Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”
( Cập nhật lúc:
21/09/2022
)
Trong ngày Chủ nhật (18/9/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 để phục vụ cho các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Trên cơ sở tiếp tục pháp huy hiệu quả của Diễn đàn Kinh tế lần thứ nhất, Diễn đàn lần này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc và quyết định lựa chọn chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”, đồng thời, giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, bảo đảm tổ chức thành công Diễn đàn. Đây là diễn đàn được thường niên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đó để đảm bảo tính toàn diện, cân đối giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, diễn đàn được đổi tên thành Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 là sự tiếp nối Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và Phát triển bền vững”, nhằm bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình, từ đó có phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội..., đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Diễn đàn lần này tập trung về các nội dung: Làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa - kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 08 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó; rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam (các FTA: CPTPP, EVFTA; RCEP; SDGs; COP26…); đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.