Hội đồng Dân tộc của Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ tại Bắc Kạn
( Cập nhật lúc:
31/08/2020
)
Ngày 27/8/2020, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020 tại tỉnh Bắc Kạn. Tham gia cùng Đoàn giám sát có bà Phương Thị Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2011-2020 tỉnh Bắc Kạn thực hiện kịp thời các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các kết luận, chương trình hành động, kế hoạch của Trung ương đối với lĩnh vực KH&CN; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các các văn bản pháp luật, chính sách của Trung ương; cụ thể hóa các văn bản phù hợp với tình hình thực tế tỉnh Bắc Kạn, hoàn thiện hành lang pháp lý về KH&CN của tỉnh. Nhờ đó, ngành KH&CN của tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, vượt bậc so với giai đoạn trước. Các cấp, các ngành đã chủ động tham gia một cách tích cực và hiệu quả để cung cấp cơ sở khoa học phục vụ cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, nhất là trong xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc, góp phần phát triển KH-XH vùng dân tộc thiểu số. Hoạt động KH&CN đã có nhiều tác động tích cực tới phát triển KT-XH, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh và góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của tỉnh.
Trong giai đoạn 2011-2020, tổng số đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao sử dụng ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ của Bắc Kạn triển khai 111 nhiệm vụ. Trong đó, các đề tài triển khai về hoạt động nghiên cứu ứng dụng là 40 nhiệm vụ; các dự án chuyển giao kỹ thuật, công nghệ là 71 nhiệm vụ. Việc nghiên cứu, ứng dụng các đề tài đã mang lại giá trị khoa học, giá trị thực tiễn, có tính khả thi và hiệu quả kinh tế, đồng thời là cơ sở cho việc định hướng phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai phát triển cây trồng đặc sản, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Trong đó, một số mô hình đã được phát huy và nhân rộng, nhất là các dự án phát triển cây trồng đặc sản của tỉnh như cây cam, quýt, hồng không hạt, chè, gạo bao thai, gạo Japonica...
Bên cạnh những kết quả đạt được, do Bắc Kạn là tỉnh miền núi khó khăn nên địa phương chưa có điều kiện để đầu tư, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ tại địa phương, chủ yếu do Trung ương hỗ trợ; kết quả một đề tài dự án, chương trình KH&CN chưa có tính ứng dụng cao nên việc áp dụng, duy trì và nhân rộng kết quả các đề tài dự án, chương trình KH&CN gặp nhiều khó khăn, bất cập. Do đó một số đề tài dự án, mô hình chỉ dừng lại ở nơi thực hiện, chưa nhân rộng tới các địa phương khác; nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, kinh tế khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất... Tỉnh Bắc Kạn kiến nghị với Đoàn giám sát có ý kiến với Quốc hội tiếp tục chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ; có thêm những chính sách, chế độ để động viên, khuyến khích kịp thời cán bộ kỹ thuật công tác tại miền núi. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng có cơ chế đầu tư thích hợp cho việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư kinh phí, tăng cường tiềm lực cho khoa học và công nghệ các tỉnh miền núi...
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã cùng trao đổi những kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn, đồng thời thảo luận làm rõ một số vấn đề trong thực hiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 của tỉnh Bắc Kạn, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trên đã tạo nền tảng phát triển khoa học và công nghệ ở địa phương. Trong thời gian tới, ông Thành đề nghị tỉnh Bắc Kạn cần xác định việc ứng dụng khoa học và công nghệ phải là một trong những nhiệm vụ chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội; thực hiện theo hướng khép kín chuỗi nghiên cứu - sản xuất - thị trường. Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh cần cân đối, phân bổ thêm nguồn lực địa phương để tập trung cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đồng thời tăng cường công tác phối hợp để thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trước đó, chiều ngày 26/8, Đoàn giám sát đã khảo sát một số mô hình thuộc đề tài, dự án khoa học công nghệ tại Hợp tác xã Yến Dương, xã Yến Dương, huyện Ba Bể và Công ty TNHH Curcumin Bắc Hà tại thành phố Bắc Kạn./.