Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ 9
( Cập nhật lúc:
05/05/2025
)
Chiều 04/5, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã chủ trì tổ chức họp báo để thông tin về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp thứ 9 là 37 ngày theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp sẽ được tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 5/5 đến 29/5; đợt 2 từ ngày 11/6 đến hết ngày 28/6/2025.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Quang cảnh phiên họp báo
Ông Lê Quang Tùng cho biết, do kỳ họp có khối lượng công việc lập pháp lớn, trong đó rất nhiều luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đề nghị ưu tiên bố trí thảo luận ngay tại đợt 1 đối với phần lớn các dự án luật trình Quốc hội thông qua để có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội biểu quyết tại đợt 2 của kỳ họp. Chỉ một số ít dự án luật có số lượng nội dung không nhiều và hầu hết các dự thảo nghị quyết thì bố trí Quốc hội xem xét, thảo luận vào đầu đợt 2 và thông qua vào cuối đợt 2 của kỳ họp. Quốc hội sẽ ưu tiên bố trí thời gian xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua cùng một thời điểm đối với các nội dung có liên quan trực tiếp với nhau; rút ngắn thời gian trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra; bảo đảm sử dụng hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Đối với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 thì bố trí thảo luận vào cuối đợt 2 của kỳ họp. Theo đó, thời gian từ khi thảo luận ở tổ đến thảo luận ở hội trường đối với các nội dung này khoảng từ 2 đến 3,5 ngày.
Việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 được tiến hành rất kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian cho ý kiến về các nội dung Kỳ họp, tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua. Văn phòng Quốc hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, tích cực triển khai, rà soát, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ Kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt và quan trọng nhất nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, quyết định nhiều nội dung, vấn đề mang tính lịch sử như: sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, do đó công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau Kỳ họp cần được tổ chức thực hiện kịp thời, thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực, bám sát hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp nhằm thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước.