1. Cử tri Triệu Quốc Hoàn, thôn Chi Quảng A, xã Phương Linh, huyện Bạch Thông đề nghị:
- Hiện nay mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ và rừng khoanh nuôi theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ ngày 9/9/2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 còn thấp. Đề nghị nâng mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng.
- Xem xét việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho HTX tránh tình trạng khi được cấp nguồn vốn thì hoạt động, không được cấp thì giải thể.
Trả lời:
Ý kiến thứ nhất: Tiếp thu ý kiến của cử tri, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nghiên cứu và tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương.
Ý kiến thứ hai: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều HTX hoạt động có hiệu quả nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, một số hợp tác xã được hỗ trợ sau một thời gian hoạt động không hiệu quả đã đề nghị giải thể như: HTX nông nghiệp Bản Nghè xã Cổ Linh; HTX Bình Sơn xã Sỹ Bình; HTX Hợp Lực thị trấn Phủ Thông. Nguyên nhân cơ bản là do: Năng lực quản lý của HĐQT và điều hành của Giám đốc HTX còn yếu; tính liên kết của các thành viên trong HTX và giữa HTX với thành viên còn lỏng lẻo; do tập quán canh tác cũ, thiếu vốn, thiếu trang thiết bị...; còn có HTX thành lập để trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; một số HTX không tiếp cận được các nguồn vốn phát triển sản xuất do không đáp ứng được các điều kiện vay.
Giải pháp khắc phục: Nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành đối với kinh tế tập thể, xác định phát triển HTX là một chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương hằng năm; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ, đảng viên về vai trò của HTX trong phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích khi tham gia HTX; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho HĐQT, Ban giám đốc, Ban kiểm soát và nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động HTX; Tư vấn, hỗ trợ HTX trong xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, lựa chọn sản phẩm, củng cố, tổ chức hoạt động; Hỗ trợ huy động vốn, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hoạt động theo chuỗi giá trị.
2. Cử tri Phạm Văn Mạnh, công chức xã Phương Linh, Nguyễn Văn Đại, cán bộ Kiểm lâm, huyện Bạch Thông đề nghị: Giải quyết dứt điểm tranh chấp đất rừng của người dân thôn Chi Quảng B và thôn Khuổi Cụ với Đội K98 Ban Chỉ huy quân sự huyện Bạch Thông. Cử tri đề nghị trả đất cho người dân hoặc đền bù cho người dân.
Trả lời:
Ngày 22/11/2019, Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đã trực tiếp làm việc với UBND xã Phương Linh và cử tri Phạm Tuấn Mạnh công chức xã Phương Linh; cử tri Nguyễn Văn Đại, cán bộ Kiểm lâm huyện Bạch Thông. Qua buổi làm việc cho thấy, hiện tại không có tranh chấp đất rừng giữa người dân thôn Chi Quảng B với Đội K98, Bộ CHQS tỉnh.
Tuy nhiên, một số hộ dân thuộc thôn Khuổi Cụ và thôn Đèo Giàng, xã Phương Linh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, nhưng diện tích đó lại nằm trong diện tích đất đã được UBND tỉnh giao cho Bộ CHQS tỉnh trồng rừng phòng hộ, hiện nay Đội K98, Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện nhiệm vụ trông coi, chăm sóc và quản lý.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với địa phương tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết theo quy định.
3. Cử tri Hà Đức Quang, thôn Nà Chèn, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông đề nghị: Giải quyết việc tranh chấp địa giới hành chính giữa thôn Nà Chèn với thôn Nà Mèo (xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn).
Trả lời:
Điểm vướng mắc địa giới hành chính giữa thôn Nà Chèn, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông với thôn Nà Mèo, xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn đã được UBND xã Dương Phong và UBND xã Đông Viên thống nhất giải quyết dứt điểm và miêu tả lại đường địa giới hành chính, cụ thể như sau: “Từ điểm đặc trưng số 6, theo hướng Tây Nam, đường địa giới đi theo sống núi, gặp suối Khuổi Hốp, đi theo suối cắt ngang qua sông Cầu đến mốc bê tông hai mặt cấp huyện có số hiệu: (Chợ Đồn - Bạch Thông) 2H.129A (mốc cắm cạnh ĐT.254 về phía Tây). Từ mốc bê tông hai mặt cấp huyện có số hiệu: (CĐ-BT) 2H.129A, theo hướng Tây Bắc, đường địa giới đi theo sống núi đến điểm đặc trưng số 7 (đỉnh cao 403,5)”. Trên cơ sở kết quả giải quyết , ngày 07/10/2019, Sở Nội vụ đã phối hợp UBND huyện Chợ Đồn tổ chức ký xác nhận pháp lý hồ sơ gốc trên địa bàn các xã, thị trấn huyện Chợ Đồn (trong đó có xã Đông Viên và xã Dương Phong).
4. Cử tri Lý Văn Cát, thôn Bản Mún 1, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông phản ánh:
- Rừng của lâm trường trước đây giao cho các hộ dân khoanh nuôi sản xuất, hiện nay Lâm trường thu lại không cho người dân phát rừng nhưng Lâm trường lại phát vào khu vực đầu nguồn để trồng rừng.
- Đề nghị xem xét giao đất của Lâm trường (hiện nay sản xuất không hiệu quả) cho người dân sản xuất.
Trả lời:
Kiến nghị thứ nhất: Ngày 21/11/2019 Lâm trường Bạch Thông đã tiến hành làm việc với ông Lý Văn Cát. Theo đó, ông Cát phản ánh Bản Mún 1 là khu vực đầu nguồn, tuy nhiên hiện nay có hoạt động khai thác gỗ Keo, cụ thể là có diện tích trồng Keo của các ông Nguyễn Xuân Khoát và ông Hứa Đình Bích. Cử tri đề nghị xem xét đây có phải là khai thác, phát vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hay không.
Theo kết quả kiểm tra của Lâm trường Bạch Thông, tại khu vực Bản Mún 1 đang khai thác gỗ Keo, được phê duyệt theo Quyết định số 38/QĐ-CTLN ngày 16/4/2019 của Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bắc Kạn với diện tích 16,57ha và 670,7m3. Diện tích trên thuộc rừng sản xuất được trồng từ năm 2012 do ông Hứa Đình Bích có địa chỉ tại phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn là chủ nhận khoán và đang tổ chức khai thác theo quy định; Lâm trường sẽ tổ chức cho người dân trồng lại rừng vào năm 2020.
Kiến nghị thứ hai:
Ngày 13/3/2019, UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất của Công ty tại Quyết định số 378/QĐ-UBND với diện tích 14.557,88ha, bao gồm: Đất nông nghiệp 14.550,05ha (Đất rừng sản xuất 11.011,47ha; đất rừng phòng hộ 3.538,58ha); đất phi nông nghiệp 7,83ha, nằm trên địa giới hành chính các huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Mới, Bạch Thông, Na Rì và thành phố Bắc Kạn. Trong đó, UBND tỉnh giao cho Công ty Lâm nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, bảo vệ rừng thống nhất với phương án sử dụng đất; chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương nơi có đất và các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết tồn tại, vướng mắc về đất đai; xử lý việc giao khoán đất; lập hồ sơ phương án trả lại đất đối với diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng; hoàn thiện hồ sơ thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Theo phản ánh của cử tri Lý Văn Cát, việc quản lý sử dụng đất của Công ty lâm nghiệp tại xã Dương Phong, huyện Bạch Thông không hiệu quả và đề nghị giao lại cho người dân địa phương để sản xuất. Theo quy định tại Điều 64, Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai trong trường hợp: “Đất trồng rừng không sử dụng trong 24 tháng liên tục”... UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty báo cáo cụ thể. Trường hợp Công ty không đưa đất vào sử dụng quá thời hạn nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp không có nhu cầu sử dụng đất theo phương án sản xuất, kinh doanh và phương án sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt, Công ty lâm nghiệp có trách nhiệm lập thủ tục trả lại đất theo quy định của pháp luật.
5. Cử tri Phạm Thị Vân, thôn Đèo Giàng, xã Phương Linh, huyện Bạch Thông đề nghị: Xem xét hỗ trợ cột điện, dây điện cho 05 hộ dân ở thôn cách xa cột điện đường điện khoảng 300-400m.
Trả lời: Hiện nay, 05 hộ dân thôn Đèo Giàng, xã Phương Linh, huyện Bạch Thông đang được cấp điện tại cột số 31A thuộc đường dây 0,4kV sau Trạm biến áp Phủ Thông 5. Khoảng cách từ cột 31A đến hộ dân xa nhất khoảng 450m. Căn cứ ý kiến cử tri, Điện lực thành phố tiến hành khảo sát, bổ sung phương án đầu tư - xây dựng, trồng thêm cột để đưa điện đến gần hộ dân nhất vào các năm tiếp theo.
Việc xem xét hỗ trợ cột điện và dây điện: Hiện nay Công ty Điện lực không có cột và dây thu hồi, do vậy chưa thể hỗ trợ theo ý kiến cử tri. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành, đề nghị các hộ dân thường xuyên kiểm tra, nâng dây dẫn đảm bảo khoảng cách an toàn, quản lý dây sau công tơ từ vị trí 31A đến hộ gia đình theo quy định.
6. Cử tri Triệu Quốc Hoàn, thôn Chi Quảng A xã Phương Linh, huyện Bạch Thông đề nghị xem xét xử lý hệ thống chống sét của đường điện 35 thuộc thôn Nà Phải đã xuống cấp gây nguy hiểm.
Trả lời: Tiếp thu ý kiến cử tri, Điện lực Thành phố đã tiến hành kiểm tra xác minh là do dây tiếp địa tại vị trí Cầu dao 371-7 nhánh Vi Hương bị bật lên mặt ruộng. Ngày 22 tháng 11 năm 2019, Điện lực Thành phố đã khắc phục, sửa chữa đảm bảo vận hành theo quy định.
7. Cử tri Triệu Quốc Hoàn, thôn Chi Quảng A xã Phương Linh, huyện Bạch Thông phản ánh: Một số trường hợp Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn ngồi trên xe ô tô kiểm tra giấy tờ. Đề nghị xem xét lại việc thực hiện nhiệm vụ cho nghiêm túc.
Trả lời:
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về việc tiếp tục siết chặt kỷ cương, tăng cường công tác quản lý cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân; thời gian qua Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt cán bộ chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ đúng tư thế, lễ tiết tác phong, quy trình, chế độ công tác trong khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông.
Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, Công an tỉnh đã chỉ đạo phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Công an huyện Bạch Thông tổ chức kiểm tra, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với cán bộ, chiến sĩ trong khi thi hành nhiệm vụ, trường hợp phát hiện cán bộ chiến sĩ có sai phạm sẽ xem xét xử lý nghiêm túc theo quy định của ngành.
8. Cử tri Nguyễn Hoàng Khởi, thôn Bản Mèn, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông đề nghị: Không thực hiện chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện vì nhân viên chi trả không nắm được chế độ chính sách để giải đáp, hướng dẫn, tư vấn cho đối tượng khi có thắc mắc về sự tăng, giảm, điều chỉnh chế độ. Đề nghị việc chi trả trợ cấp xã hội nên để cán bộ chính sách của xã thực hiện như trước đây và thời gian chi trả trợ cấp nên thực hiện vào đầu tháng vì thực tế hiện nay chi trả vào cuối tháng.
Trả lời:
Việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm tinh giản biên chế, tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho quá trình chi trả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số nhân viên Bưu điện không nắm được chế độ chính sách để giải đáp là đúng thực tế. Về vấn đề này Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xin tiếp thu, trong thời gian tới sẽ phối hợp với Bưu điện tỉnh Bắc Kạn xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên bưu điện để giải đáp chế độ chính sách cho người dân. Trước mắt đề nghị cử tri liên hệ với Công chức lao động xã hội xã Dương Phong để được giải đáp các ý kiến.
Về kiến nghị thời gian chi trả trợ cấp xã hội nên thực hiện vào đầu tháng: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xin tiếp thu, phối hợp với các đơn vị có liên quan (Bưu điện tỉnh Bắc Kạn, Bưu điện huyện Bạch Thông, Phòng LĐ-TB&XH huyện Bạch Thông) nghiên cứu phương án tổ chức thực hiện chi trả cho hợp lý.
9. Cử tri Lường Quang Ninh, thôn Tổng Mú, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông đề nghị: Tỉnh đoàn Bắc Kạn tích cực phối hợp để sớm hoàn thành xây dựng Nhà văn hóa thôn Tổng Mú (Công trình do Trung ương Đoàn hỗ trợ).
Trả lời:
Ngày 02/6/2019, tại tỉnh Bắc Kạn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ ra quân chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2019 với nhiều hoạt động tiêu biểu, trong đó Ban Bí thư Trung ương Đoàn hỗ trợ 200 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hóa 80 chỗ ngồi tại thôn Tổng Mú, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông. Công trình Nhà văn hóa 80 chỗ ngồi tại thôn Tổng Mú, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông có quy mô nhà cấp 4, dài 12,42m, rộng 6,4m, hiên rộng 1,8m, tổng diện tích 112m2, tường xây gạch, mái lợp tôn theo thiết kế mẫu của Sở Xây dựng với dự toán 292,8 triệu đồng.
Tuy nhiên, số kinh phí được Trung ương Đoàn hỗ trợ mới được chuyển trước 140 triệu đồng vào ngày 20/9/2019 (số còn lại sẽ chuyển khi nghiệm thu công trình). Vì nguồn kinh phí Ban Bí thư Trung ương Đoàn hỗ trợ chưa đủ nên Tỉnh đoàn Bắc Kạn đã phối hợp với xã, thôn tìm phương thức thực hiện: Thuê thợ, nhân dân đóng góp ngày công, phương án huy động phần kinh phí nếu thiếu. Ngày 16/11/2019, Tỉnh đoàn, lãnh đạo xã Dương Phong, Trưởng thôn Tổng Mú đã có biên bản thống nhất phương án xây dựng Nhà văn hóa và huy động nguồn kinh phí nếu thiếu so với dự toán được duyệt. Ngày 16/11/2019, công trình đã được triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2019.
10. Cử tri thôn Khuổi Cò, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông đề nghị: Xem xét giao lại khu nhà của Công ty Cổ phần Hồng Hà hiện nay không còn sử dụng cho thôn Khuổi Cò làm nhà họp thôn.
Trả lời:
Ngày 24/10/2019, Ủy ban nhân dân xã Dương Phong có Văn bản số 100/UBND gửi Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng giao thông Bắc Kạn (Trước đây là Công ty Cổ phần Hồng Hà) về việc đề nghị xem xét nhu cầu sử dụng đất hạt quản lý đường bộ 244. Ngày 31/10/2019, Công ty Cổ phần QL&XDGT Bắc Kạn đã có Văn bản số 256/CV-TCHC về việc phúc đáp nội dung Văn bản số 100/UBND ngày 24/10/2019 của Ủy ban nhân dân xã Dương Phong. Theo đó, Công ty Cổ phần QL&XDGT Bắc Kạn vẫn còn nhu cầu sử dụng khu đất trên theo thời hạn hợp đồng, xin không trả lại.
11. Cử tri Trần Văn Bối, thôn Tổng Ngay, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông cho biết: Ông Bàn Văn Liều, sinh năm 1965, dân tộc Dao, trú tại thôn Bản Mún 1, tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc phía Bắc (Hà Tuyên) bị thương vào đầu. Năm 1985 mổ lấy mảnh đạn; đến năm 1987 giám định sức khỏe tại Trung đoàn 567 ở Ngân Sơn, kết luận tỷ lệ thương tật 16% và cho xuất ngũ; năm 2014 ông Liều bị đau đầu, đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, chụp X quang phát hiện trong đầu (trán phải) còn sót mảnh đạn; cuối năm 2014 đi mổ tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, lấy ra mảnh đạn cối dài 0,8cm.
Hiện nay ông Liều đang làm hồ sơ đề nghị giám định bổ sung theo quy định, hồ sơ đã được Trung đoàn 567 xác nhận, trong lý lịch quân nhân, quyết định xuất ngũ ghi tỷ lệ mất sức lao động (vết thương lần 1) là 16%. Tuy nhiên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu phải có biên bản giám định thương tật, Trung đoàn 567 đã tìm lại hồ sơ nhưng vì quá lâu, Trung đoàn di chuyển nhiều nơi, không tìm lại được biên bản gốc. Cử tri đề nghị xem xét cho ông Liều được giám định thương tật (giám định bổ sung sau mổ lần 2) để ông được hưởng chế độ thương binh theo quy định.
Trả lời:
Ngày 17/4/2018, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản số 608/LĐTBXH-NCC gửi Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xin ý kiến giám định vết thương còn sót đối với trường hợp ông Bàn Văn Liều, cư trú tại thôn Bản Mún 1, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.
Ngày 16/01/2019, Cục Người có công có Công văn số 151/NCC-CS1 trả lời công văn của Sở Lao động – TB&XH tỉnh Bắc Kạn về việc giám định vết thương còn sót đối với ông Bàn Văn Liều, trong đó có nêu “ Điều 21 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định thủ tục, hồ sơ giám định vết thương còn sót, trong đó yêu cầu hồ sơ phải có bản sao biên bản của các lần giám định trước. Quy định này là để có căn cứ chứng minh việc sót mảnh kim khí chưa được giám định. Vì vậy, nếu chỉ căn cứ danh sách Thương binh của đơn vị N67 Sư đoàn 346 ghi nhận ông Liều có vết thương chột phần mềm trán và quyết định xuất ngũ thể hiện tỷ lệ thương tật 16% thì chưa có cơ sở khẳng định ông Liều chưa được giám định mảnh kim khí trán phải đã được phẫu thuật”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định hiện hành và nội dung văn bản trả lời của Cục Người có công nêu trên, ông Bàn Văn Liều không đủ điều kiện để Sở Lao động – TB&XH giới thiệu đi giám định vết thương còn sót theo quy định.