Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét một số nội dung trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
( Cập nhật lúc:
08/09/2022
)
Trong 2 ngày (07 và 08/9/2022), tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV.
Quang cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách
Ngày 07/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, 02 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải lần lượt điều hành Hội nghị đã thảo luận về 4 dự án Luật gồm: Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Trong ngày 08/9, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp tục điều hành của Hội nghị thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo Chương trình xây dựng luật tại Kỳ họp thứ Tư, Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp.
Với tinh thần thận trọng và cầu thị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các ĐBQH tranh thủ tối đa thời gian tập trung nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo; thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa thực tiễn với lý luận, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân với các quyết sách trình Quốc hội xem xét thông qua. Các ý kiến của các ĐBQH chuyên trách sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật với mục tiêu đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tư.
Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách không chỉ là một quy trình trong hoạt động lập pháp, mà còn là diễn đàn thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của ĐBQH hoạt động chuyên trách. Việc tổ chức Hội nghị thể hiện quyết tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tính dân chủ của ĐBQH chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật; đồng thời, phù hợp với xu hướng đổi mới, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.