Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cơ quan chức năng trả lời kiến nghị cử tri huyện Ba Bể trước kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa IX

( Cập nhật lúc: 30/11/2019  )

1. Cử tri Đồng Văn Thân, Bí thư Đoàn Thanh niên, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể đề nghị: Đầu tư nâng cấp tuyến đường xung quanh hồ Ba Bể đi phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn.

Trả lời:

Ngày 22/11/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên chủ trì cuộc họp xem xét đề nghị của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể về sửa chữa tuyến đường vòng quanh bờ hồ Ba Bể. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên đã giao Sở Tài chính nghiên cứu, cân đối bố trí nguồn vốn để sửa chữa tuyến đường xung quanh hồ Ba Bể trong năm 2020; đồng thời, giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, tham mưu việc nâng cấp tuyến đường vòng quanh bờ hồ thành đường tỉnh (ĐT 254).

2. Cử tri Mạc Xuân Bách, Bí thư chi bộ thôn Nà Lẻ, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể phản ánh: Đường tỉnh 257b đoạn đi qua thôn Nà Lẻ, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể bị sạt lở, đề nghị có giải pháp khắc phục.

Trả lời:      

Tiếp thu phản ánh của cử tri, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, theo đó vị trí cử tri nêu thuộc lý trình Km30+490, ĐT.257B. Qua kiểm tra thực tế hiện trường nhận thấy, do ảnh hưởng của các đợt mưa bão thời gian qua, tại vị trí này có hiện tượng sạt lở taluy âm, bên trái tuyến chiều dài 7m, cách mép đường nhựa 4,6m, vẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên đoạn tuyến này. Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu đơn vị khai thác, quản lý thường xuyên theo dõi, kiểm tra để đảm bảo an toàn giao thông.

3. Cử tri Đồng Văn Dược, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể đề nghị: Có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp hộ dân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên tuyến đường 258 qua địa phận xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể (thẩm quyền xử lý; hình thức xử lý; căn cứ xử lý…)

Trả lời:      

Trách nhiệm của UBND cấp xã được quy định rõ tại Điều 42, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Quy chế phối hợp giữa Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn và UBND các huyện, thành phố trong công tác xử lý vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh (Quy chế số 550/QCPH/SGTVT-UBND ngày 15/5/2017).

Thẩm quyền xử lý: Thẩm quyền xử phạt của UBND cấp xã được quy định tại Điều 70, Điều 71, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

          Căn cứ xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ: Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008; Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012; Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Hình thức xử lý: Hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được quy định tại Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ. Các mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 và Khoản 8 Điều 12, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải đỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

4. Cử tri Dương Văn Thoa, thôn Thạch Ngõa 2, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể đề nghị: Xem xét nghiên cứu nâng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ gia đình.

Trả lời:

Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về giá trị phòng hộ của rừng và góp phần tăng thêm thu nhập cho những người bảo vệ rừng, góp phần ổn định đời sống để tiếp tục bảo vệ phát triển rừng.

Hằng năm, Công ty Thủy điện Tuyên Quang và Nhà máy Thủy điện Chiêm Hóa căn cứ sản lượng điện tiêu thụ và đơn giá do Nhà nước quy định (tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ), nộp số tiền được điều tiết về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, sau đó được chuyển về Quỹ Phát triển đất, rừng và Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Kạn (Gọi tắt là Quỹ tỉnh). Trên cơ sở số tiền ủy thác về Quỹ tỉnh và tổng diện tích được chi trả trên địa bàn các huyện Chợ Đồn, Ngân Sơn, Ba Bể và Pác Nặm, Quỹ tỉnh chia tổng số tiền được chi trả cho tổng diện tích trong lưu vực cung ứng nguồn nước cho 02 Nhà máy thủy điện nêu trên, từ đó tính toán được một đơn giá chung cho một ha rừng cung ứng. Số tiền chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm không cố định vì có sự biến động sản lượng điện của 02 Nhà máy thủy điện nêu trên (Bình quân từ 70.000 đến 80.000 đồng/ha/năm).

Do vậy, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ điện của Công ty Thủy điện Tuyên Quang và Nhà máy Thủy điện Chiêm Hóa. Tuy nhiên, tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ giao cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu, kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh đơn giá chi trả quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ cho phù hợp với đặc thù từng vùng miền trên cả nước.

5. Cử tri Đỗ Văn Lợi, Giám đốc HTX Đồng Lợi thôn Nà Chom, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể phản ánh:

- Thời gian gần đây bệnh nấm gây hại cây hồng không hạt ảnh hưởng đến sản lượng quả hồng, đề nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp khắc phục.

- Đề nghị hỗ trợ đầu tư thiết bị phun thuốc diệt trừ sâu bệnh hại các cây trồng công suất lớn cho HTX để thuận lợi trong phát triển sản xuất.

Trả lời:

Ý kiến thứ nhất:

Ngày 18/4/2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Bể tiến hành kiểm tra thực tế tại thôn Nà Chom, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Kết quả kiểm tra cho thấy diện một số diện tích Hồng không hạt bị bệnh khô cành do nấm gây ra, bệnh hại nặng trên những cành non gây ra hiện tượng chết khô cành, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất cả vùng trồng. Sau khi kiểm tra, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã ban hành văn bản số 222/TT&BVTV ngày 19/4/2019  về việc phòng trừ bệnh khô cành trên cây Hồng không hạt và tổ chức 01 lớp tập huấn để hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hại cây hồng không hạt (trong đó có cách phòng trừ bệnh khô cành do nấm gây hại) cho 30 hộ nông dân của thôn Nà Chom vào ngày 29/8/2019.

Để hạn chế thiệt hại do bệnh khô cành gây ra, đề nghị UBND huyện Ba Bể chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục hướng dẫn người thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh hại theo hướng dẫn kỹ thuật tại văn bản số 222/TT&BVTV ngày 19/4/2019 của Chi cục TT& BVTV, đồng thời hỗ trợ kinh phí để giúp người dân thôn Nà Chom phòng trừ bệnh khô cành để không ảnh hưởng đến năng suất vụ thu hoạch năm 2020.

Để có biện pháp phòng trừ hiệu quả đối với nấm gây bệnh trên cây Hồng không hạt, UBND tỉnh sẽ giao cho cơ quan chức năng chủ trì đề xuất các nghiên cứu khoa học về phòng trừ tổng hợp các loại sâu bệnh trên cây Hồng không hạt trong đó có bệnh khô cành, để có cách phòng trừ hữu hiệu nhất bảo vệ sản phẩm quả Hồng không hạt Bắc Kạn.

Ý kiến thứ hai: Để được hỗ trợ thiết bị phun thuốc trừ sâu công suất lớn thì HTX phải xây dựng Dự án phát triển sản xuất liên kết gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Đề nghị HTX đăng ký danh mục dự án với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Bể làm căn cứ đề nghị UBND tỉnh bổ sung vào danh mục Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020.

6. Cử tri Sằm Văn Kinh, Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể phản ánh: Hiện nay việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm cho xã có một số chỉ tiêu khó thực hiện, không đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao, nhất là đối với chỉ tiêu về trồng cây hằng năm. Vì thực tế có một số loại cây không phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương. Đề nghị cần nghiên cứu xem xét điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch giao trồng cây hằng năm cho các địa phương linh hoạt, phù hợp hơn.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến cử tri, để đảm bảo giao chỉ tiêu kế hoạch phù hợp, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với UBND huyện Ba Bể (Phòng Nông nghiệp và PTNT) xây dựng kế hoạch thực hiện các loại cây trồng phù hợp hơn với năng lực thực hiện của các địa phương.

7. Cử tri Triệu Tiến Viện, Trưởng thôn Nà Hai, xã Quảng Khê, huyện Ba bể phản ánh: Diện tích trồng rừng ở thôn từ các năm 2017, 2018 đến nay chưa được nghiệm thu. Đề nghị chỉ đạo nghiệm thu diện tích này.

Trả lời:

Ngày 21/11/2019, Ban quản lý CTMTPTLNBV Vườn Quốc gia Ba Bể đã giao cán bộ khuyến lâm làm việc với ông Triệu Tiến Viện. Tại buổi làm việc ông Viện cho biết ông có ý kiến là diện tích rừng trồng các năm 2017, 2018 chưa được thanh toán kinh phí hỗ trợ chăm sóc rừng trồng các năm 2017, 2018.

Thôn Nà Hai, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể được nghiệm thu kết quả trồng rừng năm 2017 là 7,7 ha, năm 2018 là 5,35 ha. Các hộ dân đã được nghiệm thu nhưng chưa được thanh toán kinh phí hỗ trợ nhân công chăm sóc là do hiện nay kinh phí Trung ương chưa cấp đủ và kịp thời.

Ngày 25/11/2019, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 2341/QĐ-UBND về việc giao chi tiết vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Kạn năm 2019. Theo đó, huyện Ba Bể được phân bổ 1.628 triệu đồng để thực hiện chi trả cho người dân trồng và chăm sóc rừng trồng (dự án Bảo vệ và phát triển rừng) theo khối lượng đã thực hiện và được nghiệm thu.

8. Cử tri Hoàng Hà Bắc, thôn Thạch Ngõa 1, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể phản ánh: Trạm biến áp Mỹ Phương I hiện nay quá tải dẫn đến việc thường xuyên bị mất điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Đề nghị sớm có giải pháp xử lý để đảm bảo nguồn điện cung cấp cho người dân sử dụng được ổn định.

Trả lời: Trạm biến áp Mỹ Phương 1 có công suất 50kVA, bị quá tải cục bộ khi giao mùa vào giờ cao điểm, Điện lực Ba Bể đã thực hiện cân pha để tạm thời ổn định cấp điện. Đồng thời đơn vị đã có kế hoạch đầu tư trong năm 2020 xây dựng trạm biến áp chống quá tải, công trình: “Cải tạo, chống quá tải, giảm bán kính cấp điện khu vực xã Chu Hương, Mỹ Phương, huyện Ba Bể”.

9. Cử tri Mạc Xuân Bách, Bí thư chi bộ thôn Nà Lẻ, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể phản ánh: Trên địa bàn thôn còn 14 hộ dân ở khu vực Nà Ngòa chưa có điện lưới quốc gia. Đề nghị xem xét đưa điện lưới quốc gia vào khu vực này.

Trả lời: 14 hộ dân ở khu vực Nà Ngòa thuộc thôn Nà Lẻ, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể ở cách trung tâm xã khoảng 03km, cách xa lưới điện hiện có do vậy chưa được sử dụng điện và cũng chưa có trong danh mục Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 3131/QĐ-BCT ngày 27/7/2016 của Bộ Công Thương; tuy nhiên 14 hộ dân nêu trên đã có trong danh sách thống kê cấp điện nông thôn bằng năng lượng tái tạo của tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay các ngành chức năng của tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị Trung ương cấp vốn. Khi có vốn sẽ triển khai thực hiện.

10. Cử tri Lý Phúc Ba, thôn Nà Hai, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể phản ánh: Đường dây điện cao thế từ xã Quảng Khê đến xã Cao Trĩ đoạn đi qua cánh đồng Nà Hai, khoảng cách thấp, không đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất của người dân, đề nghị có giải pháp khắc phục để đảm bảo an toàn.

Trả lời: Khu vực cử tri phản ánh là đường dây 35kV mạch vòng Đồn Đèn - Quảng Khê tại khoảng cột từ vị trí 13 sang vị trí 14, là khoảng thấp nhất của đường dây. Tiếp thu kiến nghị cử tri, Điện lực Ba Bể đã lập phương án sửa chữa thường xuyên, dự kiến thực hiện trong Quý I, năm 2020.

11. Cử tri Hoàng Văn Cương, Trưởng thôn Bản Pjàn, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể đề nghị hỗ trợ kinh phí để lắp đặt cột điện bê tông cho 24 hộ dân ở trong thôn.

Trả lời: Đối với đề nghị hỗ trợ kinh phí để lắp đặt cột điện bê tông cho 24 hộ dân thôn Bản Pjàn, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể: Hiện nay Công ty Điện lực Bắc Kạn đã có kế hoạch đầu tư thực hiện năm 2020, công trình “Cải tạọ, chống quá tải, giảm bán kính cấp điện khu vực xã Đồng Phúc, Quảng Khê, huyện Ba Bể”.

12. Cử tri Dương Quang Thạo, trưởng thôn Chợ Lèng, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể đề nghị: Hỗ trợ kinh phí để lắp đặt cột điện bê tông cho 20 hộ dân ở Bản Leng (hiện nay đang sử dụng cột bằng tre, không đảm bảo an toàn)

Trả lời: Khu vực Bản Lèng thuộc thôn Chợ Lèng xã Quảng Khê có 20 hộ dân được cấp điện từ hai vị trí 6B-1 và 10B-1 đường dây 0,4kV sau Trạm biến áp Quảng Khê 3. Hộ cuối bản cách vị trí 6B-1 khoảng 150 mét, cách vị trí 10B-1 khoảng 80 mét, hiện các hộ dân dùng cột tre kéo dây sau công tơ.

Theo kiến nghị, cử tri đề nghị được hỗ trợ kinh phí lắp đặt cột điện bê tông, hiện nay Điện lực không có cột và dây thu hồi, do vậy chưa thể hỗ trợ cho các hộ dân được. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành, đề nghị các hộ dân thường xuyên kiểm tra, nâng dây dẫn đảm bảo khoảng cách an toàn, quản lý dây sau công tơ từ vị trí 6B-1 và 10B-1 đến hộ gia đình theo quy định.

13. Cử tri Lường Văn Viên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự xã Quảng Khê, huyện Ba Bể phản ánh: Chỉ tiêu tuyển quân hằng năm còn cao nên địa phương khó khăn trong thực hiện. Đề nghị xem xét giao chỉ tiêu tuyển quân trên quy mô dân số.

Trả lời:

Việc gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 34, Mục 1, Chương IV Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.

Hằng năm, căn cứ Quyết định việc gọi công dân nhập ngũ của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân khu I; căn cứ tỉ lệ dân số, đặc biệt là số lượng công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ của các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ cho các huyện, thành phố.

Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ Quyết định giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ của cấp tỉnh, tỉ lệ dân số, đặc biệt là số lượng công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ của các xã, phường, thị trấn để giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ cho các cơ sở theo quy định. Yêu cầu Ban CHQS huyện Ba Bể (cơ quan thường trực Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện Ba Bể) nghiên cứu, tham mưu cho UBND huyện giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cơ sở.

14. Cử tri Dương Thanh Mao, thôn Nà Cà, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể đề nghị:

- Xem xét có chế độ phụ cấp cho cán bộ trực tiếp phụ trách công tác Hội Nạn nhân chất độc da cam ở cấp xã.

- Sớm triển khai thực hiện việc áp dụng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ.

Trả lời:

Kiến nghị thứ nhất: Căn cứ theo Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định hội có tính chất đặc thù, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 công nhận Hội có tính chất đặc thù hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 25/5/2012 công nhận các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cấp huyện, cấp xã tỉnh Bắc Kạn. Kinh phí hoạt động hàng năm của Hội nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin được quy định tại Khoản 8, Điều 8, luật Ngân sách Nhà nước năm 2015: “Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự đảm bảo; ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ được Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ”. Bên cạnh đó, tại Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định: “Đối với người làm công tác tại hội có tính chất đặc thù không phải đối tượng được giao biên chế, đối tượng nghỉ hưu, chế độ, chính sách thực hiện theo thỏa thuận giữa hội với người công tác tại hội, bảo đảm tương quan trong nội bộ hội và theo quy định của Bộ Luật Lao động, quy định pháp luật có liên quan, nguồn kinh phí do hội tự đảm bảo”. Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin cấp xã không thuộc phạm vi công nhận là Hội có tính chất đặc thù hoạt động trên địa bàn cấp xã, do vậy chưa có cơ sở pháp lý xem xét chế độ phụ cấp cho cán bộ trực tiếp phụ trách công tác Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin ở cấp xã.

Kiến nghị thứ hai: Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019. Để triển khai chế độ kịp thời cho các đối tượng người có công với cách mạng, ngày 07/8/2019 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản số 1674/LĐTBXH-NCC&BVCSTE về việc điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Nghị định số 58/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở danh sách các đối tượng người có công với cách mạng được điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Nghị định số 58/2019/NĐ-CP do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố lập, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành thẩm định, duyệt danh sách và đã thực hiện xong trước ngày 15/8/2019 để các huyện, thành phố chi trả kịp thời cho các đối tượng theo đúng quy định.