Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL
( Cập nhật lúc:
19/10/2020
)
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại Điểm cầu tỉnh Bắc Kạn
Dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Hoàng Thu Trang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng lãnh đạo, công chức tư pháp các sở, ngành, địa phương có liên quan.
Tại hội nghị, đại biểu được nghe Báo cáo viên giới thiệu và quán triệt những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 18/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, trong đó: Sửa đổi, bổ sung 68 điều, gồm 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật văn bản (đối với quy định liên quan đến địa phương được sửa đổi, bổ sung 16 điều gồm 13 điều về nội dung và 03 điều về kỹ thuật văn bản). Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến các nội dung như: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng pháp luật; phản biện của UBMTTQVN; hình thức, thẩm quyền ban hành văn bản liên tịch; quy trình xây dựng, ban hành một số loại văn bản QPPL; phân cấp thẩm quyền ban hành văn bản QPPL; quy định về thủ tục hành chính; Thẩm tra chính sách; trình tự, thủ tục rút gọn văn bản QPPL; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản QPPL; hồ sơ và thời hạn xây dựng, trình văn bản QPPL. Đồng thời, hội nghị triển khai Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quyết định số 1995/QĐ-BTP ngày 25/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp.
Một số địa phương kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các nội dung như: Quy định rõ hơn về thẩm quyền ký chứng thực và trình tự, thủ tục bãi bỏ văn bản QPPL; đính chính văn văn bản QPPL; đăng tải trên công thông tin điện tử; công tác kiểm tra văn bản QPPL... Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp đã giải thích và tiếp thu các ý kiến của các địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nhiều nội dung mới, trong đó có một số nội dung liên quan trực tiếp đến công tác triển khai thi hành pháp luật ở địa phương, vì vậy việc nắm bắt sâu sắc để vận dụng trong thực tiễn là hết sức quan trọng. Hội nghị cũng là một trong những bước đầu tiên, quan trọng giúp đưa nội dung của Luật vào cuộc sống. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương chủ động tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật khi áp dụng tại địa phương.