Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam
( Cập nhật lúc:
16/06/2020
)
Ông Nguyễn Hồng Thái, Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu I, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận
Trên cơ sở kết quả 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997, Dự án Luật Biên phòng Việt Nam được xây dựng gồm 07 chương, 33 điều đã kế thừa những quy định còn giá trị của Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập đã xảy ra, phát triển, bổ sung các quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Tham gia thảo luận, các vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ông Nguyễn Hồng Thái, Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu I, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn chỉ rõ điểm mới rất căn bản trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng được quy định trong nhiệm vụ biên phòng Việt Nam đó là trách nhiệm và sự tham gia của toàn dân, theo đó ông đề nghị cần giải thích rõ cụm từ ngữ “thế trận biên phòng toàn dân” trong dự thảo luật. Trong Điều 9 về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, ông đề nghị cần quy định rõ vai trò của Quân khu trong việc phối hợp chỉ đạo quản lý nhà nước đối với khu vực biên giới quốc gia để đảm bảo sự thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng. Về nhiệm vụ của lực lượng biên phòng Việt Nam, ông đề nghị Ban soạn thảo cần soi chiếu với pháp luật hiện hành để tránh xung đột giữa các quy định. Tại khoản 5 Điều 15, đại biểu Nguyễn Hồng Thái đề nghị bổ sung việc tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự cho phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 64 Bộ Luật Hình sự.
Về tên gọi của dự thảo Luật, bà Phương Thị Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng ngoài lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện các biện pháp tổng thể để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia còn có các tổ chức khác, đặc biệt là nhân dân vùng biên giới, do dó tên dự thảo luật là phù hợp. Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, bà Thanh đề nghị cùng với quy định về kiểm soát việc “nhập cảnh” tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, cần bổ sung việc kiểm soát “quá cảnh, xuất cảnh” cho phù hợp và đảm bảo tính bao quát. Bên cạnh đó, bà đề nghị rà soát các quy định trong dự thảo luật với pháp luật hiện hành có liên quan như Luật Biên giới quốc gia, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, Luật Cư trú nhằm đảm bảo sự thống nhất và tránh trùng lắp.