Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cơ quan chức năng trả lời kiến nghị cử tri huyện Bạch Thông trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa IX

( Cập nhật lúc: 05/12/2018  )

1. Cử tri Đinh Quang Trực, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông phản ánh: Bản Khuổi Đeng, thôn Nà Khoang, xã Vũ Muộn có khoảng 11 hộ gia đình sinh sống nhưng hiện nay chưa có điện để sử dụng. Đề nghị sớm kéo điện cho người dân để thuận tiện trong sinh hoạt và cuộc sống.

Trả lời:

Qua kiểm tra cho thấy 11 hộ dân sinh sống tại thôn Nà Khoang, xã Vũ Muộn chưa có trong danh mục Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020 tại Quyết định số 3131/QĐ-BCT ngày 27/7/2016 của Bộ Công Thương. Tuy nhiên ngày 16/7/2018, Bộ Công Thương có Văn bản số 5583/BCT-ĐL về việc phê duyệt chủ trương đầu tư tiểu dự án Cấp điện nông thôn bằng năng lượng tái tạo. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp với Sở Công Thương điều tra, khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tiểu dự án Cấp điện nông thôn bằng năng lượng tái tạo báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt và báo cáo Bộ Công Thương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài trong việc huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác để thực hiện dự án.

2. Cử tri Đinh Quang Cảm, Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông đề nghị: Các ngành chức năng có biện pháp quản lý các cơ sở cho vay để hạn chế tình trạng cho vay tín dụng đen trên địa bàn tỉnh vì hiện nay tín dụng đen gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội.

Trả lời:

Cho vay là hoạt động dân sự được pháp luật cho phép, trong đó, lãi suất vay do các bên thỏa thuận và không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (theo quy định tại Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015). Tuy nhiên, trên địa bàn, có một số cá nhân hoạt động cho vay trái pháp luật với lãi suất cao, thường gọi là “tín dụng đen” và đã xảy ra một số vụ vi phạm pháp luật liên quan, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống “tín dụng đen”, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện các nội dung:

- Phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” (dự kiến triển khai từ tháng 12/2018), trong đó tập trung vào nội dung nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc nhận biết, phòng tránh “tín dụng đen”; chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay hợp pháp, đúng quy định; đồng thời, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh cho vay trái phép hoặc cầm đồ lãi suất cao.

- Ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra Công an các địa phương thực hiện các chỉ đạo về phòng ngừa và đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và “tín dụng đen” nói riêng, như: Kế hoạch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và các kế hoạch, văn bản khác...

- Thụ lý, giải quyết các vụ vi phạm về an ninh, trật tự liên quan đến hoạt động vay, cho vay theo đúng quy định của pháp luật.

3. Cử tri Hoàng Văn Thu, thôn Lủng Xiên, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông phản ánh:

- Số gỗ hiện có của từng hộ gia đình trên địa bàn xã Vũ Muộn không đủ để làm nhà (nhà có cột thì thiếu xiên, nhà có xiên thì thiếu ván...). Đề nghị ngành chức năng xem xét cho người dân được bán gỗ có dấu búa của kiểm lâm (sau các đợt kiểm kê gỗ tồn) nhằm tránh lãng phí.

- Nhiều hộ gia đình khi được giao trồng rừng là rừng sản xuất nhưng khi đến kỳ khai thác thì lại thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Đề nghị cho biết các hộ dân có diện tích nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ thì được hưởng những chính sách gì và đề nghị có chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân thuộc trường hợp nêu trên.

Trả lời:

Đối với kiến nghị thứ nhất: Theo Thông báo số 910-TB/TU ngày 23/4/2014 của Thường trực Tỉnh ủy đã nêu rõ “Đồng ý về chủ trương hướng xử lý theo Phương án 2 như đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tại Công văn số 53-CV/BCSĐ ngày 17/3/2014”.

Tại Phương án 2 theo Công văn số 53-CV/BCSĐ ngày 17/3/2014 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đề xuất: “Không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (không tịch thu gỗ), cho phép sử dụng gỗ làm nhà ở tại địa phương... Đối với các hộ sử dụng gỗ cất giữ đã kiểm kê chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, tự ý làm thành nhà ở, phải nộp tiền bằng giá trị số gỗ kiểm kê đã làm nhà, nghiêm cấm mọi trường hợp mua, bán, cho, tặng... không được chuyển ra khỏi địa phương (xã) dưới bất kỳ hình thức nào”.

Do đó, đề nghị cử tri tuyên truyền cho các hộ gia đình trên địa bàn xã giữ nguyên hiện trạng, không được tự ý sử dụng, nghiêm cấm mọi trường hợp mua bán, cho, tặng...không được chuyển ra khỏi địa phương (xã) dưới bất kỳ hình thức nào.

 Đối với kiến nghị thứ hai:

Theo quy định tại Điều 15 Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý rừng phòng hộ, các hộ dân có diện tích nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ được hưởng chính sách khi khai thác hưởng lợi sản phẩm rừng trồng theo tỷ lệ nhất định, cụ thể:

1. Rừng phòng hộ là rừng trồng do ngân sách nhà nước đầu tư chỉ được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ, tỉa thưa; thu gom cây gỗ nằm, gỗ khô mục, lóc lõi, gỗ cháy, cành, ngọn, gốc, rễ cây, nhưng phải đảm bảo mật độ cây trồng chính còn lại ít nhất 600 cây/ha.

2. Rừng trồng phòng hộ là rừng trồng có hỗ trợ của ngân sách nhà nước, hỗ trợ của chương trình, dự án có nguồn gốc ngân sách nhà nước:a) Khai thác cây trồng xen, cây phù trợ; tỉa thưa, tận thu, tận dụng gỗ; b) Được chặt chọn cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác với cường độ khai thác không quá 20 % trữ  lượng, sau khi khai thác rừng vẫn đạt tiêu chuẩn định hình quy định tại điều 6 của Quy chế này hoặc khai thác trắng theo băng, đám xen kẽ nhau, với tổng diện tích khai thác hàng năm không vượt quá 20 % diện tích rừng đã đạt tiêu chuẩn định hình và diện tích mỗi khu chặt tối đa không quá 03 ha; sau khai thác trắng phải trồng lại rừng vào vụ trồng rừng kế tiếp.

Băng khai thác phải thiết kế theo đường đồng mức, có chiều rộng tối đa là 30 m đối với rừng phòng hộ xung yếu; đám khai thác có diện tích tối đa là 02 ha đối với rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu.

3. Đối với rừng phòng hộ là rừng trồng do người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ tự đầu tư: a) Được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ; tỉa thưa, tận thu, tận dụng gỗ; b) Được chặt chọn cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác với cường độ khai thác không quá 30 phần trăm trữ lượng, sau khi khai thác rừng vẫn đạt tiêu chuẩn định hình quy định tại Điều 6 của Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng chính phủ. Phương thức khai thác thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 nêu trên”.

Theo quy định tại Điều 2 Điều 3 Điều 6 Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 thì đối với diện tích rừng trồng là rừng phòng hộ, sau thời kỳ kiến thiết cơ bản có thể đưa vào diện tích được hưởng chính sách khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hiện nay do ngân sách của tỉnh Bắc Kạn còn hạn hẹp, nên chưa bố trí được kinh phí hỗ trợ cho diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ theo quy định.

Đối với chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân thuộc trường hợp nêu trên, hiện nay UBND tỉnh đang trình Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ gạo người dân vùng II, vùng III trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng sản xuất và bảo vệ rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” để tiếp tục hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh với tổng số gạo đề nghị hỗ trợ 79.705,02 tấn và kinh phí hỗ trợ 18.785,05 triệu đồng trong giai đoạn 2019 - 2023. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các thôn đặc biệt khó khăn nằm trong danh sách thuộc Đề án (trong đó có thôn Lủng Xiên, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông) sẽ được hưởng các chính sách quy định từ Đề án trong giai đoạn 2019 – 2023.

4. Cử tri Đinh Thị Đuổng, thôn Nà Khoang, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông phản ánh: Công trình nước sinh hoạt tại thôn Nà Khoang được xây dựng từ năm 2013 đến nay đã xuống cấp, không đủ nước sinh hoạt cho người dân. Đề nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch cho người dân.

Trả lời:

Công trình nước sinh hoạt tại thôn Nà Khoang xã Vũ Muộn được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng tại Quyết định số 2177/QĐ-UBND ngày 21/12/2017 với tổng dự toán là 3.295.324.240 đồng (bao gồm 05 nguồn cấp nước cho 07 thôn thuộc xã Vũ Muộn), thời gian thực hiện từ 2018 đến 2020. Do đó, công trình nước sinh hoạt của thôn Nà Khoang, xã Vũ Muộn đã có vốn đầu tư và nằm trong lộ trình xây dựng.

5. Cử tri Hoàng Văn Thu, thôn Lủng Xiên, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông phản ánh: Cống dẫn nước trên tuyến đường 253B đoạn qua địa bàn thôn Lủng Xiên bị sập, nước tràn trên mặt đường gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông. Đề nghị sớm xem xét, kiểm tra khắc phục tình trạng trên.

Trả lời:

Ngày 27/11/2018, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban quản lý, bảo trì công trình đường bộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra thực tế hiện trường. Qua kiểm tra tại Km 19+620 đường tỉnh 253B có 01 cống thủy lợi cắt ngang qua đường, khẩu độ thoát nước nhỏ, sau một thời gian khai thác sử dụng hiện nay một số ống cống bị gẫy sập, hư hỏng gây tắc nước. Mặt khác phía thượng lưu, hạ lưu cống có mương thủy lợi nhưng không được quan tâm nạo vét thường xuyên nên toàn bộ lòng mương dẫn nước đã bị đất, đá vùi lấp.

Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban quản lý, bảo trì công trình đường bộ và Công ty cổ phần quản lý và xây dựng Bắc Kạn thực hiện ngay việc sửa chữa, khắc phục, nạo vét, khơi thông cống để đảm bảo thoát nước, thời gian xong trước ngày 05/12/2018. Để đảm bảo giao thông, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Bạch Thông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc nạo vét đất đá trong lòng mương thủy lợi để hạn chế việc tắc ống cống thoát nước; đồng thời, đề nghị cử tri vận động nhân dân thường xuyên theo dõi và khơi thông đất đá trong lòng mương thủy lợi để hạn chế việc tắc ống thoát nước.

6. Cử tri Triệu Phúc Sơn, thôn Phiêng Kham, xã Mỹ Thanh; Nguyễn Tiến Long, thông Bản Luông 2, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông phản ánh: Tuyến đường liên xã Mỹ Thanh – phường Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn) hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại, giao thương hàng hóa. Đề nghị quan tâm, bố trí vốn để hoàn thiện tuyến đường trên.

Trả lời:

Tuyến đường Huyền Tụng - Mỹ Thanh là tuyến đường liên xã theo phân cấp do địa phương (huyện, thành phố) quản lý.

Để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân trong việc đi lại và giao thương hàng hóa, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND thành phố Bắc Kạn và UBND huyện Bạch Thông xem xét cân đối bố trí nguồn vốn của địa phương để thực hiện sửa chữa hằng năm; đồng thời, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất và đăng ký danh mục tuyến đường vào dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) khi được bố trí nguồn kinh phí Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các địa phương tham mưu triển khai thực hiện.