Văn phòng Quốc hội ban hành Đề án tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
( Cập nhật lúc:
18/10/2023
)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 29/11/2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội (kỳ họp được chia làm 2 đợt: đợt 1 từ 23/10-10/11/2023; đợt 2 từ 20/11-29/11/2023). Để triển khai hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đã ban hành Đề án tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Trung tâm báo chí kỳ họp
Theo Chương trình kỳ họp, công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp được tổ chức thành 03 giai đoạn: trước, trong và sau Kỳ họp, bảo đảm tuyên truyền đậm nét vào thời gian gần đến ngày khai mạc Kỳ họp và trong thời gian diễn ra Kỳ họp.
Với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tấn báo chí tác nghiệp, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng định hướng về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đề án đặc biệt nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, chú trọng tuyên truyền trên internet, thực hiện tuyên truyền linh hoạt, đan xen trên các phương tiện thông tin báo chí truyền thống và mạng xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nội dung và hình thức tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp.
Theo đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương và địa phương phải tăng cường, chặt chẽ theo nguyên tắc bảo đảm đưa tin đầy đủ, cân đối, hài hòa giữa các vùng, miền, giữa Trung ương với địa phương; phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm cung cấp kịp thời tin, bài, video về hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp để tuyên truyền rộng rãi tại địa phương.
Đề án nêu rõ yêu cầu: Các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng tuyên truyền về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trong các bản tin thời sự, chuyên mục, chuyên đề; tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về Kỳ họp. Bên cạnh việc đưa tin, phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác về chương trình Kỳ họp, các cơ quan báo chí cần tăng cường các bài viết phân tích chuyên sâu về những đổi mới của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Ngoài ra, các cơ quan báo chí chủ động xây dựng tin, bài phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, Nhân dân gửi tới diễn đàn Quốc hội. Tổ chức nắm bắt kịp thời các luồng ý kiến dư luận xã hội trong cử tri và Nhân dân phản ánh về Kỳ họp thứ 6
Về nội dung, cần tuyên truyền đậm nét và trang trọng về phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và phát biểu khai mạc Kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; về những cải tiến, đổi mới trong cách thức tổ chức kỳ họp; về công tác chuẩn bị và các điều kiện bảo đảm, góp phần phục vụ thành công Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tập trung tuyên truyền về công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 6, về những điểm mới, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp, đồng thời cần có bài viết đánh giá những tác động, ảnh hưởng của chính sách đối với người dân, doanh nghiệp khi luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến nội dung các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; về công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác, như: Đánh giá của Quốc hội về các báo cáo KT-XH, ngân sách Nhà nước; về những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác của ngành Kiểm sát nhân dân, ngành Tòa án nhân dân đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao; công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm được dư luận quan tâm, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; việc Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn…
Việc tuyên truyền phải bảo đảm đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật; tuân thủ quy định của Luật Báo chí. Qua đó, góp phần tạo điều kiện để cử tri theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.