500 lượt người đến xem, cổ vũ.
Nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, trong năm 2019 Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND huyện Na Rì và UBND huyện Pác Nặm tổ chức 02 Hội nghị giới thiệu, phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cho hơn 300 đại biểu là đoàn viên, thanh thiếu niên, tuyên truyền viên pháp luật; tổ chức tập huấn về công tác hộ tịch cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch của Phòng Tư pháp cấp huyện; công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; tổ chức kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch trên địa bàn huyện Ngân Sơn...; Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân thông qua các hình thức như cấp phát tờ gấp pháp luật nhằm giúp người dân biết về quyền được trợ giúp pháp lý và thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng là phụ nữ: phối hợp với UBND cấp xã tổ chức truyền thông về TGPL ở cơ sở: 18 điểm/17 xã trên địa bàn tỉnh với 736 lượt người tham dự, cấp phát 1.842 tờ gấp; tổ chức truyền thông cho phụ nữ tại: 16 điểm/16 xã trên địa bàn tỉnh với 414 người tham dự, cấp phát 555 tờ gấp; phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông các huyện xây dựng và phát 159 chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên 73 Đài truyền thanh xã thuộc các huyện: Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Bạch Thông, Pác Nặm, Ba Bể.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục thực hiện tốt những nội dung sau:
- Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và những nội dung có liên quan cho đội ngũ cán bộ, công chức, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng về các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và các quy định về chế tài xử lý khi vi phạm quy định của pháp luật về hôn nhân đặc biệt là tảo hôn tới các huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh với mục đích nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, giảm thiểu tình trạng kết hôn trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực hộ tịch nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế liên quan đến đăng ký kết hôn, đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về hôn nhân gia đình.
- Tiếp tục phát huy vai trò là thành viên của Ban Chỉ đạo thực hiện Mô hình điểm Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2015-2020”.
- Có biện pháp tác động đến việc thực hiện hành vi của người dân trong cộng đồng chung như: kiến nghị bổ sung các quy định liên quan đến việc phòng chống tảo hôn, kết hôn sớm trong nội dung hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ phố; vận động người dân xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân đồng thời phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, khuyến khích những tập quán tốt đẹp, đồng thời kiên quyết loại bỏ những hủ tục lạc hậu để phù hợp với văn hóa và quy định pháp luật.
6. Cử tri Hà Văn Tư, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn phản ánh: Hiện nay, theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người từ đủ 80 tuổi trở lên được nhận trợ cấp xã hội với mức 270.000đ/tháng, mức trợ cấp như vậy là quá thấp, không bảo đảm sinh hoạt cho người hưởng. Đề nghị có ý kiến với Trung ương tăng mức trợ cấp và hạ thấp độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi.
Trả lời:
Vấn đề này cử tri phán ánh (mức trợ cấp xã hội đối với người từ 80 tuổi trở lên như hiện nay là quá thấp, không bảo đảm sinh hoạt cho người hưởng) đã được nhiều địa phương trong cả nước phản ánh và có ý kiến bằng văn bản với Bộ Lao động - TB&XH tại các cuộc Hội nghị giao ban. Mức trợ cấp 270.000 đồng đã được thực hiện cách đây 7 năm, hiện không còn phù hợp. Sở Lao động - TB&XH tiếp thu ý kiến cử tri và tiếp tục có văn bản kiến nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Về kiến nghị hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi: Sở Lao động – TB&XH xin tiếp thu và tiếp tục có văn bản kiến nghị với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, trình Chính phủ theo quy định.