Vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023”.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn khảo sát văn hóa chữ Nôm Tày được Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Phúc lưu giữ tại huyện Pác Nặm
Tham dự Phiên giải trình có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện một số bộ, ngành trung ương và địa phương. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ đã tham gia giải trình các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm được giao theo luật định.
Trên cơ sở ý kiến chất vấn, giải trình tại phiên họp và báo cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, trong Kết luận phiên giải trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và các kết quả đạt được của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách, pháp luật và thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.
Trong giai đoạn 2013-2023, đã có trên 55 văn bản quy phạm pháp luật, quy định trực tiếp và gián tiếp liên quan đến xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao được ban hành theo thẩm quyền. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020 và một số quy hoạch thiết chế chuyên ngành đã được ban hành. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, phát triển, hình thành mạng lưới từ trung ương tới cơ sở. Tỷ lệ tỉnh, huyện, xã, thôn (bản) có đầy đủ loại hình thiết chế văn hóa được nâng lên. Các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập từng bước được đầu tư xây dựng. Hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao được tổ chức đa dạng; bám sát chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật; cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và các nhiệm vụ chính trị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phiên giải trình đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập trong việc ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao như:
- Quy định về “thiết chế văn hóa, thể thao” chưa rõ ràng, cụ thể, thống nhất, đầy đủ, phân tán ở nhiều loại văn bản với mức độ hiệu lực pháp lý khác nhau gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện. Một số thiết chế chưa được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật (câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, nhà văn hóa của tổ dân phố…) hoặc chưa được xem là thiết chế văn hóa, thể thao (công viên, quảng trường, một số thiết chế gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần truyền thống của đồng bào như đình làng, chùa, nhà thờ, nhà rông…).
- Quy hoạch về hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và một số quy hoạch thiết chế chuyên ngành về bảo tàng, thư viện, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… còn hạn chế, chủ yếu dựa trên các công trình hiện có, nhiều nội dung đã không phù hợp với pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tiễn. Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 chậm ban hành so với quy định tại Quyết định số 1014/QĐ-TTg. Việc tích hợp các quy hoạch về thiết chế văn hóa, thể thao và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được thực hiện thống nhất, thiếu sự gắn kết với Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao, chưa đảm bảo tính toàn diện, cân đối giữa các loại hình thiết chế, thiếu tính cụ thể, đồng bộ giữa các địa bàn. Việc xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện chậm. Nhiều địa phương gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là các thiết chế phục vụ thanh thiếu nhi, công nhân.
- Chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều thiết chế văn hóa, thể thao chưa thực sự đáp ứng nhu cầu sử dụng; nhiều nơi cơ sở vật chất, trang thiết bị đã xuống cấp, thiếu đồng bộ. Hoạt động của nhiều bảo tàng, thư viện, nhà hát chậm đổi mới. Tại địa phương, công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở một số nơi chưa được chú trọng; Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã đã được thành lập nhưng không xác định được địa vị pháp lý theo quy định hiện hành, gây vướng mắc trong tổ chức hoạt động, bố trí nhân sự quản lý, vận hành. Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại nhiều thiết chế chưa bảo đảm yêu cầu về cơ cấu, số lượng và chất lượng.
- Ngân sách nhà nước đầu tư cho xây dựng, quản lý thiết chế văn hóa, thể thao còn thấp, phân tán, chưa đáp ứng yêu cầu. Chính sách huy động các nguồn lực xã hội hóa phát triển thiết chế văn hóa chưa hấp dẫn, khó thu hút các nhà đầu tư. Quy định về quản lý, sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết, cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với thực tiễn...
Qua phiên giải trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu thực hiện đồng đồng bộ các giải pháp cụ thể như: Rà soát các quy định về thiết chế văn hóa, thể thao tại Luật Quy hoạch, Luật Thư viện, Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Thể dục, thể thao và các văn bản khác có liên quan để làm rõ khái niệm và nội hàm “thiết chế văn hóa, thể thao” và “cơ sở văn hóa, thể thao”, bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực hiện; hướng dẫn việc tích hợp các quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Tập trung hoàn thiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trong đó bổ sung hoàn thiện các quy định điều chỉnh hệ thống bảo tàng; nghiên cứu bổ sung lĩnh vực văn hóa, thể thao vào nhóm lĩnh vực được phép đầu tư theo phương thức đối tác công tư; triển khai, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã được phê duyệt…