Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc phải mang tính định hướng cao

( Cập nhật lúc: 21/04/2022  )

Quy hoạch vùng có vai trò rất quan trọng trong xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển vùng.

Tỉnh Bắc Kạn lập quy hoạch 03 vùng liên huyện

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 20/4/2021 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính vùng trung du và miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình với tổng diện tích là 9.518.414 ha.

Về quan điểm, Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc phải mang tính định hướng cao, xác định việc phân bố, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ toàn vùng, bảo đảm tính liên kết nội vùng và ngoại vùng; bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên.

Nội dung Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Đồng thời, phải nêu rõ quan điểm, mục tiêu phát triển: Quan điểm về phát triển vùng, tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ vùng trong thời kỳ quy hoạch; mục tiêu tổng quát phát triển vùng trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 20 đến 30 năm; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng trong thời kỳ quy hoạch...Việc lập Quy hoạch phải bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ, hệ thống giữa các ngành và các tiểu vùng, địa phương trong vùng; khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, từng địa phương; gắn với việc hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực phát triển, đảm bảo an toàn, an ninh cơ sở hạ tầng thiết yếu (hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng số) và thúc đẩy hoàn thành chính phủ số, kinh tế số, xã hội số làm động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Quy hoạch được lập phải đảm bảo thực hiện tái cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường của vùng; bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực do kinh tế - xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế cả cộng đồng dân cư; bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên.

Theo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” trên địa bàn tỉnh cho thấy, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo, tổ chức triển khai việc lập Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 24/3/2021 về triển khai lập Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030. Nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 907/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 và trong tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã quyết định giao Sở Xây dựng triển khai lập 3 quy hoạch xây dựng vùng liên huyện gồm: vùng liên huyện Chợ Mới, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.289,5km2; vùng liên huyện Chợ Đồn, Ba Bể và Pác Nặm khoảng 2.063,64km2 và vùng liên huyện Na Rì và Ngân Sơn khoảng 1.497,4km2.

Quy hoạch vùng huyện, vùng liên huyện tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở bộ khung giao thông, vị trí và vai trò các trọng điểm đô thị, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội, địa giới các đơn vị hành chính hiện hữu, phân vùng liên huyện phát triển tỉnh Bắc Kạn với 3 vùng liên huyện. Việc lập các quy hoạch các vùng liên huyện nhằm xác định mục tiêu, động lực chính, tính chất, quy mô phát triển đô thị, dân cư trong liên vùng, từ đó tạo lập phương án phát triển tổng thể, bố trí không gian đô thị - nông thôn, không gian phát triển và định hướng nhu cầu phát triển các khu chức năng trong tương lai trên cơ sở huy động các điều kiện, nguồn lực của vùng liên huyện trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để các tỉnh trong khu vực lập quy hoạch vùng của địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Kạn nhằm tạo điều kiện thuận lợi pháp huy các lợi thế so sánh, liên kết, hỗ trợ thúc đẩy phát triển KT-XH, QPAN của các địa phương và của khu vực vùng trung du và miền núi phía Bắc trong thời gian tới./.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP