Tại hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, Ủy ban bầu cử tỉnh đã đánh giá những kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế và đưa ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác bầu cử, cụ thể như sau:
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác bầu cử đến các cấp, các ngành trên toàn tỉnh. Qua đó, công tác bầu cử được thực hiện đảm bảo đúng quy định và tiến độ theo kế hoạch. Thành viên Ban chỉ đạo, Ủy ban bầu cử, các Tiểu ban và các tổ chức phụ trách bầu cử các cấp có tinh thần trách nhiệm cao, theo dõi sát địa bàn được phân công phụ trách; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát để kịp thời tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
Việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử đảm bảo đúng số lượng thành viên và được thành lập trước thời hạn quy định: Toàn tỉnh đã thành lập 117 Ủy ban bầu cử; 789 Ban bầu cử và 763 Tổ bầu cử. Việc ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử được thực hiện theo Luật định: Cấp tỉnh có 02 đơn vị bầu cử để bầu 06 đại biểu Quốc hội; 14 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh để bầu 50 đại biểu. Cấp huyện có 60 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện để bầu 242 đại biểu. Cấp xã có 713 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã để bầu 2.019 đại biểu.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử đảm bảo đúng quy định và tiến độ theo kế hoạch. Nội dung tập trung vào thông tin, tuyên truyền pháp luật về bầu cử; tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; quy định về giới thiệu người ứng cử, tự ứng cử; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cử tri; công tác chuẩn bị nhân sự, các bước hiệp thương giới thiệu người ứng cử và các hoạt động tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp… Hình thức thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử được triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19; niêm yết và gửi tiểu sử tóm tắt những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tới từng hộ gia đình để cử tri và nhân dân tìm hiểu, nghiên cứu và lựa chọn... Qua đó góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, nhận thức, trách nhiệm và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt cao. Tình hình dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ổn định, tin tưởng, kỳ vọng vào những người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; dư luận cũng đồng thuận cao với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, UBBC các cấp đối với cuộc bầu cử.
Việc tiếp nhận hồ sơ người ứng cử được thực hiện đúng quy định: Đến 17 giờ 00 ngày 14/3/2021 đã kết thúc việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thường trực HĐND, UBND và Thường trực UBMTTQVN các cấp đã phối hợp chặt chẽ thực hiện quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo đúng quy định. Ủy ban bầu cử tỉnh, huyện đã tổ chức tập huấn cho các thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử các cấp.
Việc lập và niêm yết danh sách cử tri, danh sách những người ứng cử được thực hiện xong trước thời gian Luật định: Ủy ban bầu cử tỉnh đã lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh vào ngày 22/4/2021 (trước 06 ngày so với thời gian Luật định); công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội vào ngày 29/4/2021 (trước 04 ngày so với Luật định). Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã đã thực hiện việc lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương trước ngày 28/4/2021 đảm bảo theo đúng quy định. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được thực hiện đảm bảo phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngoài thực hiện tiếp xúc cử tri vận động bầu cử theo kế hoạch của Ủy ban MTTQ các cấp, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND tỉnh còn thực hiện vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có vụ việc nào phát sinh làm ảnh hưởng tới quá trình bầu cử; các khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử được giải quyết kịp thời, đúng luật định (Tổng số đơn, thư tiếp nhận, gồm: 14 đơn và 01 thư hỏi về kết quả sau bầu cử). Ủy ban bầu cử tỉnh đã kịp thời phân bổ kinh phí cho các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị phụ trách công tác tổ chức bầu cử. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đã chủ động cân đối bổ sung thêm kinh phí cho cuộc bầu cử đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra, các điều kiện khác về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho cuộc bầu cử được cấp phát đầy đủ. UBBC cấp huyện, cấp xã đã cấp bổ sung thêm các tài liệu và các cơ sở vật chất cho các Tổ bầu cử để trang trí các khu vực bên ngoài và bên trong phòng bỏ phiếu, đảm bảo về thẩm mỹ, trang nghiêm và đúng quy định.
Ủy ban bầu cử các cấp chủ động xây dựng đầy đủ các kịch bản, phương án bầu cử trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp. Theo đó, ngày bầu cử 23/5/2021 đã diễn ra thuận lợi, không có tình huống phát sinh xảy ra; 100% cử tri cách ly tại nhà và cách ly tập trung được thực hiện quyền bầu cử đầy đủ theo luật định, đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch.
Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội: Số cử tri đi bỏ phiếu là 231.238 người, đạt tỷ lệ 99,81 %. Số đại biểu trúng cử là 06 đại biểu. Số đại biểu trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh là 50 đại biểu. Số đại biểu trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện là 238 đại biểu. Số đại biểu HĐND cấp huyện bầu thiếu 04 đại biểu, gồm: Huyện Bạch Thông thiếu 03 đại biểu, huyện Ngân Sơn bầu thiếu 01 đại biểu. Số đại biểu trúng cử đại biểu HĐND cấp xã là 1.952 đại biểu. Số đại biểu HĐND cấp xã bầu thiếu là 67 đại biểu, trong đó: Thành phố Bắc Kạn thiếu 03 đại biểu, huyện Ba Bể thiếu 07 đại biểu, huyện Bạch Thông thiếu 15 đại biểu, huyện Chợ Đồn thiếu 09 đại biểu, huyện Chợ Mới thiếu 10 đại biểu, huyện Na Rì thiếu 17 đại biểu, huyện Ngân Sơn thiếu 05 đại biểu, huyện Pác Nặm thiếu 01 đại biểu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 còn một số tồn tại, hạn chế sau: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số địa phương nhất là ở cấp xã chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, kịp thời và chưa bám sát đầy đủ các nội dung theo kế hoạch và nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử để chỉ đạo, triển khai thực hiện; việc quán triệt, định hướng, tuyên truyền về cơ cấu, số lượng đại biểu HĐND được bầu chưa chặt chẽ dẫn đến một số đơn vị bầu thiếu đại biểu phải bầu thêm, qua bầu thêm vẫn không bầu đủ số đại biểu đã được ấn định; một số lãnh đạo chủ chốt cấp xã không trúng cử đại biểu HĐND.
Một số thành viên UBBC chưa chủ động bám sát địa bàn được phân công phụ trách để giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở, do đó một số khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế ở cơ sở chưa được phát hiện và giải quyết kịp thời. Hoạt động của một số Ban bầu cử các cấp chưa thực hiện hết nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật bầu cử; việc lựa chọn thành viên của một số Tổ bầu cử chưa phù hợp, nhiều thành viên mới tham gia lần đầu, chưa có kinh nghiệm, dẫn đến việc kiểm phiếu bầu, hoàn thiện các biểu mẫu còn lúng túng. Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND còn lúng túng do văn bản hướng dẫn của Trung ương thiếu thống nhất, gây nhiều cách hiểu khác nhau; một số hội nghị hiệp thương ở cấp xã chưa xác định rõ thành phần tham dự, lúng túng trong hoàn thiện các biên bản hiệp thương. Thời gian tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử sát với ngày bầu cử nên hạn chế cho các ứng cử viên trong việc vận động bầu cử.
Công tác thông tin, tuyên truyền tại một số đơn vị, địa phương chưa chủ động, còn chờ cấp trên hướng dẫn chi tiết. Việc chuẩn bị hòm phiếu, bảng niêm yết danh sách cử tri, tiểu sử tóm tắt người ứng cử và một số tài liệu cho Tổ bầu cử còn chậm, còn có sai sót, cấp phát thành nhiều lần, ảnh hưởng tới công tác tiếp nhận, rà soát, đối chiếu của cơ sở (phiếu bầu, thẻ cử tri, khẩu hiệu, nội quy...). Việc cấp phát tiểu sử tóm tắt những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đến các hộ gia đình chưa đồng bộ, còn có sai sót và chưa hướng dẫn cụ thể về số lượng ứng viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử. Công tác tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các thành viên Tổ bầu cử chưa kỹ, chưa toàn diện, một số Tổ bầu cử phân công thành viên còn thiếu khoa học, hướng dẫn cách thức kiểm phiếu chưa cụ thể, dẫn đến khi kiểm phiếu và tổng hợp kết quả lúng túng, có tổ phải kiểm đếm lại nhiều lần. Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền chưa thường xuyên nhất là ở cơ sở nên một số thiếu sót chưa được phát hiện và xử lý kịp thời như: Thông tin về danh sách cử tri, danh sách và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử; số liệu tổng hợp báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử...Cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc Ủy ban bầu cử tỉnh chưa mạnh dạn trong việc phân cấp cho cơ sở để thực hiện một số nhiệm vụ trong công tác bầu cử (như chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu).
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác bầu cử; Ủy ban bầu cử tỉnh đưa ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác bầu cử như sau:
Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, sự tin tưởng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân là yếu tố cốt lõi quyết định thành công của cuộc bầu cử. Ban Chỉ đạo, Uỷ ban bầu cử tỉnh, huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác chuẩn bị cuộc bầu cử để kịp thời giải quyết những phát sinh ở cơ sở. Chủ động nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện.
Hai là, công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải theo đúng sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, bảo đảm chất lượng, số lượng đại biểu, đúng cơ cấu, thành phần và số dư theo quy định.
Ba là, đẩy mạnh việc phân cấp cho các địa phương chủ động trong triển khai các nhiệm vụ như: Chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu phục vụ công tác bầu cử...
Bốn là, cơ quan thường trực giúp việc cho Ủy ban bầu cử các cấp cần chủ động, năng động, linh hoạt và nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn để cử tri hiểu về quyền và trách nhiệm của công dân đối với cuộc bầu cử.
Sáu là, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, công tác phòng, chống dịch bệnh trong suốt quá trình triển khai công tác bầu cử, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng vũ trang, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản cụ thể nếu có các tình huống phát sinh.
Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác theo dõi tiến độ cử tri tham gia bỏ phiếu, công tác kiểm phiếu, tổng hợp kết quả bầu cử để đảm bảo tổng hợp kết quả nhanh, chính xác; tăng cường tập huấn nghiệp vụ bầu cử nhất là đối với các thành viên Tổ bầu cử.