Nhiều nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
( Cập nhật lúc:
19/10/2020
)
Bà Phương Thị Thanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh (Ảnh: Thu Thương)
TTT: Xin đồng chí cho biết kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV sẽ diễn ra như thế nào và tập trung giải quyết những nội dung trọng tâm gì?
ĐBQH Phương Thị Thanh:
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2020 và dự kiến bế mạc vào ngày 17/11/2020. Lần này Kỳ họp sẽ diễn ra theo 02 đợt: Đợt một được tổ chức họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/10 đến ngày 27/10/2020). Đợt hai, tổ chức họp tập trung tại Hà Nội (từ ngày 02/11 đến ngày 17/11/2020).
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết (Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (theo quy trình tại một kỳ họp). Quốc hội cho ý kiến 6 dự án luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Hiện nay các cơ quan của Quốc hội đã xin ý kiến các ĐBQH để chuẩn bị cho kỳ họp.
Quốc hội cũng dành thời gian để xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Quốc hội cũng cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công trung hạn. Quốc hội cũng dành thời gian để đánh giá kết thực hiện Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Theo quy định của luật, tại kỳ họp Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ và của các cơ quan có liên quan. Đây là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, do vậy Quốc hội cũng thống nhất sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác giám sát và công tác chất vấn đối với các cơ quan có thẩm quyền từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây cũng là nội dung để ĐBQH căn cứ vào đó để chất vấn tại kỳ họp. Theo chương trình, Quốc hội sẽ thực hiện công tác cán bộ theo thẩm quyền.
TTT: Để chuẩn bị cho kỳ họp, thời gian qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào và đâu là những nội dung chính được cử tri trong tỉnh quan tâm gửi tới Quốc hội thưa đồng chí?
ĐBQH Phương Thị Thanh:
Trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức cho ĐBQH đi tiếp xúc cử tri tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến xây dựng luật; tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề và có buổi làm việc với UBND tỉnh, các cơ quan liên quan để nghe UBND tỉnh đánh giá thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như các cơ quan kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương liên quan đến nội dung thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Qua tổng hợp ý kiến của cử tri trong tỉnh và qua kết quả làm việc với UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh thấy rằng ý kiến của cử tri và các sở ngành của tỉnh quan tâm đến một số nội dung như: Vướng mắc trong việc thực các quy định của luật; cử tri các địa phương trong tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến đầu tư, đặc biệt là đầu tư hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cử tri cũng quan tâm tới việc đánh giá việc sắp xếp các đơn vị hành chính, đặc biệt là đối với tỉnh Bắc Kạn để sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Đối với những địa phương địa bàn rộng nhưng dân cư thưa thớt như Bắc Kạn, để thực hiện đạt được các tiêu chí chung của cả nước thì rất khó, nên cử tri cũng kiến nghị Trung ương quan tâm, hạn chế tối đa việc sắp xếp để tránh xáo trộn, giúp cán bộ công chức yên tâm công tác và để triển khai thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn, thuận lợi cho nhân dân.
TTT: Với sự chuẩn bị như vậy, đồng chí có thể cho biết thêm về những dự kiến mà Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn sẽ tham gia vào hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp này?
ĐBQH Phương Thị Thanh:
Chuẩn bị kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã họp để nghe từng ĐBQH đề xuất với Đoàn về các nội dung thảo luận tại kỳ họp, đặc biệt những ý kiến tham gia vào các luật, để tránh các đại biểu trong Đoàn chuẩn bị trùng nội dung, bởi vì thời gian có hạn, chỉ trong một buổi mà có đến hai hoặc ba đại biểu đăng ký cùng một lúc thì rất khó thực hiện được. Đồng thời, cũng cung cấp thông tin cho các đại biểu, để các đại biểu tham gia thảo luận về kinh tế xã hội, đặc biệt là phân bổ ngân sách của năm 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó chú trọng quan tâm đặc biệt là những tiêu chí để phân bổ ngân sách, hỗ trợ ưu tiên đầu tư hạ tầng để nâng cao đời sống vật chất của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm khai thác lợi thế của địa phương cũng như hỗ trợ cho người dân nâng cao đời sống, thu nhập.
Cùng với những nội dung này, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thống nhất kiến nghị với Chính phủ sớm phê duyệt Dự án nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để địa phương tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là các tiểu dự án nằm trong Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thứ hai nữa là, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lớn (hiện trên 72%), nhưng hạ tầng lâm nghiệp, đặc biệt là đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn còn hạn chế, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ có chương trình riêng cho các địa bàn này, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.
Các nội dung liên quan đến bất cập trong chính sách pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng sẽ tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là qua thảo luật tại tổ và tại hội trường.
TTT: Xin cảm ơn bà!